Truyện ngắn

Tình sông nước

Cập nhật, 06:37, Chủ Nhật, 14/03/2021 (GMT+7)

(VLO) Chợ đã vắng ghe xuồng qua lại. Trên trời, ánh trăng mười bốn đang êm đềm trải dài về sáu ngã thật yên bình. Còn nơi đây, cái chợ nổi- nơi giao nhau giữa sáu dòng chảy, mỗi gia đình sống trên ghe là mỗi cảnh đời.

Tranh minh họa: TRẦN THẮNG
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG

Ông Ba ngồi uống trà trên mui, kế bên là ghe của Giang, anh chàng tuổi vừa hăm lăm đang ôm cây ghi ta. Đêm chợ nổi, nghe “Tình anh bán chiếu” thì còn gì bằng. Nhưng không, Giang đờn giọng Kim loan, âm điệu nghe hữu tình mà buồn như ai oán.

Ông Ba bỏ thêm vốc trà, châm nước vào bình rồi hỏi với sang:

- Giang, bữa nay đi ra mắt ông bà già vợ tương lai, sao rồi?

Giang ngưng đờn, quay lại, mái tóc bay lòa xòa theo gió:

- Dạ, chắc… không xong.

Ông Ba giật mình, nhíu cặp chân mày:

- Trời đất! Không xong là sao? Hai đứa bây rất xứng đôi lại thiệt lòng thương nhau mà!

Giang bỏ cây đờn xuống, tặc lưỡi, rồi bằng cái giọng thật buồn:

- Người ta hổng chê nghèo giàu, chỉ nói… con quanh năm sống lênh đênh trên sông, không có được căn nhà…

Ông Ba im lặng, cúi mặt nhìn dòng nước đang trôi nhẹ về phía đuôi cồn.

Nghe Giang nói, bỗng dưng ông nghe lòng mình đau. Ngày trước, cũng câu nói này mà tình duyên ông tan vỡ. Ông và cô gái ấy cũng yêu nhau, hai người từng mơ ước được sống chung trên một chiếc ghe.

Sáng sáng, vợ gọi ghe hàng cặp lại, kêu cho chồng ly cà phê, vài điếu thuốc lá thơm; chồng kêu cho vợ một tô mì Quảng hay hủ tiếu Nam Vang,… Thế là hạnh phúc! Nhưng nhà gái không chịu gả con cho ông: “Cái thằng đã mồ côi lại chẳng có gia tài gì ngoài chiếc ghe, phía trước cắm cây “bẹo” treo lủng lẳng cây trái để mời khách”.

Giang lại ôm cây ghi ta, tiếng đờn hòa quyện trong gió rồi lan nhẹ mặt sông chảy về sáu ngã. Nguyễn Trường Giang- cái tên gắn liền với sông nước, ngày trước ba má mong muốn cho con mình được ung dung, tự tại như dòng sông dài bất tận. Vậy mà năm lên tám, má Giang đã đi theo tiếng gọi của nhân tình, bỏ lại chồng con trên chiếc ghe thương hồ chơ vơ trên sông nước.

Cũng vì thế mà ba của Giang đâm ra nghiện rượu. Chiều chiều, nằm trên mui, thấy chim từng đàn bay về tổ mà ông rơi nước mắt. Ông còn thương hay giận vợ? Chỉ biết rằng năm Giang được mười bảy tuổi, rượu đã vắt kiệt sức người đàn ông vai u thịt bắp lại giỏi giang. Ba Giang chết trong một chiều mưa nhẹ, bông bần buồn chít tang trắng dòng sông.

Ông Ba rất thương Giang vì cuộc đời của chàng trai trẻ giống ông hồi nhỏ. Ngày đó, chị Hai của ông chết vì bệnh sốt xuất huyết. Ba năm sau, tía má lần lượt qua đời lúc ông mới mười bốn tuổi. Người ta hay nói: “Theo mẹ từ thuở lên ba, đến năm mười tám bé thành thương nhân”.

Ban đầu, ông nối nghiệp thương hồ của tía má, xuôi ghe khắp miền Tây Nam Bộ. Ông từng chở hàng buôn bán ở các chợ Cái Bè, Trà Ôn, Cái Răng, Phong Điền, Phụng Hiệp,… Có khi ông còn xuôi ghe trái cây xuống tận miền Đất Mũi rồi chở khô, mắm về bỏ mối cho bạn hàng. Cuối cùng, ông trụ lại ở cái chợ nổi này cho đến bây giờ.

