Đề xuất chống ngập bằng vật liệu xanh

Cập nhật, 06:55, Thứ Tư, 05/10/2022 (GMT+7)

(VLO) Tình trạng ngập úng ở các đô thị (ĐT) cả nước diễn ra khá phổ biến, đặc biệt vào mùa mưa bão, gây hư hại các công trình và ảnh hưởng nhiều mặt của đời sống. Do đó, tìm giải pháp chống ngập hiệu quả là vấn đề bức thiết.

Mới đây, tại hội thảo “Xu hướng công nghệ - vật liệu trong công trình xây dựng” do Bộ Xây dựng tổ chức, giới chuyên gia, doanh nghiệp đề xuất chống ngập bằng vật liệu xanh.

Chống ngập bằng bể ngầm vật liệu polymer

Ông Hoàng Mạnh Tân - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sơn Hà cho rằng, nguyên nhân chính gây ngập lụt ĐT tại Việt Nam là do lượng nước mưa đổ xuống nhanh, nhiều, trên diện rộng.

Nhiều đô thị đang chịu áp lực lớn về thoát nước chống ngập.
Nhiều đô thị đang chịu áp lực lớn về thoát nước chống ngập.

Hệ thống thoát nước không đáp ứng công suất tiêu thoát nước. Bên cạnh đó, quy hoạch thoát nước ĐT không đáp ứng, nước đổ dồn từ khu vực cao về khu vực thấp gây ngập úng cục bộ.

Theo đó, ông đề xuất các giải pháp thông minh giải quyết 3 vấn đề: thu gom, chứa nước mưa, tái sử dụng; giảm áp lực cho hệ thống thoát nước ĐT đầu cơn mưa; giảm ngập lụt ĐT do nước mưa đổ dồn từ khu vực cao sang khu vực trũng.

Trên thực tế, các loại VLXD góp phần chống ngập như polymer cũng đã được nhiều nước trên thế giới sử dụng vào các công trình quan trọng. Chẳng hạn ở Thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) sử dụng mô hình chống ngập là hầm đường bộ thoát nước dưới những con đường. Singapore thì chống ngập bằng cách xây dựng hệ thống hồ điều hòa vệ tinh, hồ điều hòa tập trung lớn. Còn ở Thủ đô Tokyo (Nhật Bản) các giải pháp được sử dụng là xây dựng hệ thống dẫn nước ngầm, dẫn nước từ sông nhỏ ra sông chính Endo và xây dựng hệ thống giếng chứa nước ngầm. Hà Lan cũng có những giải pháp tối ưu để hạn chế tình trạng ngập lụt cho thành phố như xây dựng hệ thống sông nhỏ, kênh dẫn nước dày đặc trong nội đô; hệ thống đê biển bao quanh thành phố; hệ thống kè biển thông minh, các cửa sông; hệ thống bơm thoát nước.

Cụ thể, bể ngầm chứa nước mưa có tác dụng thu gom, trữ nước mưa từ mái nhà. Dung tích của bể từ 2 - 10m3 lắp đặt cho công trình nhà riêng.

Ước tính nếu lắp cho 100.000 công trình nhà dân, mỗi công trình lắp 1 bể chứa ngầm 4m3 thì tổng lượng nước mưa giữ lại trong mỗi trận mưa là 400.000m3.

Bên cạnh, bể nước ngầm chứa nước mưa các công trình có dung tích từ 50 - 1.000m3. Đây là giải pháp thu gom nước mưa tập trung, tái sử dụng lượng nước tích trữ.

Những giải pháp được nghiên cứu phù hợp với khí hậu cũng như địa hình ĐT Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Tân cho biết, để áp dụng thành công cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng ban hành quy định bắt buộc các công trình xây dựng (nhà dân, công trình công cộng, nhà chung cư, văn phòng, nhà hàng, trường học, bệnh viện…) bù đắp diện tích bê tông hóa bằng thể tích bể ngầm chứa nước mưa tương đương, quy đổi m2 bê tông hóa diện tích đất: Lớn hơn hoặc bằng lưu lượng nước mưa thấm xuống đất khi mưa đổ xuống.

Các công trình ở mọi khu vực ĐT phải có bể chứa nước mưa ngầm, để đảm bảo khu vực cao giữ lại nước mưa, hạn chế lượng lớn nước mưa chảy về vùng trũng.

Một số dịch vụ kinh doanh sử dụng nước máy: rửa xe, tưới cây, rửa đường, rửa nền, bắt buộc dùng nước mưa tái sử dụng thay thế.

Hiện Việt Nam đang nghiên cứu, sản xuất một số loại vật liệu xây dựng (VLXD) phục vụ cho các công trình ngầm, đảm bảo chất lượng, mang lại hiệu quả như bằng VLXD bê tông hữu cơ polymer.

