Kỳ vọng những không gian phát triển mới của Vĩnh Long

Cập nhật, 06:45, Thứ Năm, 08/02/2024 (GMT+7)

(VLO) Năm 2023, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong tỉnh trải qua gần 3/4 chặng đường hoạt động nhiều khó khăn “phòng thủ là chính”, nhưng từ quý IV đã có những tín hiệu lạc quan. Đơn hàng trở lại, nhịp điệu sản xuất dần phục hồi… kỳ vọng kích thích hoạt động doanh nghiệp, tạo đà cho những tăng trưởng đột phá.

Các dự án hạ tầng giao thông đã và đang thực hiện, tạo điều kiện cho Vĩnh Long thu hút đầu tư thêm dự án mới. Ảnh: NGUYỄN BÁCH THẢO
Các dự án hạ tầng giao thông đã và đang thực hiện, tạo điều kiện cho Vĩnh Long thu hút đầu tư thêm dự án mới. Ảnh: NGUYỄN BÁCH THẢO

Đường đi khó không khó

Theo UBND tỉnh, tình hình sản xuất công nghiệp của tỉnh cho thấy những hạn chế, yếu kém nội tại của địa phương.

Theo Cục Thống kê, trong 9 tháng năm 2023, sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của tình hình thế giới có nhiều bất ổn, suy thoái kinh tế thế giới tác động đến thương mại toàn cầu, biến động thị trường và lạm phát tăng cao ở một số nước châu Âu,… đã tác động làm giảm các đơn hàng từ phía đối tác nước ngoài, đặc biệt là ở các nước châu Âu, Nhật Bản.

Đối mặt với những thách thức đó, để đảm bảo việc làm cho 1.800 công nhân, ông Võ Hoàng Vũ- Giám đốc điều hành Công ty CP May Vĩnh Tiến cho biết: “Ban giám đốc công ty đã tìm mọi cách xoay trở tìm nguồn hàng khác thay thế, đảm bảo nhà máy sản xuất liên tục”.

Công ty CP May Vĩnh Tiến đã có nguồn hàng sản xuất đến quý I/2024.
Công ty CP May Vĩnh Tiến đã có nguồn hàng sản xuất đến quý I/2024.

Theo ông Vũ, trong 3 quý đầu năm 2023, nguồn hàng truyền thống của doanh nghiệp là jacket và quần áo thể thao giảm sút đến 50%; doanh nghiệp phải tìm nguồn khác không truyền thống như áo thun và hàng thời trang. Giải pháp này giúp doanh nghiệp hoạt động “không nghỉ ngày nào”.

Và để đáp ứng đơn hàng không truyền thống, doanh nghiệp buộc phải đào tạo lại lao động, thay đổi trang thiết bị máy móc cho phù hợp, chấp nhận doanh thu giảm, chi phí tăng, lương tăng…

“Nhờ bước xoay trở đó, doanh nghiệp giữ được chân lao động và họ yên tâm gắn bó với doanh nghiệp. Khi có đơn hàng mới nguồn lao động không bị thiếu hụt”- ông Vũ nói và cho biết “từ quý IV/2023, nguồn hàng truyền thống đã trở lại. Vĩnh Tiến hiện đã có đơn hàng sản xuất đến quý I/2024 và tiếp tục đàm phán các quý tiếp theo”.

Công ty Kyungshin Việt Nam chuyên sản xuất phụ kiện bộ dây điện cho các dòng xe ô tô.
Công ty Kyungshin Việt Nam chuyên sản xuất phụ kiện bộ dây điện cho các dòng xe ô tô.

Trong khi đó, nhiều ngành nghề khác cũng đã có những tín hiệu vui. Ông Dương Văn Minh- Trưởng Phòng Sản xuất Công ty TNHH Kyungshin Việt Nam KCN Hòa Phú cũng cho biết: “Những tháng đầu năm 2023, doanh nghiệp sụt giảm đơn hàng đến 35%.

Tuy nhiên, từ tháng 10 đến nay, đơn hàng trở lại và một đơn vị ở châu Âu cũng đã chấm điểm đạt chuẩn sản xuất nên doanh nghiệp sẽ có thêm đơn hàng mới”.

Là doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư Hàn Quốc, chuyên sản xuất phụ kiện bộ dây điện cho các dòng xe ô tô Hyundai, Kia…

Hiện Công ty Kyungshin Việt Nam đang có 1.750 lao động, để đáp ứng những đơn hàng mới, doanh nghiệp cần tuyển thêm 500 lao động. “Chúng tôi dự báo tình hình sản xuất kinh doanh cuối năm và đầu năm 2024 sẽ tốt hơn.

Theo chiều hướng đó, doanh nghiệp cũng định hướng sản xuất phát triển song song phụ tùng 50% linh kiện của xe điện và 50% linh kiện của xe xăng. Đây là hướng sản xuất phù hợp xu hướng tiêu dùng xanh, sạch hiện nay”- ông Minh cho biết.

