Những sai lầm khi sơ cứu người bị đột quỵ

Cập nhật, 13:14, Thứ Sáu, 05/05/2023 (GMT+7)
Cần nhanh chóng đưa người bệnh đến bệnh viện có khả năng cấp cứu trong thời gian sớm nhất, đặc biệt là giờ vàng của đột quỵ não dưới 4,5 giờ kể từ khi khởi phát triệu chứng đầu tiên.
Cần nhanh chóng đưa người bệnh đến bệnh viện có khả năng cấp cứu trong thời gian sớm nhất, đặc biệt là giờ vàng của đột quỵ não dưới 4,5 giờ kể từ khi khởi phát triệu chứng đầu tiên.

(VLO) Theo TS.BS Trần Chí Cường- Giám đốc chuyên môn BVĐK Quốc tế S.I.S Cần Thơ, ngoài việc chạy đua với thời gian để cứu người đột quỵ thì sơ cứu đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Khi bị đột quỵ, việc chần chừ, sơ cứu sai cách có thể dẫn đến hậu quả nặng nề.

Thời gian qua, các bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp nguy kịch vì chích máu đầu ngón tay chữa đột quỵ. Mới đây, ông Đ.Đ.Q. (60 tuổi, trú tại Đông Triều, Quảng Ninh) ở nhà xuất hiện nói khó, tê yếu nửa người trái.

Thấy nhiều người mách bảo, người vợ đã dùng vật nhọn chích vào toàn bộ các đầu ngón tay, ngón chân của người bệnh sau đó nặn máu với hy vọng người bệnh sẽ ổn hơn.

Sau chích máu 20 phút, người bệnh được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Việt Nam- Thụy Điển Uông Bí và được chẩn đoán nhồi máu não nhập viện trong tình trạng các đầu ngón tay, ngón chân bị chích chảy máu.

Đầu tháng 3/2023, Bệnh viện Nhân dân 115, TP Hồ Chí Minh tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân nam (60 tuổi, ngụ Dĩ An, Bình Dương) nhập viện trong tình trạng liệt nửa người bên phải, mất chức năng ngôn ngữ.

Theo lời người nhà bệnh nhân, sau khi thấy chồng đột ngột không cử động được nửa cơ thể, người vợ và em đã tham khảo “thầy thuốc online”, lấy lưỡi lam cắt sâu vào các đầu ngón tay bên bị liệt. Sau đó, các ngón tay bị xuất huyết, bệnh nhân vẫn không tỉnh.

Thấy không có tác dụng, gia đình đã đưa bệnh nhân vào BVĐK khu vực Thủ Đức và được chuyển đến Bệnh viện Nhân dân 115. Bệnh nhân nhập viện hơn 6 tiếng kể từ lúc khởi phát triệu chứng (chậm giờ vàng). Bệnh nhân được lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học, 24 giờ sau thì phục hồi gần hoàn toàn.

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng- Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu (Bệnh viện Nhân dân 115), nếu không may gặp triệu chứng đột quỵ, việc người thân tự ý sử dụng các phương pháp phản khoa học như trên có thể làm chậm giờ vàng, gây nhiễm trùng,... “Với vết cắt lớn trên đầu ngón tay như trường hợp này, nếu kịp giờ vàng cũng rất khó để bác sĩ sử dụng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch cho bệnh nhân vì có thể gây xuất huyết nhiều hơn. Sử dụng các loại thuốc tan huyết khối cho bệnh nhân đang xuất huyết nhiều cũng có thể gây ngạt”, BS Huy Thắng nói.

Giới chuyên môn cảnh báo, sai lầm phổ biến trong sơ cứu đột quỵ là để người bệnh nằm ở nhà nghỉ ngơi, chờ đợi cơ thể tự hồi phục thay vì đưa ngay tới bệnh viện.

Nhiều trường hợp người nhà cho bệnh nhân uống nước đường, nước chanh hoặc thuốc đông y, vận chuyển người bệnh bằng xe 2 bánh, cạo gió,... Đây là việc làm vô cùng nguy hiểm, bởi bệnh nhân đột quỵ thường bị khó thở, rối loạn nuốt. Ăn uống trong lúc này có thể gây sặc, nghẹn, suy hô hấp nặng hơn.

Thông thường, khi thấy ai lăn ra bất tỉnh, nhiều người cứ tưởng họ bị “trúng gió” và dùng những biện pháp dân gian thay vì tức tốc chuyển đến cơ sở y tế gần nhất.

Các phương pháp dân gian chữa đột quỵ như chích máu 10 đầu ngón tay, nằm dốc ngược đầu, đứng một chân... đều không được chứng minh hiệu quả bằng khoa học. Việc chần chừ đưa người bệnh đi viện để thực hiện các cách chữa trên sẽ làm mất thời gian cấp cứu tốt nhất.

Theo TS.BS Trần Chí Cường- Giám đốc chuyên môn BVĐK Quốc tế S.I.S Cần Thơ, thời gian gần đây, với sự thay đổi thời tiết đột ngột khi trời nắng nóng, số người bệnh đột quỵ não ngày càng gia tăng. Nhiều trường hợp nhập viện khi bệnh đã chuyển biến rất nặng, do vậy việc phát hiện sớm và xử trí ban đầu đúng vô cùng quan trọng, giúp hiệu quả điều trị được tốt hơn.

PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng- Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu (Bệnh viện Nhân dân 115, TP Hồ Chí Minh)

“Nếu không may người thân có triệu chứng của đột quỵ, nên đưa ngay vào bệnh viện. Không nên học trên mạng rồi tự ý “cấp cứu” cho bệnh nhân theo những phương pháp phản khoa học vì có thể gây hại cho bệnh nhân”.

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG