Truyện ngắn

Lá thư viết vội

Cập nhật, 18:52, Thứ Bảy, 06/05/2023 (GMT+7)
Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)
Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)

(VLO) Gió nhè nhẹ thổi lướt qua căn bếp nhỏ, mang theo mùi hương thơm ngào ngạt của món mắm kho, đang bốc khói trên bếp than hồng bay đến đầu mũi của Hưng và đồng đội.

“Nhà ai kho mắm thơm quá! Bụng tao nó cồn cào hết lên”.

“Kia là nhà em. Chắc là má biết em về nên làm món em thích. Mấy anh vô nhà ăn cơm với má con em bữa cơm rồi hãy đi”.

Hưng mỉm cười gãi đầu thiệt tình mời đồng đội vào nhà ăn bữa cơm nhưng ai nấy đều hẹn lần khác. Hưng cũng không dám nài nỉ vì biết trên vai các anh còn nhiệm vụ phải nhanh chóng hoàn thành. Hưng vẫy tay chào tạm biệt đồng đội rồi một mình rẽ vào lối nhỏ hai bên là hai hàng hoa dâm bụt.

Từ lúc tía Hưng mất trong một trận đánh lớn, ở cái tuổi mười sáu trăng tròn, Hưng xin má được tiếp bước tía. Hưng vào bộ đội với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, mấy lần bị thương nặng trải qua ngưỡng cửa sinh tử nhưng vẫn không làm Hưng nao núng.

Người luôn tiếp lửa yêu nước cho Hưng chính là người phụ nữ đang đứng trông ngóng trước cửa nhà, Hưng đỏ mắt chạy nhanh đến ôm chầm lấy má.

“Má ơi! Con về rồi. Con nhớ má lắm. Má có nhớ con không?”.

“Tía mày! Không nhớ bây thì nhớ ai”.

Bà Năm rưng rưng vỗ vào vai Hưng mắng. Từ lúc chồng hy sinh ở mặt trận, bà chỉ còn mỗi mình Hưng. Rồi Hưng cũng xin đi bộ đội. Bà nuốt nước mắt vào trong, động viên Hưng kiên cường tiếp bước cha.

Bà Năm dọn mâm cơm có món mắm kho ăn kèm bông súng mà Hưng thích nhất. Hưng ăn liền mấy chén cơm nóng. Bà Năm nhìn con ăn mà đỏ mắt hạnh phúc dâng trào, ngày nào bà cũng đốt nhang khấn vái cho Hưng được bình an, cho đất nước sớm ngày hòa bình.

“Lần này bây về được bao lâu?”.

“Đến chiều tối con phải đi rồi má ạ. Sắp tới có trận đánh lớn. Có lẽ ngày đất nước hòa bình không còn xa đâu má”.

“Má ưng bụng con Hiền của dì Chín lắm. Ngày đất nước hòa bình bây về rồi sang gặp gỡ nó đi. Má cưới nó cho bây”.

Hưng không nói gì chỉ cười cười rồi lùa vội chén cơm. Mấy lần trước Hưng về nhà cũng có gặp gỡ Hiền- cô gái nhỏ nhắn có hai bím tóc dài cùng nụ cười tỏa nắng. Từ lần đầu gặp Hiền thì Hưng đã đem lòng nhớ nhung. Hưng cũng từng định bụng chờ ngày miền Nam giải phóng. Hưng sẽ thưa chuyện với má để má sang nhà hỏi cưới Hiền cho mình.

Hưng về nhà cả buổi chiều đều cặm cụi làm hết mọi việc trong ngoài cho má. Từ lượm nhặt mấy tàu dừa khô chặt, róc thành bó rồi lại gánh nước đầy hết mấy cái lu sau hè. Hưng không biết lần này mình phải đi bao lâu, cho nên cố gắng làm thật nhiều việc để đỡ đần cho má.

“Má ở nhà giữ gìn sức khỏe. Lần này con không biết đi bao lâu mới có thể về thăm má nhưng con hứa sẽ gửi thư về cho má thường xuyên”.

“Bây đi cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ không cần phải lo cho má”.

Trở lại đơn vị, Hưng mang theo cả ba lô quà của má- mấy đòn bánh tét, bánh lá dừa, hăng hái đi vào cuộc chiến.

***

“Chú đang làm gì vậy? Viết thư cho má gì mà lắm thế? Sợ không có thời gian để viết nên viết một lần để dành gửi về từ từ hả?”

Hưng dừng bút ngước nhìn người đàn ông mái tóc đã lưa thưa vài sợi ngả màu mây. Huấn là cấp trên, là đồng đội, là người anh trai thân thiết của Hưng, là người giúp đỡ và động viên Hưng rất nhiều từ những ngày đầu Hưng vào bộ đội.

Hơn ai hết, Huấn hiểu Hưng là chàng trai dũng cảm và gan dạ, sống tình cảm và hiếu thảo với má, dù bị thương nặng hay nhẹ Hưng cũng đều không kể lể trong thư, mỗi lần gửi thư về cho má ở nhà, Hưng luôn kể những điều vui vẻ ở mặt trận hay kể với má về lần tập kích giành thắng lợi oanh liệt như thế nào cùng đồng đội. Hưng bảo chỉ muốn má tự hào về mình chứ không muốn má lo lắng, xót xa cho mình.

***

Bà Năm ở nhà ngày ngày trông ngóng ra vào, mảnh sân đất trước nhà mỗi ngày bà quét đến mấy bận. Hàng rào hoa dâm bụt nay đã đâm tược mới cao hơn nửa người cũng chờ Hưng về cắt tỉa. Mấy ngày đạn bom nổ nhiều, bà Năm lo lắng, cứ chốc chốc lại thắp nhang khấn vái cho Hưng ở mặt trận được bình an.

“Dì Năm ơi! Anh Hưng gửi thư về cho dì nè”.

Giọng Hiền vui vẻ vang vọng từ ngoài ngõ, bà Năm mừng rỡ chạy vội ra sân đón Hiền. Có lẽ Hưng cũng biết bà ở nhà lo lắng bồn chồn không yên nên hai tháng nay gửi thư về nhiều hơn những lần vắng nhà trước.

“Dì Năm vào nhà ngồi đi rồi con đọc cho nghe, anh Hưng thiệt càng ngày càng chu đáo hén dì, một tháng mà gửi đến hai lá thư về cho dì.”

Hiền vừa dìu bà Năm vào nhà vừa cảm thán. Lần nào cũng vậy cứ nhận được thư của Hưng là Hiền gác hết công việc ở nhà chạy liền sang cho bà Năm hay. Lúc trước có khi hai tháng, ba tháng mới nhận được một lá thư của Hưng gửi về nhưng không hiểu sao một tháng nay lại nhận đến hai lá.

Hiền vừa vui mừng cho bà Năm nhưng cũng cảm thấy trong lòng dâng lên cảm xúc khó diễn tả, Hiền rót cho bà Năm ly trà rồi bắt đầu mở thư ra đọc. Bà Năm kéo vạt áo lau vội hai hàng lệ đã trực trào, bà nhận lại lá thư vuốt ve âu yếm rồi xếp gọn cất vào túi áo.

“Con nghe nói sắp giải phóng rồi, biết đâu đây là lá thư cuối cùng, lần sau Hưng không viết thư tay nữa mà về ở với dì luôn”.

Hiền đỏ mắt an ủi bà Năm. Hiền rất hiểu và thương cho hoàn cảnh của bà. Anh Hai của Hiền cũng đi bộ đội. Má của Hiền còn có Hiền bên cạnh. Thương bà Năm sớm tối một mình.

***

Một ngày mùa xuân, Hiền chạy đến nhà dì Năm, trong tay Hiền siết chặt lá thư.

Bà Năm nắm tay Hiền, thế nhưng biểu cảm của Hiền có gì đó khác thường, khiến bà chợt cảm thấy bất an. Hiền rưng rưng. Bà Năm nhìn lá thư có nhiều vết đỏ lẫn trên màu giấy ngà. Bà có dự cảm chẳng lành nhưng cũng cố gắng gượng hy vọng một tin tốt lành từ Hiền.

“Đây là lá thư cuối cùng anh Hưng gửi cho dì, anh Hưng nằm lại ở mặt trận rồi dì ạ”.

Hiền òa khóc. Nỗi niềm riêng của người con gái với tình yêu đầu đời vừa chớm nở còn chưa kịp đơm hoa kết trái hòa cùng nỗi đau của người mẹ tiễn con nối gót cha nằm lại chiến trường. Rồi Hiền nghẹn ngào đọc thư cho bà Năm nghe.

Lá thư nét chữ liêu xiêu, có lẽ Hưng đã gắng gượng để viết lại những dòng tâm tư cuối cùng trước khi trút hơi thở về với đất.

***

Bà Năm đốt nén hương ngước nhìn chân dung chàng trai trẻ đang mỉm cười, được đặt cạnh người đàn ông cũng đang hướng mắt nghiêm trang. Bà Năm như vẫn còn văng vẳng những lời nhắn nhủ cuối cùng của Hưng qua nét chữ liêu xiêu: “Hòa bình rồi mẹ sống vui khỏe nhé. Con xin lỗi!”

Bà Năm mỉm cười, đôi mắt bà ngân ngấn lệ, nhòa lẫn vào làn khói hương…

TUYẾT LUÔN VÕ