Xu hướng vật liệu xanh, thân thiện

TS Trịnh Minh Đạt - Viện VLXD cho biết, ngày nay, tại các thành phố lớn, hầu hết công trình xây dựng đều có sử dụng những sản phẩm VLXD hữu cơ như sơn bảo vệ bê tông cốt thép, sản phẩm ván sàn công nghiệp, gỗ công nghiệp…

Một đoạn QL53 qua Vĩnh Long bị ngập.
Một đoạn QL53 qua Vĩnh Long bị ngập.

Xu thế hiện nay là các quốc gia sản xuất VLXD hữu cơ tính năng đặc biệt (xanh/tiết kiệm năng lượng). Tới đây, hầu hết các ngôi nhà sẽ được sử dụng công nghệ in 3D, phủ bề mặt hầu hết sử dụng sơn kỵ nước, sơn kháng khuẩn, xốp polystyren chống cháy…

Ông Lê Văn Tới - Phó Chủ tịch Hiệp hội VLXD Việt Nam cho biết, từ 2010 đến nay, Nhà nước định hướng phát triển theo hướng sử dụng công nghệ tiên tiến, hướng đến sản xuất sạch và VLXD thân thiện.

Đặt vấn đề giải pháp nào để việc sản xuất và sử dụng VLXD thân thiện được như định hướng? Ông cho rằng, Nhà nước cần phải có những biện pháp hành chính cần thiết để thúc đẩy sử dụng VLXD thân thiện.

Bên cạnh, chỉ đạo thực hiện cần nhất quán, quyết liệt hơn; gắn trách nhiệm cho các địa phương. Đặc biệt đối với công trình “xanh” cần đưa ra các tiêu chí và thông số đặc thù cụ thể.

Vụ trưởng Vụ VLXD (Bộ Xây dựng) Phạm Văn Bắc cho biết, trong 15 năm qua, ngành VLXD đã phát triển mạnh mẽ. Việt Nam từ một nước nhập khẩu hầu hết vật liệu, đến năm 2010, cơ bản đã sản xuất được những sản phẩm VLXD, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Ông Bắc cũng cho biết, sản xuất VLXD ngày nay đang có xu hướng phát triển các vật liệu xanh, thân thiện với môi trường. Ngày 18/8/2020, tại Quyết định 1266, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển VLXD thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến 2050.

Mục tiêu của chiến lược là sản xuất VLXD đạt trình độ tiên tiến hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế, tiết kiệm năng lượng, có sức cạnh tranh cao…

Theo đó, các doanh nghiệp trong và ngoài nước tích cực triển khai sản xuất VLXD. Song song đó là biện pháp quản lý của cơ quan quản lý nhà nước như xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn, quản lý VLXD được tăng cường.

Giải pháp chống ngập tại TP Vĩnh Long

Tại một số tuyến đường ĐT và các đoạn ven quốc lộ qua địa phận Vĩnh Long, những trận mưa lớn và các đợt triều cường vừa qua đã gây ngập cục bộ một số nơi theo kiểu “đến hẹn lại… ngập” gây ảnh hưởng sinh hoạt, buôn bán và đi lại của người dân, nhất là vào giờ cao điểm. Tại TP Vĩnh Long, để hạn chế ngập đường phố do triều cường, thời gian qua có giải pháp vận hành hệ thống van 1 chiều. Tuy nhiên, khi mưa lớn gặp triều cường cùng lúc thì đành… chịu. Tương tự, các ĐT khác trong tỉnh đang chịu áp lực lớn về thoát nước chống ngập do không đồng bộ trong đầu tư hạ tầng cơ sở.

Trên cơ sở nghiên cứu, phân tích, đánh giá các yếu tố tác động đến tình hình ngập, nhóm nghiên cứu đề tài “Xác định dòng chảy thủy văn ĐT trên địa bàn TP Vĩnh Long” do TS Trương Văn Hiếu làm chủ nhiệm đã đề xuất các giải pháp như: nạo vét (hay đào mới) sông rạch; “bao phủ” hệ thống các đường cống (ngầm, mương hở) khắp các vùng ĐT. Riêng một số khu vực thấp trũng thì nâng nền hay xây đê bao quanh để ngăn triều. Bên cạnh, cần có các chính sách và quy định trong quản lý hệ thống thoát nước ĐT, xây dựng và kiến trúc ĐT, ưu tiên phát triển ĐT sinh thái, nghiên cứu và áp dụng sự tách riêng của 2 hệ thống thoát nước (thoát nước thải và nước mưa)…

Bài, ảnh: SÔNG HẬU