Sạt lở gây ảnh hưởng nhiều nơi

Cập nhật, 21:45, Chủ Nhật, 09/07/2023 (GMT+7)

 

Sạt lở bờ sông, đê bao xảy ra nhiều nơi và gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống. Ảnh: NGUYÊN KHANG
Sạt lở bờ sông, đê bao xảy ra nhiều nơi và gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống. Ảnh: NGUYÊN KHANG

Thời gian qua, sạt lở bờ sông đã gây ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân ở nhiều nơi trong tỉnh. Tuy mức độ ảnh hưởng có khác nhau nhưng sạt lở luôn đặt ra bài toán khó cho địa phương, ngành chuyên môn trong việc khắc phục hậu quả, bảo vệ sản xuất và ổn định đời sống của người dân trong vùng sạt lở.

Ngày 7/7, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long đến khảo sát tình hình sạt lở tại huyện Bình Tân.

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Bình Tân, ngoài các đoạn sạt lở nhỏ thì toàn huyện hiện còn 12 đoạn sạt lở nguy hiểm chưa được khắc phục; trong đó, đoạn sạt lở xuất hiện từ năm 2021 có 3 đoạn, năm 2022 có 1 đoạn và mới xảy ra trong năm 2023 có 8 đoạn, tổng chiều dài của các đoạn sạt lở gần 500m, chiều rộng dao động từ 1,5-4m và sâu từ 2,5-3,5m. Các đoạn sạt lở này chủ yếu nằm trên các tuyến kênh cấp I do Sở Nông nghiệp-PTNT tỉnh Vĩnh Long quản lý.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long cho biết, qua đợt khảo sát sẽ giúp ngành chuyên môn nắm rõ tình hình sạt lở tại huyện Bình Tân. Để từ đó có những đề xuất, kiến nghị đối với các sở, ngành hữu quan và UBND tỉnh Vĩnh Long để có giải pháp, cũng như hỗ trợ kinh phí sớm giúp địa phương khắc phục kịp thời, nhằm đảm bảo an toàn cho việc đi lại, giao thương hàng hóa của người dân và thúc đẩy kinh tế- xã hội địa phương phát triển.

Theo báo cáo nhanh của UBND xã Tân An Hội, vào khoảng 4 giờ 20 phút ngày 6/7, tại ấp An Hội, xã Tân An Hội xảy ra vụ sạt lở đê bao có chiều dài 16m, rộng 8m, sâu 3,5m. Địa điểm sạt lở thuộc dự án công trình đê bao sông Măng. Sạt lở gây thiệt hại đường đan dài 16m, mặt 3,5m, không ảnh hưởng nhà dân và người.

Trước đó, vào khoảng 5 giờ 30 phút, ngày 4/7, cũng tại ấp An Hội, xã Tân An Hội, xảy ra vụ sạt lở đê bao. Tổng chiều dài đoạn sạt lở là 17m, rộng 3m, sâu 2,5m thuộc đê bao tuyến đường nhựa từ cầu Ngọc Sơn Quang Lớn- cầu Số 6, gây thiệt hại tuyến đường nhựa dài 17m, mặt nhựa 0,5m.

Còn theo Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Trà Ôn, do ảnh hưởng của sóng, gió, dòng chảy, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện xảy ra sạt lở 71 đoạn bờ bao, với chiều dài 1.847m và tràn 2 tuyến đê bao, chiều dài 2.200m, thuộc các tuyến sông lớn như: tuyến bờ bao Tân Dinh, kênh Mới, sông Hậu, Trà Ngoa, sông Măng Thít, kênh Xáng...

Ước tổng thiệt hại trên 1,6 tỷ đồng; kinh phí khắc phục trên 3,6 tỷ đồng (đã khắc phục được 42 đoạn đê bao, còn 31 đoạn đê bao sạt lở, tràn đang tiếp tục thực hiện gia cố khắc phục).

Ông Nguyễn Văn Tám- Trưởng Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện, cho biết: Hiện tượng sạt lở bờ sông, đê bao xảy ra ngày càng nhiều, xu hướng càng nghiêm trọng hơn. Thời gian qua, các ngành, địa phương đã phối hợp chặt chẽ hơn trong công tác phòng chống thiên tai nên công tác khắc phục hậu quả thiên tai được triển khai nhanh chóng, hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, một bộ phận người dân còn chủ quan trong công tác phòng tránh và khắc phục hậu quả sự cố thiên tai, vẫn còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước; công tác chỉ đạo khắc phục thiên tai một số xã chưa quyết liệt…

Thời gian tới, huyện tập trung theo dõi tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn để kịp thời thông báo cho các địa phương, cơ quan, tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống, ứng phó để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng các công trình phòng, chống triều cường, đê bao kết hợp giao thông nông thôn, tiêu thoát nước phục vụ cho sản xuất và dân sinh đạt hiệu quả…

T.THÀNH- P.ĐẠT- N.KHANG