Bốn giờ sáng, chợ nổi đông vui, nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Tiếng máy chèo, máy dầm khua nhẹ, tiếng máy nổ đã vang lên; hàng nông sản từ vườn chở ra, ghe xuồng phục vụ ăn uống cho bạn hàng, thậm chí còn có cả thợ làm móng tay, uốn tóc,...

Tất cả mọi sinh hoạt và trao đổi mua bán đều diễn ra trên sông. Ông Ba tất bật hối thúc nhân công bốc khóm và bắp cải lên ghe mà lòng cứ thấp thỏm: Thằng Giang có chuyện gì mà ở miết trong mui, không thức dậy để lo buôn bán? Ông nghĩ, chắc nó buồn lắm.

Mà, hổng buồn sao được. Nhớ buổi sáng hôm ấy, ông cũng ngồi trong mui, qua khe cửa sổ để trộm nhìn người ta bước xuống ghe về nhà chồng trong tiếng pháo vu quy. Ai bày chi điệu lý Con sáo sang sông để ông buồn thúi ruột: “Ai… đem, con sáo sang sông, cho sáo xổ lồng, cho sáo xổ lồng, xổ lồng bay xa, con sáo… bay xa”.

Phải! Sáo đã sang sông, sáo đã xổ lồng thì có bao giờ quay lại. Vậy mà ông cứ chờ, cứ đợi mãi đến bạc đầu. Thằng Giang chắc cũng như ông, nằm vùi trong mui mấy ngày liền, nghe nước chảy bên tai mà ngỡ tiếng lòng đang thổn thức.

Chiều, ông Ba ngồi nhâm nhi một mình bằng hũ rượu thuốc trị nhức mỏi với mấy con khô sặt. Giang bước qua, không nói không rằng, cầm chai rót, tu một lượt hết hai ly.

Ông cản: “Thôi con à, uống rượu nhiều…”, định nói “sợ giống như ba mày ngày trước” nhưng ông kịp kìm lại. Ông ngó ra sông, đăm chiêu vào khoảng không, ngại nhìn vào mắt nó- đôi mắt của ông hồi mấy chục năm về trước. Hôm nay, nó không đờn, ca theo thói quen mà lý sự cùng ông rằng đã chán cuộc sống trên sông nước.

Nó không nói chuyện mình mà mượn chuyện hàng xóm, chuyện người khác để trút nỗi lòng. Nào là chuyện vợ chồng chú Tám mê lên dưa hấu tết để bỏ rớt đứa con hai tuổi xuống sông; nào là đa phần con cháu sống trên ghe đều không biết chữ; nào là vợ chồng chị Mùi chèo ghe khoai lang qua sông Cái Côn, giữa đêm bị sóng to gió lớn nhấn chìm mất xác;…

Ý của nó, ông hiểu. Giờ thì nó như “chim sợ cành cong”, cần có thời gian để suy ngẫm mà bình tâm trở lại. Tai nạn trên sông không ai muốn. Riêng chuyện mù chữ của tụi nhỏ là chuyện của ngày xửa ngày xưa, giờ thì đã có Nhà nước quan tâm, con của chú Bảy, hai đứa đều học đại học còn gì.

Còn cuộc sống trên sông nước… Sáng thì ghe xuồng tấp nập: xuồng bánh bao của bà Xẩm, xuồng cốm dẹp của bà thím người Khmer, ghe trái cây của vợ chồng thằng Sáu, nồi bún nước lèo bốc khói của bà cụ Móm,…

Tất cả tuy bình dị nhưng thân thuộc như một đại gia đình. Chiều, chỉ còn lại những nhà bè, những gia đình sống trên ghe bỏ neo cố định, và đâu đấy lại vang lên mấy câu vọng cổ thâm tình. Những điều ấy chỉ dân “trong nghề”, những người xem chợ nổi là nhà, là máu và thịt mới hiểu hết ngọn ngành.

Giang lại uống thêm ly nữa.

- Con mồ côi, mồ cút người ta không chê. Người ta cũng nghèo nên muốn gả cho chỗ có nhà cửa ổn định. Con không giận người, chỉ tự trách mình, thí dụ có bán chiếc ghe này và gom hết vốn liếng cũng chưa chắc mua đủ căn nhà…

Ông Ba cắt lời:

- Đừng có nghĩ quẩn. Chiếc ghe là gia sản, bán nó đi thì lấy gì mà sống.

- Bởi vậy, bây giờ… con muốn chết quách đi cho rồi!

Giang ứa nước mắt. Con trai gì mà yếu mềm như vậy! Nhưng… sao nó lại giống ông, y chang ông hồi đó, chỉ khác là nó thì có người đồng cảm, an ủi, sẻ chia. Còn ông, ngày trước buồn thui thủi và khóc cũng thui thủi chỉ có một mình. Ông có thể làm gì để giúp nó đây?

Chẳng những ông xem nó như con, cháu trong nhà mà nó còn là ân nhân của ông. Sinh mạng của ông nếu không nhờ nó thì chắc đã không còn.

Lần đó, ông bệnh, nằm trong mui từ sáng tới gần mười hai giờ, đã kiệt sức, không còn hơi để kêu cứu với mọi người, nếu không nhờ Giang phát hiện, kêu tắc ráng chở đi bệnh viện chắc ông đã không qua khỏi.

Rồi mấy ngày nằm viện, chính nó là người đã tận tình chăm sóc, thuốc thang, rau cháo cho ông… Giờ thấy nó khổ, ông chỉ an ủi mà không giúp được gì, lòng ông thấy ray rứt, không yên.

Giang chệnh choạng bước về ghe, nằm xuống mui nhìn lên bầu trời cao, rộng thênh thang, nghe sóng đang xô nhẹ những giề lục bình theo con nước lớn.

Bên này, ông Ba vào trong mui, đến bàn thờ đốt nén nhang: “Hương hồn tía má và ba thằng Giang có thiêng thì phù hộ cho thằng nhỏ đừng có nghĩ quẩn mà làm chuyện nông nỗi…”.

Ông trở lên thấy Giang nằm co, quay mặt ra sông, gió đang phả nhẹ vào mái tóc hoe vàng vì nắng gió. Nhớ hồi sáng, con nhỏ cũng theo mẹ bơi xuồng ra chợ, ông thấy tụi nó lén nhìn nhau. Mà, coi bộ con nhỏ cũng thương thằng Giang nhiều lắm, ông thấy nó kéo khăn lau nước mắt. Thấy má nhìn, con nhỏ giật mình suýt chút nữa là buông cây dầm: “Bữa nay sao gió về nhiều quá!”

Ông bùi ngùi: theo tình hình này chắc tụi nó phải chia tay, chắc cũng đành dở dang bao mộng đẹp như ông ngày trước. Thiên hạ hay nói đùa: “Người đàn ông như cái nôm, bạ đâu úp đó”. Ông không thế! Ông cứ giữ mãi khối tình, sống cô độc cho đến bây giờ. Thằng Giang tính nết giống ông nên… ông sợ…

Sáng sáng, tiếng máy chèo, máy dầm ở chợ nổi vẫn êm đềm khua nhẹ trên sông nhưng về đêm lòng người chợ nổi lại thổn thức, nghe sóng đưa những hột phù sa đi những chặng đường dài đến một bãi bồi nào đó, bỏ lại cái bến lở chơ vơ một mình.

Giang ngồi buồn nhìn hàng bần từ phía đuôi cồn đang nhấp nháy ánh đèn đom đóm. Từ ánh đèn ấy, người yêu thơ thấy nó đẹp tựa một áng sao băng, kẻ đang yêu thì ngỡ cây thông Noel trong ngày lễ giáng sinh, người lữ thứ thì mơ màng, mường tượng ánh đèn nhấp nháy chốn đô thành.

Còn Giang, không hiểu sao anh thấy chúng giống như những đứa con bé bỏng, lạc mẹ, soi ánh đuốc trong đêm tìm về mái ấm: “Mẹ ơi! Ở phương trời nào đó, có bao giờ người nghĩ đến người chồng đã mất và đứa con trai côi cút sống một mình giữa bốn bề là nước này hay không?”

Riêng với ông Ba thì hàng bần có ánh đèn đom đóm trong đêm bao giờ cũng gợi nhớ nhiều kỷ niệm. Và đêm nay, nó nhắc ông về những chuyến đi dài, năm bảy ghe thương hồ nào đó cùng đậu lại ở một ngã tư chờ con nước.

