Câu chuyện nông thôn

Bà con hỏi: Khô hạn đến bao giờ?

Cập nhật, 13:32, Thứ Tư, 17/04/2024 (GMT+7)

Nghe ngóng trên đài, trên báo, nghe đâu mưa vẫn còn… xa xa lắm, mỗi ngày cái nóng như thiêu đốt vùng đất được xem là màu xanh cây cối, sông nước dịu mát nhất cả nước. Những câu nói cửa miệng: Nắng chịu không nổi. Chưa bao giờ thấy nắng nóng bất thường như vầy. Không có một giọt mưa… Các chuyên gia thì nêu ra những con số, những kỷ lục mà mùa nắng năm nay lập nên so với nhiều, rất nhiều năm qua. Một kỷ lục buồn và vô cùng đáng lo. Người dân thì chống chịu nắng nóng bằng mọi cách tùy theo điều kiện sống của mình. Nông dân cùng với bao nhiêu lao động khác vẫn phải dang nắng mà làm việc, nắng bức bối, nắng như thiêu đốt thịt da.

Vẫn nghe đâu đó các địa phương xung quanh có một vài cơn mưa vàng, mà sao khu vực mình không có thấy triển vọng nào là sẽ có mưa, sắp có mưa. Người dân nông thôn thì sao hiểu được hết những ngọn nguồn nguyên nhân của những cơn nắng hạn, khô khát cứ diễn ra ngày một thường xuyên hơn và ngày càng có dấu hiệu… tăng nhiệt hơn. Cả thế giới đang có những miền khí hậu cực đoan, mà người ta gọi một cụm từ trở nên quá quen thuộc là biến đổi khí hậu. Có rất nhiều nguyên nhân, mà nghe nói những tác động từ con người đã góp phần không nhỏ vào những diễn biến phức tạp và theo chiều hướng ngày càng xấu đi của khí hậu, thời tiết.

Nông dân nuôi trồng thì vấn đề thời tiết, nước nôi được xem như cốt tử. Nóng quá cũng căng mà không có nước thì cây cối cháy rụi, vật nuôi cũng ảnh hưởng nghiêm trọng. Xem ra, nông dân càng phải biết thích ứng linh hoạt cùng những giải pháp nuôi trồng thích ứng thật linh hoạt để chống chịu với sự khắc nghiệt của thời tiết nắng nóng, khô hạn thế này.

Đến lúc nào đó, nguồn nước trở thành mối xung đột, bất hòa giữa các khu vực, giữa các cộng đồng cư dân trong vấn đề khai thác, chia sẻ và cùng nhau bảo vệ nguồn nước, cũng có thể xem là nguồn sống của con người. Càng khô hạn, nguồn nước càng trở nên quý giá và nảy sinh những kiểu tư duy cục bộ cực đoan, tham vọng sở hữu, tham vọng của sự phát triển “một mình” mà quên mất sự thiệt hại của “hàng xóm” nó thật sự còn đáng sợ hơn nhiều những biến đổi do tự nhiên mang lại.

Chỉ có sự hiểu biết chiều sâu về sự phát triển một cách nhân văn, văn hóa cùng sự cộng đồng trách nhiệm cùng nhau mới mong giảm thiểu những thiệt hại do biến đổi khí hậu môi trường mang lại. Nông dân sản xuất, mưu sinh vốn đã quá nhọc nhằn, vất vả, họ sẽ càng dễ tổn thương hơn vì những toan tính mang sự ích kỷ, vô cảm của một số người, một nhóm người nào đó mang lại.

Thật đáng lo, cái nắng nóng mang nhiều mầm mống, hiểm họa sẽ còn diễn biến không lường trước được. Vậy nên, cũng chẳng có câu trả lời chính xác rằng khô hạn đến bao giờ?

Hailua@.com

 

 

 

Các tin khác: