Lăm le hạn, mặn mùa khô

Cập nhật, 13:41, Thứ Ba, 25/03/2014 (GMT+7)

Theo dự báo, mùa khô năm 2014 độ mặn vùng cửa sông Nam Bộ sẽ tăng cao ở mức xấp xỉ năm 2013, đặc biệt độ mặn sẽ tăng cao trong các tháng 3 và 4/2014 nên cần chủ động ứng phó với tình trạng thiếu nước và khô hạn tại một số nơi, xâm nhập mặn sớm và mạnh ở vùng cửa sông.

Vụ Hè Thu này, diện tích khả năng hạn chế tưới tự chảy có thể lên tới 25.000- 30.000ha, diện tích phải bơm hỗ trợ trên 25.109ha và có thể phải bơm nhiều lần.

Diện tích này rải đều các địa phương trong tỉnh. Khu vực bị hạn nằm ở dãy đất có cao độ từ 1,2- 1,4m dọc 2 bên sông Tiền, sông Hậu, những kinh trục lớn, kinh phân vùng; những vùng đất ruộng có cao độ từ 1- 1,2m ở xa sông lớn, các xã dọc QL53 thuộc huyện Vũng Liêm như: Trung Thành, Trung Ngãi, Trung Nghĩa, Tân An Luông, Hiếu Thành, Hiếu Nghĩa, dọc QL54 có xã Thiện Mỹ, Thuận Thới, Vĩnh Xuân và một phần xã Hựu Thành (Trà Ôn), dọc sông Cổ Chiên có các xã Thanh Đức (Long Hồ), Mỹ An, Mỹ Phước, An Phước (Mang Thít).

Xâm nhập mặn ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh. Trong ảnh: Đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khảo sát thực tế tại công trình cống Nàng Âm (Vũng Liêm).

Hàng năm, khoảng cuối tháng 3, đầu tháng 4, độ mặn cao nhất tại rạch Vũng Liêm và rạch Tân Dinh (Trà Ôn) ở mức 3‰.

Riêng trong năm 2013, độ mặn đo được phía sông Cổ Chiên tại Vũng Liêm lên tới 5- 7,5‰. Mùa khô năm nay phạm vi ảnh hưởng mặn trên 5‰ có khả năng tới vàm Vũng Liêm trên sông Cổ Chiên và vàm Rạch Tra trên sông Hậu thuộc huyện Trà Ôn.

Toàn tỉnh hiện có gần 5.000ha nằm trong biên mặn xấp xỉ 4‰, ở huyện Vũng Liêm, vùng giáp sông Cổ Chiên và vùng nằm trong biên chịu ảnh hưởng mặn độ 2‰ trên 3.000ha ở các vùng giáp sông Hậu thuộc huyện Trà Ôn.

Trong năm 2013, ngành nông nghiệp đã triển khai thi công 647 danh mục công trình với tổng giá trị trên 356 tỷ đồng. Các xã đã huy động nhân dân đóng góp trên 2,6 tỷ đồng và 5.455 ngày công lao động thực hiện 257 công trình thủy lợi nội đồng đã giúp nhiều địa phương ổn định sản xuất và dân sinh.

Nhiều diện tích phải bơm tưới trong vụ lúa Hè Thu. (ảnh minh họa)


Để ứng phó với hạn, mặn mùa khô, ngành nông nghiệp xác định biện pháp ưu tiên thực hiện công trình thủy lợi và bơm tát chống hạn, toàn tỉnh có kế hoạch thực hiện trong mùa khô đạt trên 50% khối lượng công trình trong tổng số 176 danh mục công trình (94 công trình thi công cơ giới và 82 công tình thủ công).

Trong đó tập trung thi công công trình thủy lợi nội đồng, tạo nguồn nước cấp trực tiếp cho sản xuất ở các huyện- thị- thành gồm 79 công trình.

Bên cạnh biện pháp công trình, ngành nông nghiệp dự kiến bơm tát chống hạn cho 32.000ha lúa. Riêng vụ Hè Thu cũng có trên 25.100ha lúa phải bơm tát trong 2 đợt, trong đó có 3.280ha bơm tập trung. Kinh phí bơm tát cho mỗi hecta khoảng 1 triệu đồng.

Số lượng máy bơm dự kiến sử dụng là 14.300 máy, trong đó 1 trạm bơm điện, 7 moteur điện, 100 máy D15 của các phòng nông nghiệp các địa phương và 14.223 máy bơm nhỏ trong dân.

Tại buổi làm việc với đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, ông Bùi Văn Nghiêm- Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vũng Liêm cho biết: Vũng Liêm có 8 xã nằm dọc tuyến sông Cổ Chiên, sông Măng Thít ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Diện tích trồng cây hàng năm của huyện 15.000ha đất chịu ảnh hưởng mặn, tác động đến đời sống của khoảng 160.000 dân.

Riêng 2 xã cù lao Thanh Bình và Quới Thiện cũng có 2.000ha cây ăn trái và gần 20.000 dân. Khoảng 2 năm nay, tình hình xâm nhập mặn đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và dân sinh, do đó huyện cần có sự hỗ trợ để đảm bảo sản xuất và đời sống người dân.

Theo ông Phan Nhựt Ái- Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, nước biển ngày càng xâm nhập sâu, năm rồi tại vàm Vũng Liêm độ mặn đo được là 5‰ và tại vàm Mang Thít là 2‰ nếu trong tương lai không ngăn mặn thì cả một vùng phía Nam sông Măng Thít sẽ chịu ảnh hưởng mặn nghiêm trọng.

Do đó một trong những vấn đề lớn của tỉnh hiện nay là xâm nhập mặn mà việc ứng phó này cần có sự đầu tư về cơ sở hạ tầng như các đê bao ngăn mặn đặc biệt ở các xã cù lao Thanh Bình, Quới Thiện (Vũng Liêm), Lục Sĩ Thành, Phú Thành (Trà Ôn).

Qua đó, ông Phan Nhựt Ái đề nghị Trung ương hỗ trợ công trình đê bao sông Măng Thít và các cống ngăn mặn tuyến sông Tiền và sông Hậu cũng như các bờ cao bảo vệ cù lao.

Hiện Vĩnh Long gặp khó trong việc hỗ trợ các địa phương tổ chức chống hạn, mặn do thiếu kinh phí thực hiện thủy lợi nội đồng và hỗ trợ nông dân bơm tát. Hàng năm đều đề nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí này. Ngoài số công trình trong kế hoạch, các địa phương còn đề nghị kinh phí thực hiện 61 công trình nạo vét kinh mương (trên 28 tỷ đồng), nhu cầu bơm tưới chống hạn cho lúa khoảng 65 tỷ đồng.

Bài, ảnh: LÊ SƠN