Trong đêm, họ cùng nhâm nhi vài xị đế, ca mấy câu vọng cổ, từ xa lạ bỗng chốc thành thân quen. Rồi đến khi thấy trăng xế đỉnh đầu, nghe tiếng bìm bịp gọi con nước lớn thì mỗi người mỗi ngã, chưa biết bao giờ mới có dịp gặp lại. Thế mới biết, đời thương hồ ghe là nhà, bầu bạn là người thân, sông nước là tri kỷ.

Ông Ba quen biết cô gái ấy trong lần đi dự đám cưới trên sông. Cái đám cưới thật giản đơn, hai họ chọn một bãi đất trống cạnh bờ sông để quan khách đậu ghe đến dự tiệc.

Quà cưới thì cây nhà lá vườn toàn của dân thương hồ: cặp vịt, bắp cải, dưa leo, đậu đũa, đậu que,… Cánh đàn ông đi đốn đủng đỉnh, chặt tàu dừa dựng rạp; mấy bà, mấy cô xúm nhau vào bếp trổ tài nấu nướng.

Đêm xuất giá, cùng mọi người đờn ca tài tử, ông đã phải lòng cô gái có đôi mắt đẹp, giản đơn trong chiếc áo bà ba màu tím bằng lăng.

Đó là màu hoa mà cho đến tận bây giờ, hễ tiết trời vào hạ, khi hoa bằng lăng thắm nhất, ông lại nghe da diết trong lòng. Thậm chí thấy một đóa hoa lục bình cô độc tím nhạt trên sông cũng làm ông thổn thức.

Đêm ấy, cô gái ca bài “Con gái của mẹ”, ai cũng khen, vỗ tay rần rần làm cô thấy ngượng, bỏ chạy xuống ghe, không ngờ… lại nhầm ghe của ông Ba. Mối tình có duyên không nợ cũng bắt đầu từ đó.

Đêm. Gió thổi rát mặt nước. Gió luồn qua dãy nhà bè làm lung linh ánh đèn đẹp tựa đêm phố cổ. Lạ thật! Ngọn gió này sao giống hệt ngọn gió đêm xuất giá của “người ta” hồi mấy chục năm về trước.

Từ chiều, thấy Giang buồn mà cứ bồn chồn như ngồi trên đống lửa: con bé vừa có chỗ đến coi mắt làm ông Ba đâm lo, ngồi uống trà đậm trên mui cho đến khuya. Sương xuống nhiều, gió vẫn thổi, cái rét phương Nam không đủ lạnh nhưng ông lại nghe như có từng tảng băng đang tan chảy trong lòng.

Tay ông run run mân mê cái hộp lon nhỏ, trong lon là những gì mà ông đã tiện tặn, tích cóp từ thời trai trẻ với hy vọng mua được căn nhà để… chờ đợi một người, hay ít ra cũng có mảnh đất để chôn thân một khi ông về với ông bà, tổ tiên.

Giờ đây, ông nghĩ mọi chuyện sẽ ý nghĩa hơn nếu dành nó cho Giang, để hai trái tim trẻ được đến bến bờ hạnh phúc, cái hạnh phúc mà ngày trước vì túng thiếu đã làm ông lở mất chuyến đò.

Ông nghĩ, có một căn nhà dẫu sao cũng tốt hơn, còn chiếc ghe giữ lại sẽ là phương tiện cho vợ chồng nó mưu sinh,… Riêng ông, đã là con của sông nước thì có niềm vui, hạnh phúc nào bằng được sống, được thủy chung cùng sông nước. Nghĩ thông, lòng ông nghe nhẹ nhõm.

Bất chợt, hoa lục bình tim tím tựa màu tím bằng lăng bỗng trôi nhẹ trên sông và đâu đấy nghe như có tiếng bần chín đang rơi rụng. Bần chín, tưởng rằng trôi mãi, lênh đênh trên sóng nước nhưng rồi chúng sẽ tấp vào một bãi bồi nào đó để đâm chồi nảy lộc. Bần lớn lên, lại làm nhiệm vụ giữ đất. Chợ nổi cũng hình thành từ đó. Ông Ba nghe hạnh phúc đang lan nhẹ trong lòng.

NGUYỄN LINH 

Các tin khác: