Cuộc thi tìm hiểu "70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ": Sâu nặng ân tình!

Cập nhật, 10:03, Thứ Tư, 12/07/2017 (GMT+7)

Cuộc thi tìm hiểu “70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ” do Báo Quân đội nhân dân phối hợp với Cục Chính sách (Tổng cục Chính trị) và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) phát động là một trong nhiều hoạt động trọng điểm thiết thực kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947- 27/7/2017).

Cuộc thi được Ban tổ chức phát động từ ngày 25/7/2016 và kết thúc ngày 2/7/2017 với 24 kỳ (hai tuần/kỳ), bằng hai hình thức: Trả lời câu hỏi đăng trên Báo Quân đội nhân dân hằng ngày và trả lời qua Báo Quân đội nhân dân điện tử

 (www.qdnd.vn hoặc http/70namtbls.qdnd.vn) thực sự thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Nhiều bài dự thi được đầu tư công phu, lối viết sắc sảo, giàu cảm xúc, thể hiện rõ nghĩa cử tri ân, tấm lòng bác ái đối với thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng.

Tham gia cuộc thi là nhiệm vụ chính trị

Đó là khẳng định của lãnh đạo, chỉ huy nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương mà chúng tôi có dịp trò chuyện, tìm hiểu. Một trong những đơn vị tham gia cuộc thi sớm, nhiệt tình và hiệu quả nhất là Trường Sĩ quan Lục quân 1 (SQLQ1).

Thông qua 24 kỳ của cuộc thi, cán bộ, giảng viên, học viên, công nhân viên, chiến sĩ Trường SQLQ1 bình quân mỗi kỳ có từ 1.000 đến 1.200 bài tham gia. Các bài dự thi của cán bộ, giảng viên, học viên, công nhân viên, chiến sĩ Trường SQLQ1 đều có chất lượng tốt.

Đặc biệt, ở câu hỏi thứ 4 (câu hỏi tự luận) các tác giả thể hiện rõ tình cảm của mình đối với thương binh, liệt sĩ, người có công bằng lối viết cô đọng, giàu tình cảm. Nói về giá trị, ý nghĩa của cuộc thi, Đại tá, PGS, TS Kim Ngọc Đại, Chủ nhiệm Chính trị Trường SQLQ1, khẳng định:

- Sau khi cuộc thi được phát động, nhất là việc Ban tổ chức phối hợp với Ban giám hiệu nhà trường tiến hành phát động ngay tại đơn vị, thực sự lôi cuốn, thu hút sự tham gia của đông đảo cán bộ, giảng viên, học viên, công nhân viên, chiến sĩ.

Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường xác định rõ:

Tham gia cuộc thi không chỉ thể hiện tình cảm của thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên, công nhân viên, chiến sĩ Trường SQLQ1 hôm nay đối với những người đã hiến dâng xương máu của mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, mà đó còn là nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị.

Bởi lẽ, thông qua cuộc thi chính là góp phần bồi đắp lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, phát huy tinh thần thiện nguyện, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc của đội ngũ cán bộ, sĩ quan tương lai.

Thể hiện tình cảm và sự tri ân đối với thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng, lãnh đạo, chỉ huy nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai việc tham gia cuộc thi hết sức linh hoạt, sáng tạo, phù hợp và hiệu quả. Đại tá Nguyễn Nam Tiến, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy Quân sự tỉnh, Chính ủy Bộ CHQS Hải Dương, khẳng định:

- Tham gia cuộc thi, không chỉ góp phần nâng cao nhận thức, sự hiểu biết về những tấm gương của các anh hùng, liệt sĩ đã hiến dâng máu xương của mình cho Tổ quốc mà còn góp phần quan trọng để mỗi cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Hải Dương làm tốt hơn việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với người có công.

Cuộc thi giúp mỗi người hiểu và nắm vững hơn các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, quân đội đối với công tác chính sách và hậu phương quân đội. Mỗi câu hỏi, mỗi chủ đề của từng kỳ thi chính là một cách gợi mở để cấp ủy, chỉ huy từng cấp suy nghĩ, tìm giải pháp thực hiện hiệu quả.

 

Học viên lớp cao học Hệ 14, Trường sĩ quan Lục quân 1 trao đổi nội dung câu hỏi cuộc thi. Ảnh: HỮU LẬP
Học viên lớp cao học Hệ 14, Trường sĩ quan Lục quân 1 trao đổi nội dung câu hỏi cuộc thi. Ảnh: HỮU LẬP

Một cách học tập hiệu quả

Ông Nguyễn Văn Thọ ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, năm nay dù đã 83 tuổi nhưng chưa kỳ thi nào mà bố, con, ông cháu của ông không có bài tham gia. Trò chuyện với chúng tôi, ông Thọ nói:

- Tôi già rồi, tham gia cuộc thi không phải để lấy giải thưởng, mà quan trọng hơn là truyền cho con cháu ý thức và tinh thần học tập, tìm hiểu. Vì vậy, kỳ thi nào ba bố con, ông cháu tôi cũng đều tham gia (ông, con trai và cháu nội).

Với 3 câu hỏi trắc nghiệm, chúng tôi cùng nhau thảo luận để có phương án đúng, còn với câu hỏi tự luận (câu 4) thì ai suy nghĩ thế nào, hiểu thế nào thì viết như thế.

Người già như tôi thì hiểu theo kiểu của người già, còn cháu nội tôi năm nay là học sinh Trường THCS thị trấn Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) thì viết theo suy nghĩ của cháu. Với cháu nội, tham gia cuộc thi, tôi nghĩ đã là một thành công rồi.

Với cách nghĩ đó, nên các bài viết của bố con, ông cháu của ông Nguyễn Văn Thọ thể hiện rất giàu cảm xúc, phù hợp với tư duy của lứa tuổi. Kết quả, ông Nguyễn Văn Thọ và cháu nội của ông là Nguyễn Lâm Ngọc Trân đều đã đạt giải cao tại một số kỳ thi.

Không chỉ tham gia đầy đủ 24 kỳ thi, ngày 26/6/2017, Ban tổ chức còn nhận được lá thư của cựu chiến binh (CCB), thương binh hạng 4/4 Nguyễn Đức Hà, 74 tuổi ở phường Sao Đỏ, thị xã Chí Linh (tỉnh Hải Dương).

Lá thư có đoạn: "...Đây là cuộc thi có nội dung rất phong phú, đòi hỏi người dự thi phải có lòng kiên trì, tìm hiểu và tự viết. Cuộc thi này làm cho người tham gia được tôn trọng về lòng nhiệt tình cũng như chứng minh khả năng của mình, thể hiện tình cảm của mình đối với thương binh, liệt sĩ, người có công qua từng câu hỏi.

Cái lớn hơn là tôi được cung cấp họ và tên, địa chỉ của những đồng đội đã hy sinh vì Tổ quốc qua một số kỳ thi. Cuộc thi cũng là cách mà Ban tổ chức giúp tôi thể hiện tình cảm, sự tri ân đối với các anh hùng, liệt sĩ...".

Có cùng suy nghĩ như ông Nguyễn Văn Thọ và thương binh Nguyễn Đức Hà nên nhiều cựu chiến binh trên khắp mọi miền Tổ quốc cũng tích cực tham gia cuộc thi, như: CCB Lê Reo (Thanh Hóa); Nguyễn Xuân Cầu (Vĩnh Phúc); Nguyễn Thiện Thành (Hà Nam).

Điều có ý nghĩa đặc biệt là bài viết của các CCB không chỉ thể hiện tình cảm, sự trân quý của mình đối với anh hùng liệt sĩ, người có công với cách mạng mà còn đầy ắp những kỷ niệm, những hình ảnh khốc liệt của chiến tranh mà mỗi cán bộ, chiến sĩ LLVT, mỗi người dân nước Việt đã từng phải gánh chịu, đã từng phải vượt qua.

Nhiều bài viết của các CCB tham gia cuộc thi thể hiện rõ bản chất anh hùng, nghị lực phi thường của cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân vượt qua muôn vàn khó khăn, với quyết tâm: Giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Kênh thông tin quan trọng nâng cao hiệu quả công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ

Cuộc thi tìm hiểu “70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ” không chỉ mang lại ý nghĩa về nội dung mà còn có giá trị thiết thực trong việc cung cấp thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, góp phần rất quan trọng giúp các cơ quan chức năng tổ chức tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ (TKQT HCLS).

Đặc biệt, chúng tôi hết sức xúc động với việc làm của ông Lục Văn Phổ, quản trang tại Nghĩa trang Liệt sĩ Phủ Thông (Bắc Kạn).

Mặc dù năm 2017 đã ngoài 60 tuổi nhưng ông Phổ vẫn một mình đi xe gắn máy vượt quãng đường hơn 200km đến Tòa soạn Báo Quân đội nhân dân cung cấp cho chúng tôi 7 thông tin liên quan đến liệt sĩ đang an táng tại nghĩa trang mà theo ông từ trước tới nay không thấy có người thân đến thăm viếng (họ tên của 7 liệt sĩ đã được Báo Quân đội nhân dân đăng tải trong chuyên mục "Thông tin về mộ liệt sĩ"). 

Bởi vậy, ngoài các nội dung về kiến thức thể hiện chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành đối với công tác thương binh, liệt sĩ, chăm sóc người có công; thể hiện tình cảm, lòng biết ơn của các tầng lớp nhân dân đối với sự hy sinh của các anh hùng, liệt sĩ,

Bà mẹ Việt Nam anh hùng... mỗi kỳ thi, Ban tổ chức nhận được rất nhiều thông tin liên quan đến liệt sĩ, mộ liệt sĩ. Tuy là câu hỏi không bắt buộc nhưng số lượng người tham gia cung cấp thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ mỗi kỳ cũng chiếm tỷ lệ cao so với tổng số bài dự thi.

