Áo dài "rèn" tính cách

Cập nhật, 19:28, Thứ Ba, 16/03/2021 (GMT+7)

 

Áo dài làm đẹp thêm người phụ nữ Huế thời nay.
Áo dài làm đẹp thêm người phụ nữ Huế thời nay.

 

Tà áo dài khiến những người con gái xứ Huế đi nhẹ nói khẽ, là một nguyên nhân khiến du khách thập phương say đắm Huế.

Trong bài hát “Một thoáng quê hương”, nhạc sĩ Thanh Tùng khẳng định: “Đẹp biết bao quê hương cho ta chiếc áo nhiệm màu/ Dù ở đâu Paris, Luân Đôn hay những miền xa/ Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố/ Sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó em ơi”. Bởi vậy, hình ảnh nữ ca sĩ từng đoạt giải Grammy Kacey Musgraves hát hò lớn tiếng và nhảy nhót khiêu gợi khi mặc áo dài nhưng chỉ mặc… quần mỏng màu da bó sát cơ thể tại Dallas (Mỹ) vào ngày 11/10/2019 khiến nhiều người Việt Nam bức xúc.

Và ngay lập tức, nhiều người so sánh ngay hình ảnh phản cảm đó với những chiếc áo dài Huế kín đáo và dáng đi nhẹ nhàng, giọng nói dịu dàng của những nữ sinh Đồng Khánh của xứ Huế năm nào.

Từ năm 1744, dưới thời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát, áo dài đã ra đời và trở thành trang phục chính thức của cả nam và nữ giới ở Đàng Trong. Sau đó, dưới thời nhà Nguyễn (1802-1945), trang phục này đã lan rộng khắp cả nước.

Vào năm 1917, Trường Đồng Khánh- ngôi trường nữ đầu tiên của 13 tỉnh Trung Kỳ được xây dựng tại Huế. Những tiểu thư khuê các từ các vùng Đập Đá, Nam Giao, Bến Ngự, Đông Ba, Vĩ Dạ, Kim Long,… bước ra khỏi chốn “màn che trướng rũ” và trở thành những nữ sinh duyên dáng.

Những chiếc áo dài của nữ sinh Đồng Khánh có cổ vuông ngắn, eo buông, tay dài, tà rộng che kín toàn thân. Trong trang phục đó, những cô nữ sinh Đồng Khánh càng cảm nhận được niềm tự hào đức hạnh và ý thức giữ gìn đức hạnh ấy. Bởi trong tà áo dài, các cô nữ sinh Đồng Khánh ai cũng buộc phải khép nép, chỉ có thể ngồi thẳng, bước ngắn, đánh nhẹ tay, khó có thể nói cười thoải mái.

Màu sắc tím đồng phục của những cô nữ sinh Đồng Khánh lại càng làm cho nét Huế thêm duyên dáng và mặn mà. Bởi vậy, chiếc áo dài tím đã trở thành biểu tượng của cô gái xứ Huế, có phần nhỉnh hơn so với chiếc áo tứ thân và chiếc áo bà ba của những cô gái miền Bắc, miền Nam.

Với lòng ngưỡng mộ, nhà thơ xứ Huế Mai Văn Hoan đã dành tặng cho những cô nữ sinh Đồng Khánh những vần thơ thật dễ thương: “Gió vờn tà áo khẽ lay/ Nữ sinh Đồng Khánh thơ ngây mỉm cười”.

Vừa qua, bộ phim “Mắt biếc” của đạo diễn Victor Vũ đã giới thiệu những tà áo dài Huế vô cùng tinh tế. Trong phim, để tái hiện lại cảnh trường trung học kiểu mẫu Huế thời trước, đoàn làm phim “Mắt biếc” đã tổ chức casting 2000 ứng viên ở khắp các trường THPT và ĐH ở Huế để tìm ra 200 diễn viên quần chúng.

Sau đó, đoàn làm phim đã may hơn 200 bộ áo dài. Có thể nhận ra, sự thành công của phim một phần đến từ tà áo dài trắng tinh khôi của Hà Lan và của các nữ sinh trường trung học kiểu mẫu Huế.

