Để những dòng sông quê xanh, sạch, đẹp

Cập nhật, 12:11, Thứ Ba, 11/07/2023 (GMT+7)
Xây dựng những dòng sông sạch, đẹp, có mảng xanh cây cối ven hai bờ...
Xây dựng những dòng sông sạch, đẹp, có mảng xanh cây cối ven hai bờ...

(VLO) Hệ thống sông ngòi, kinh, rạch có vai trò rất quan trọng đối với vùng nông thôn ở ĐBSCL (trong đó có Vĩnh Long). Thời gian gần đây, môi trường, cảnh quan của chúng ta thay đổi theo chiều hướng xấu đi bởi tác động của các hoạt động kinh tế- xã hội diễn ra mạnh mẽ. Xây dựng những dòng sông, dòng kinh xanh, sạch, đẹp là tiêu chí cần hướng đến trong phát triển giao thông nông thôn hay xây dựng NTM trong tương lai.

Tiêu chí dòng sông sạch, đẹp

Theo các chuyên gia, dòng sông sạch, đẹp là sông có nguồn nước không bị ô nhiễm, có thể lấy tưới cho cây trồng, sinh hoạt, nước trong và đặc biệt là các loài thủy sinh, thủy sản sống được.

Bên cạnh, lòng sông không chứa rác thải, không có nhiều cây thủy sinh, cỏ hoang, bụi rậm, bờ sông không bị xói lở mạnh.

Đặc biệt hơn là sông phải có mảng xanh cây cối ven hai bờ, có đường bộ, kè lát mái bờ sông, lưu thông thuận lợi; sông là nơi mà mọi người có thể tìm đến để thư giãn, tham quan và hoạt động văn hóa, du lịch sông nước…

Cũng theo các chuyên gia, mảng cây xanh ven hai bờ cùng với hệ thống sông ngòi, kinh, rạch đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc cải thiện môi trường sinh thái, chống sạt lở bảo vệ bờ sông và làm điều hòa tiểu khí hậu cho các vùng nông thôn.

Tuy nhiên, theo cơ quan chuyên môn cho biết, hiện tại nguồn nước trong hệ thống kinh, rạch ở trong tỉnh phần lớn bị ô nhiễm về chất dinh dưỡng và thực tế, lòng sông, rạch vẫn còn chứa nhiều chất thải từ hoạt động sản xuất, sinh hoạt, kinh doanh, dịch vụ của con người.

Nạn thải rác xuống dòng sông, rạch, kinh, mương xuất hiện ở nhiều nơi. Nhiều kinh, rạch bị khai thác đất quá mức gây sạt lở, làm mất đất, mất mảng xanh cây cối ven bờ; và ngược lại, cũng còn nhiều kinh nội đồng bị bồi lắng, bị cây cỏ lấn dòng, rậm rạp… cùng với sự phát triển nhanh chóng của các công trình ven sông đã và đang làm cho những dòng sông, kinh, rạch mất dần yếu tố “sạch, đẹp”.

Hơn 10 năm qua kể từ khởi động Chương trình xây dựng NTM ở Vĩnh Long, nhiều xã đã cải tạo, xây dựng nhiều tuyến đường bộ nông thôn thành những tuyến “đường sạch, đẹp” nhờ đầu tư lớn trồng mới hoa, cây xanh ven đường, cảnh quan trên bộ tươi tắn hẳn lên.

Vì vậy những dòng sông, kinh, rạch ở vùng nông thôn cần được làm theo như vậy để đường bộ, đường thủy sạch, đẹp hài hòa, cân đối.

Hiện tại, nhiều kinh, rạch ở vùng nông thôn trong tỉnh có đủ điều kiện để có thể xây dựng những “dòng sông sạch, đẹp” nhưng đòi hỏi quyết tâm của chính quyền và nhân dân ở địa phương!

Để có những dòng sông sạch, đẹp

Một trong những giải pháp quan trọng nhất để làm dòng sông, rạch ở nông thôn thêm đẹp là hãy làm sạch rác thải và trồng cây phủ xanh những dòng kinh.

Việc làm sạch rác thải dòng sông, thời gian qua, nhiều địa phương ở vùng ĐBSCL đã triển khai thực hiện bằng những mô hình, dự án cụ thể hay lồng ghép trong các chương trình, kế hoạch bảo vệ môi trường thường niên của địa phương, đã mang lại nhiều kết quả tích cực.

Ở Vĩnh Long, một số nơi cũng rất quan tâm công tác bảo vệ môi trường, thu gom hoặc hạn chế thải rác thải vào dòng sông hay phát quang cây cỏ, trụt vớt lục bình tránh lấp bít lòng kinh…

Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn lực thực hiện (nhân lực, kinh phí) nên hiệu quả không cao, chưa tạo thành phong trào rộng lớn, thường xuyên.

Hộ dân chỉ làm riêng lẻ là chủ yếu, sử dụng dụng cụ vớt rác, cỏ bằng thủ công hoặc phun thuốc trừ cỏ diệt cỏ, diệt lục bình.

Vì vậy, để làm sạch những dòng kinh, rạch hiệu quả, chính quyền ở các nơi trong tỉnh cần phối hợp với các sở, ngành chuyên môn, có liên quan phát động phong trào vớt rác thải trên sông; vận động người dân, tổ chức, đoàn thể tại địa bàn tham gia.

Đồng thời cần cân đối sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường hoặc kinh phí sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi hàng năm của cấp huyện, cấp tỉnh để đầu tư nạo vét các kinh, rạch thủy lợi nội đồng; thuê máy móc, phương tiện cơ giới kết hợp nhân công trục, vớt rác, lục bình, cỏ hoang tại những đoạn sông có nhiều cỏ, rác, bụi rậm.

Việc trồng cây để phủ xanh những dòng sông, kinh, rạch ngoài tác dụng tạo cảnh quan môi trường, còn là giải pháp xanh ít tốn kém để hạn chế xói lở, bảo vệ bờ sông thay cho giải pháp xây dựng công trình kè kiên cố có vốn đầu tư quá lớn.

Ở các tỉnh trong vùng ĐBSCL, phong trào trồng cây phòng, chống sạt lở đã được thực hiện ở nhiều nơi và nhiều năm qua.

Điển hình là tỉnh Đồng Tháp, tháng 5/2023, tỉnh chính thức phát động trồng cây bần tại các bờ kênh, bờ sông, những nơi có nguy cơ sạt lở.

Năm 2023, toàn tỉnh có kế hoạch trồng khoảng 120.000 cây bần và sau năm 2025, tỉnh sẽ đánh giá hiệu quả của giải pháp “kè xanh” trong phòng chống sạt lở.

Ở Vĩnh Long, trước đây cũng có một số dự án thử nghiệm trồng cây, cỏ phòng, chống sạt lở do Nhà nước đầu tư, như dự án trồng cỏ vetiver năm 2005 tại huyện Tam Bình, Mang Thít, nhưng không hiệu quả do không phù hợp với điều kiện sông, rạch của tỉnh.

Gần đây, có triển khai trồng lục bình quy mô lớn với chiều dài hơn 8km ven bờ sông trong dự án thủy lợi ngăn mặn tại cù lao Lục Sĩ (Trà Ôn), cù lao Dài (Vũng Liêm) do Sở Nông nghiệp-PTNT thực hiện, hiện bước đầu đem lại hiệu quả nhất định, nhưng cần được đánh giá nhằm đưa ra quy trình, đúng kỹ thuật để có hướng nhân rộng.

Còn phần lớn ở các tuyến kinh, rạch đều do người dân, các tổ chức tự trồng với việc sử dụng các loại cây bản địa, truyền thống như dừa nước, lục bình, bần…

kết hợp với vật liệu tại chỗ để tấn mé, giữ bờ. Tuy nhiên, hiệu quả phòng, chống sạt lở chưa cao, do chưa có cơ quan chuyên môn, chuyên gia xây dựng quy trình, cách làm đúng kỹ thuật.

Theo các chuyên gia, để thực hiện thành công phủ xanh những dòng sông, xây dựng những “con sông đẹp” đi đôi với “con đường đẹp” trong tiến trình phát triển giao thông nông thôn cần có đầu tư lớn, hỗ trợ của Nhà nước triển khai xây dựng mô hình, dự án thử nghiệm trồng cây, cỏ.

Từ đó, có đánh giá, rút kinh nghiệm, đề ra quy trình, kỹ thuật trồng, lựa chọn mô hình hiệu quả để nhân rộng, hướng dẫn người dân, tổ chức làm theo; đồng thời cần phát huy hơn nữa vai trò của cộng đồng, của nhà khoa học, nhà quản lý trong phong trào phủ xanh những dòng kinh, rạch ở nông thôn.

Bài, ảnh: MINH HÒA