Kết quả, sau 24 kỳ thi đã qua, Ban tổ chức nhận được hơn 600 thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ; phần mộ liệt sĩ khác quê đang được an táng tại nghĩa trang liệt sĩ các địa phương. Thông qua thẩm định, các thông tin liên quan đến liệt sĩ, mộ liệt sĩ mà mỗi tác giả cung cấp, gửi đến cuộc thi đều bảo đảm tính chính xác.

Tuy số lượng thân nhân liệt sĩ tìm được phần mộ người thân của mình chưa nhiều nhưng bước đầu cũng tạo được kênh thông tin và địa chỉ tin cậy; đồng thời là căn cứ rất quan trọng để các cơ quan chức năng tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 1237/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Về việc phê duyệt đề án TKQT HCLS từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo”.

Lý giải về tính hiệu quả của thông tin liên quan đến liệt sĩ, mộ liệt sĩ thông qua Cuộc thi tìm hiểu “70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ”, CCB Lê Reo (Thanh Hóa), người đã cung cấp nhiều thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, cho rằng:

- Do điều kiện chiến tranh nên công tác quản lý hồ sơ còn có nhiều sai sót, dẫn đến không ít thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ chưa thật chính xác. Mặt khác, đất nước hòa bình, các cấp, các ngành, các địa phương tập trung phát triển kinh tế nên địa hình ở các vùng chiến sự năm xưa có rất nhiều thay đổi, gây khó khăn cho công tác TKQT HCLS.

Tuy nhiên, những thông tin ban đầu về liệt sĩ là hết sức quan trọng, tạo cơ sở để người thân và các cơ quan chức năng có thêm căn cứ tổ chức tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Điều này đã tạo nên sự thành công và ý nghĩa nhân văn sâu sắc mà Cuộc thi tìm hiểu “70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ” đã đem lại.

Cuộc thi tìm hiểu “70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ” đã khép lại, nhưng dư âm về giá trị, ý nghĩa vẫn đọng lại rất sâu đậm trong xã hội, nhất là những người tích cực tham gia.

Có thể trong suốt 24 kỳ thi đã qua, không ít người chưa một lần được nhận giải thưởng, nhưng điều quan trọng và ý nghĩa hơn là mỗi người tự thấy mình có những đóng góp tích cực nâng cao nhận thức, thể hiện tình cảm, sự tri ân đối với các anh hùng liệt sĩ, người có công với cách mạng.

Thông qua mỗi tấm gương, mỗi câu chuyện, mỗi kỳ thi để mỗi người xác định rõ hơn trách nhiệm của mình trong thực hiện nghĩa cử tri ân đối với những người con đất Việt đã hiến dâng máu xương, sự sống của mình cho Tổ quốc, cho nhân dân, cho dân tộc trường tồn.

* Qua 24 kỳ thi, đối tượng tham gia khá đông, bao gồm: Cựu chiến binh; các nhà khoa học; giảng viên, sinh viên; cán bộ, chiến sĩ LLVT; cán bộ, nhân viên, người lao động... Tổng số qua 24 kỳ thi, Ban tổ chức nhận được gần 60.000 bài gửi về tham gia dự thi. Ban tổ chức cũng nhận được hơn 600 thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ; nhiều thông tin có giá trị phục vụ hiệu quả công tác TKQT HCLS.

* Qua 24 kỳ của Cuộc thi tìm hiểu “70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ”, ngoài 24 tác giả đoạt giải nhất, 96 tác giả đoạt giải nhì và ba của kỳ cùng 4 tác giả đoạt giải quý, Ban tổ chức quyết định trao thưởng năm tặng các cá nhân sau: Giải nhất: Lê Thị Hồng Vân, số nhà 78B, đường Duy Tân, TP Đà Nẵng. Hai giải nhì, gồm: Quách Hoàng Sơn, Đại đội 2, Tiểu đoàn 4, Trường Sĩ quan Chính trị và Phạm Thị Quỳnh, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT). Ba giải ba, gồm: Nguyễn Công Khanh, Đại đội 32, Tiểu đoàn 557, Lữ đoàn 950, Quân khu 9; Nguyễn Lâm Ngọc Trân, học sinh lớp 8, Trường THCS thị trấn Cái Bè (tỉnh Tiền Giang); CCB Lê Reo, xã Dân Quyền, huyện Triệu Sơn (tỉnh Thanh Hóa). 16 giải khuyến khích. Tác giả có bài tự luận hay nhất năm: Nguyễn Đình Thành, Đồn Biên phòng Gành Dầu, Phú Quốc, Kiên Giang.

* Ban tổ chức cũng quyết định khen thưởng hai tập thể và hai cá nhân có nhiều bài tham gia dự thi nhất, gồm: Tập thể Trường Sĩ quan Lục quân 1 và Học viện Báo chí và Tuyên truyền; về cá nhân: CCB Nguyễn Xuân Cầu (83 tuổi), tổ dân phố Chùa Hạ, thị trấn Hương Canh (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) và CCB, thương binh Nguyễn Đức Hà (74 tuổi), phường Sao Đỏ, thị xã Chí Linh (tỉnh Hải Dương).


Theo LÊ NGỌC LONG (QĐND)