Bức tranh sản xuất kinh doanh sẽ sáng hơn cũng là dự báo của ông Nguyễn Văn Thành- Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất- Thương mại Phước Thành IV.

Theo ông Thành với lợi thế về nông nghiệp, đối với khu vực ĐBSCL còn có thêm nhiều “trợ lực” từ các chính sách, nhiều dự án đầu tư hạ tầng giao thông cũng giúp các doanh nghiệp phục hồi và tận dụng cơ hội tốt hơn.

Tận dụng những cơ hội để đổi thay

Phước Thành IV chú trọng khai thác thị trường nội địa với các dòng gạo chất lượng cao.
Phước Thành IV chú trọng khai thác thị trường nội địa với các dòng gạo chất lượng cao.

Theo các chuyên gia kinh tế, chuyển đổi số hứa hẹn mang đến nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như tối ưu hóa hoạt động sản xuất kinh doanh, cắt giảm chi phí vận hành, mở rộng thị trường… Vĩnh Long cũng đã đưa ra lộ trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện chuyển đổi số.

Theo ThS Hồ Thiện Quyền- Phó Giám đốc Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh phân hiệu Vĩnh Long, trong thực hiện chuyển đổi, thương mại điện tử là một lĩnh vực đầy hứa hẹn và có tốc độ phát triển cao trong thời đại số. Thực tế đã chứng minh, chuyển đổi số trở thành một yêu cầu bắt buộc các doanh nghiệp phải tham gia để tận dụng cơ hội để đổi thay, tránh tụt hậu.

Thời gian qua, Vĩnh Long đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng KCN Đông Bình, KCN Gilimex Vĩnh Long, KCN An Định.

Đến nay, tỉnh có 5 KCN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch, tổng diện tích trên 1.335ha, trong đó: KCN Hòa Phú (giai đoạn 1 và 2) và KCN Bình Minh đã cơ bản lấp đầy doanh nghiệp (95,5%); Tuyến công nghiệp Cổ Chiên (khu IV, khu V) san lấp mặt bằng đạt 86%, đã tái bố trí 27 cơ sở sản xuất và thu hút 5 dự án đầu tư.

Các khu, tuyến công nghiệp đã thu hút 69 dự án đầu tư, với tổng vốn đầu tư trên 2.400 tỷ đồng và 630 triệu USD đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm cho nhiều lao động của tỉnh.

Ông Nguyễn Thanh Sang- Phó Trưởng Ban Quản lý Các KCN tỉnh, cho biết: “Thiếu đất sạch nên năm 2023 các KCN tỉnh không có thêm dự án mới nào”.

Tuy nhiên, “kỳ vọng năm 2024 chúng ta sẽ có quỹ đất sạch thu hút đầu tư mới”- ông Sang nói. Các dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư KCN Gilimex Vĩnh Long; quy hoạch xây dựng tuyến tránh QL54 dài 30km qua Vĩnh Long… sẽ tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư vào các KCN, nhất là KCN cặp tuyến QL54.

Cùng với đó, doanh nghiệp cũng kỳ vọng quy hoạch tỉnh sau khi được phê duyệt sẽ mở ra không gian phát triển mới; phát huy có hiệu quả các nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế- xã hội nhanh, bền vững. Đặc biệt, đó là các trục động lực phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ chạy dọc chuỗi đô thị theo hành lang QL1, cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ…

Đáng chú ý, Bộ Chính trị xác định xây dựng đường sắt tốc độ cao TP Hồ Chí Minh- Cần Thơ đi qua TP Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ là một trong những dự án trọng điểm quốc gia trong quá trình phát triển của TP Hồ Chí Minh, đồng thời tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế của Nam Bộ và cả nước. Dự kiến giai đoạn 2023- 2025 sẽ hoàn thiện báo cáo, chuẩn bị đấu thầu và khởi công.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Ai cũng biết thách thức của chúng ta còn nhiều. Các vấn đề thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực vẫn được xác định là 3 đột phá chiến lược cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Công nghệ cũng là mặt yếu lớn. Trong khi các lợi thế so sánh vốn có của ta như tài nguyên, lao động giá rẻ... đang cạn dần, thì vấn đề tối quan trọng là cần sớm tạo lập những nền tảng cơ bản, đồng bộ: chất lượng thể chế, chất lượng nhân lực, trình độ quản trị, năng lực của doanh nghiệp trong nước, công nghệ, hạ tầng, các ngành công- nông nghiệp, dịch vụ phát triển theo hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tạo liên kết trong và ngoài nước để có năng suất cao, tạo giá trị gia tăng cao... Chỉ có trên cơ sở đó chúng ta mới có thể vững tin ở khả năng chống chịu với các cú sốc, đồng thời thích ứng được với những biến động, tận dụng các cơ hội và các mối liên kết trong kinh tế toàn cầu để phát triển.

Bài, ảnh: YÊN HƯƠNG