Giảm 2% thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đến hết năm 2022

Cập nhật, 11:17, Thứ Năm, 17/03/2022 (GMT+7)

 (VLO) Từ ngày 1/2/2022, chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ được áp dụng theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP (quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội) của Chính phủ.

16.3 Le Thi Hong Linh.jpg
16.3 Le Thi Hong Linh.jpg

Trao đổi với PV Báo Vĩnh Long, bà Lê Thị Hồng Lĩnh- Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh- cho biết sau hơn 1 tháng triển khai chính sách trên, nhiều ý kiến bày tỏ sự phấn khởi, song cũng băn khoăn về việc xác định loại hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế suất. Qua đó, đưa ra một số hướng dẫn cũng như lưu ý đối với người nộp thuế (NNT).

* Xin bà cho biết kết quả thực hiện chính sách giảm thuế GTGT sau hơn 1 tháng triển khai?

- Mục tiêu của chính sách giảm thuế GTGT là góp phần giúp doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch COVID-19 để phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, đồng thời kích thích tiêu dùng, đầu tư.

Qua đó, đóng góp vào kết quả khôi phục lại nền kinh tế của đất nước sau dịch bệnh và góp phần thực hiện an sinh xã hội. Cho nên, dù thời gian ban hành Nghị định 15 sát với dịp Tết Nhâm Dần nhưng Cục Thuế Vĩnh Long vẫn khẩn trương tuyên truyền trên nhiều kênh thông tin.

Sau hơn 1 tháng triển khai Nghị định 15, chúng tôi nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi của NNT, người tiêu dùng, trong đó đa số các ý kiến phấn khởi trước chính sách hỗ trợ kịp thời của Nhà nước.

Bên cạnh đó, cũng có những ý kiến băn khoăn, trình bày khó khăn trong việc xác định ngành hàng của mình có được giảm thuế hay không.

Đường dây nóng của chúng tôi liên tục nhận được những cuộc điện thoại từ NNT và đã trả lời trên 100 lượt để hướng dẫn họ tự tra cứu, xác định hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế.

Từ khi Nghị định 15 có hiệu lực đến nay, NNT đã thực hiện xuất hóa đơn đúng theo thuế suất được giảm, người tiêu dùng cũng đã được thụ hưởng qua giá thanh toán khi mua hàng hóa, dịch vụ. Từ ngày 1/2- 31/12/2022, dự kiến số thuế GTGT được giảm trên địa bàn là khoảng 75.450 triệu đồng.

* Theo Nghị định 15, không phải tất cả nhóm hàng hóa, dịch vụ đang chịu thuế GTGT 10% nào cũng đều được giảm, cũng theo như bà vừa cho biết NNT phải tự xác định mã sản phẩm thuộc diện được giảm thuế để thực hiện theo đúng tinh thần nghị định này. Vậy Cục Thuế tỉnh đã có những hướng dẫn cụ thể như thế nào, thưa bà?

- Theo quy định tại Nghị định 15, chính sách giảm 2% thuế GTGT không áp dụng đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ quy định tại Phụ lục I, Phụ lục II, Phụ lục III (đính kèm theo nghị định này).

Để hỗ trợ NNT thực hiện đúng chính sách, chúng tôi luôn giải đáp kịp thời những thắc mắc, băn khoăn của họ. Trong đó, có việc hướng dẫn NNT tự xác định hàng hóa, dịch vụ của mình có được giảm thuế suất thuế GTGT hay không. Để thực hiện việc này, NNT cần làm theo các bước sau:

- Lập danh sách các mặt hàng, dịch vụ đang sản xuất, kinh doanh.

- Đối chiếu với mã hàng hóa, dịch vụ theo Quyết định 43/2018/QĐ-TTg về Hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam để xác định mã hàng hóa, dịch vụ.

- Đem mã hàng hóa, dịch vụ này so với danh mục hàng hóa, dịch vụ quy định ở Phụ lục số I, II, III. Nếu trùng thì không được giảm thuế, nếu không có trong Phụ lục I, II, III thì áp dụng thuế suất thuế GTGT 8% kể từ ngày 1/2/2022 đến hết ngày 31/12/2022.

* Bà có lưu ý gì đối với doanh nghiệp cũng như các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh trong việc thực hiện chính sách giảm thuế GTGT?

- Khi thực hiện chính sách giảm thuế GTGT theo Nghị định 15, NNT cần lưu ý một số điểm sau:

Việc giảm thuế GTGT cho từng loại hàng hóa, dịch vụ được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại. Trường hợp hàng hóa, dịch vụ nêu tại các Phụ lục I, II và III thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT hoặc đối tượng chịu thuế GTGT 5% theo quy định của Luật Thuế GTGT thì thực hiện theo quy định của luật này và không được giảm thuế GTGT.

Cơ sở kinh doanh phải lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT. Trường hợp không lập hóa đơn riêng thì không được giảm thuế GTGT. Trường hợp đã lập hóa đơn và kê khai theo mức thuế suất hoặc mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT chưa được giảm thì người bán và người mua phải lập biên bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản ghi rõ sai sót.

Đồng thời, người bán lập hóa đơn điều chỉnh sai sót và giao hóa đơn điều chỉnh cho người mua. Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh, người bán kê khai điều chỉnh thuế đầu ra, người mua kê khai điều chỉnh thuế đầu vào (nếu có).

Trường hợp cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng được giảm thuế GTGT đã phát hành hóa đơn đặt in dưới hình thức vé có in sẵn mệnh giá chưa sử dụng hết (nếu có) và có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì cơ sở kinh doanh thực hiện đóng dấu theo giá đã giảm 2% thuế suất thuế GTGT hoặc giá đã giảm 20% mức tỷ lệ % bên cạnh tiêu thức giá in sẵn để tiếp tục sử dụng.

Cơ sở kinh doanh thực hiện kê khai các hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT theo Mẫu số 01 tại Phụ lục IV (ban hành kèm theo Nghị định 15) cùng với tờ khai thuế GTGT.

* Trân trọng cảm ơn bà.

PHẠM PHONG (thực hiện)