Điều này khiến nhiều người nhớ đến tại Lễ hội Áo dài của Festival Huế 2002. Có 12 nhà tạo mẫu chuyên nghiệp đã mạnh dạn sử dụng 550 người mẫu không chuyên là các nữ sinh đến từ Trường THPT Nguyễn Huệ và Trường THPT Hai Bà Trưng (trường nữ sinh Đồng Khánh xưa).

Lễ hội Áo dài kỳ Festival Huế năm đó tuy chưa chuyên nghiệp như bây giờ nhưng đã làm cho các du khách ngẩn ngơ trước vẻ quyến rũ của các cô gái xứ Huế trong những chiếc áo dài. Gần đây, chương trình trình diễn áo dài Festival Huế 2018 với chủ đề “Huế vàng son” tại sân khấu Bia Quốc học với hơn 400 mẫu áo dài tinh tế cũng đã để lại nhiều cảm xúc trong lòng người dân và du khách.

Không chỉ trong trường học, tà áo dài còn đi vào đời sống xứ Huế. Lúc trước, mấy cô gái Huế mặc áo dài khi đi bán những gánh đậu hũ, gánh bún bò giò heo, gánh cơm hến, gánh bánh canh Nam Phổ… Khi có người mua, mấy cô dừng lại, hạ gánh xuống và nhẹ nhàng hỏi khách. Tà áo dài, đôi quang gánh, dáng đi chậm rãi do đó đã trở nên thân thuộc một thời của mảnh đất xứ Huế.

Bởi vậy, không những chiếc áo dài đã trở thành trang phục gắn bó với truyền thống văn hóa, đời sống của xứ Huế mà hình ảnh tà áo dài cũng đã trở thành biểu tượng của người con gái Huế, của du lịch Huế, quyến rũ biết bao lữ khách dạo qua. Do đó, để giữ gìn chiếc áo dài thì không nơi nào thích hợp hơn là ở Huế, vùng đất với những người con gái dịu dàng, đằm thắm, sâu lắng đến lạ kỳ.

Vào năm 2018, với mong muốn nâng cao vẻ đẹp của người phụ nữ Huế, làm cho Huế đẹp hơn trong mắt bạn bè và du khách, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế Phan Ngọc Thọ đã có thư ngỏ gửi các trường ĐH, CĐ, trung cấp và trường THPT trên địa bàn tỉnh về việc hưởng ứng cuộc vận động mang trang phục áo dài truyền thống.

Như một nỗi niềm chung, trước đó, nhạc sĩ Võ Tá Hân trong bài hát “Rất Huế” cũng đã ước mơ rằng: “Giữ chút gì rất Huế mặn mà/ Dạ thưa, ngọt lịm ai mê say/ Em đi gót nhẹ xanh hồn cỏ/ Và hơi thở mềm sương khói bay/ Giữ chút gì rất Huế đi em/ Cánh thơ, áo trắng chấp hai tà/ Để vạt lụa bay trên đường chiều/ Ngỡ mình lạc chân trong cõi mơ”.

Áo dài là trang phục được người phụ nữ Huế lựa chọn trong dịp lễ tết.  Ảnh: Internet
Áo dài là trang phục được người phụ nữ Huế lựa chọn trong dịp lễ tết. Ảnh: Internet

Hiện nay, đề án “Huế- Kinh đô Áo dài Việt Nam” đang được chính quyền tỉnh Thừa Thiên- Huế xây dựng với nhiều hoạt động rộng khắp và phong phú.

Ngoài ra, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế từng có chương trình miễn phí vé tham quan dành cho nữ du khách mặc áo dài truyền thống khi vào các điểm di tích Huế vào dịp ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3) và ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10). Bên cạnh đó, gần đây, Sở Văn hóa- Thể thao tỉnh Thừa Thiên- Huế cũng đang thí điểm cho nam cán bộ, công chức mặc áo dài đi làm vào thứ 2 đầu tháng.

Huế, ngày 4/3/2021

NGUYỄN VĂN TOÀN

 

Các tin khác: