Chăn nuôi quy mô lớn: Vừa bền vững vừa nâng cao giá trị

Cập nhật, 20:26, Thứ Ba, 06/02/2024 (GMT+7)

 

Tỉnh duy trì và phát triển các mô hình chăn nuôi gia cầm tập trung, kết hợp bảo vệ môi trường và an toàn dịch bệnh.
Tỉnh duy trì và phát triển các mô hình chăn nuôi gia cầm tập trung, kết hợp bảo vệ môi trường và an toàn dịch bệnh.

Thời gian qua, ngành chăn nuôi của tỉnh đã có bước chuyển dịch từ nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi gia trại, trang trại, quy mô lớn. Qua đó, không chỉ giúp người chăn nuôi chủ động trong công tác phòng dịch bệnh, kiểm soát ô nhiễm môi trường mà còn góp phần khai thác được tiềm năng, thế mạnh, phát triển kinh tế địa phương.

Từng bước chuyển dịch hiệu quả

Theo ngành nông nghiệp, việc phát triển chăn nuôi tập trung, quy mô lớn đang là xu hướng phát triển của ngành chăn nuôi hiện nay. Với tiềm năng, lợi thế, đã hình thành nhiều trang trại chăn nuôi tập trung. Người chăn nuôi mạnh dạn đầu tư máy móc hiện đại, áp dụng khoa học- kỹ thuật, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, hạn chế rủi ro do dịch bệnh và ô nhiễm môi trường.

Theo Sở Nông nghiệp-PTNT, thời gian qua, cơ cấu lại lĩnh vực chăn nuôi theo hướng chăn nuôi trang trại, nuôi gia công, đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và giảm thiểu rủi ro được chú trọng phát triển. Cụ thể, tính đến cuối năm 2023, tổng đàn heo của tỉnh gần 188.400 con; đàn bò có trên 75.000 con.

Chăn nuôi gia cầm phát triển khá, chủ yếu do phương thức nuôi công nghiệp, nuôi gia công có xu hướng tăng; thời gian chăn nuôi rút ngắn, hiệu quả kinh tế đạt khá, từ đó người chăn nuôi mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô tăng đàn, tái đàn... Tỉnh duy trì và phát triển các mô hình chăn nuôi gia cầm tập trung, kết hợp bảo vệ môi trường và an toàn dịch bệnh.

Tại huyện Vũng Liêm, thời gian qua Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện đã phối hợp các đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân áp dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, VietGAP…

Bà Lê Ngọc Yến- Phó Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện, cho biết: Năm qua, huyện Vũng Liêm cũng có một số mô hình chăn nuôi áp dụng công nghệ cao.

Cụ thể, duy trì mô hình nuôi vịt sinh sản ở xã Hiếu Thành với quy mô 2.500 vịt đẻ giống Grimaud, mô hình áp dụng kỹ thuật nuôi vịt đẻ trứng trên chuồng sàn được công ty ấp nở gia cầm tại Cần Thơ thu mua trứng để ấp nở vịt con.

Mô hình nuôi gà thịt ở xã Tân An Luông và xã Tân Quới Trung với quy mô 84.000 con/đợt nuôi, áp dụng quy trình nuôi khép kín, hệ thống điều hòa không khí, có hồ sơ môi trường theo quy định, hệ thống dây chuyền thức ăn, nước uống, được Công ty TNHH TM Vietlight, Công ty Tuấn Phát và Công ty Greenfeed thu mua.

Mô hình nuôi bò thịt kết hợp sinh sản ở xã Trung Nghĩa áp dụng kỹ thuật ủ rơm với ure, máy thái cỏ, khẩu phần ăn của bò hàng ngày gồm có rơm ủ với ure, cỏ tươi kết hợp với thức ăn công nghiệp; mô hình chăn nuôi heo nái sinh sản đạt tiêu chuẩn VietGAP…

Theo ông Trương Thành Dãnh- Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, trong năm 2023, lĩnh vực chăn nuôi tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng các cơ sở nuôi quy mô lớn. Toàn tỉnh hiện có 1.074 cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại, tăng 15,4% so năm trước. Phần lớn dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát. Công tác tiêm phòng được triển khai tốt.

Đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng bền vững

Theo ngành nông nghiệp, trong bối cảnh chăn nuôi theo quy mô nông hộ, nhỏ lẻ khiến người chăn nuôi gặp khó về đầu ra, giá cả của sản phẩm, nhất là nguy cơ tiềm ẩn từ dịch bệnh thì việc phát triển chăn nuôi tập trung quy mô lớn đang mang lại những hiệu quả kinh tế thiết thực.

Theo đó, việc phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung đã góp phần chuyển dịch về cơ cấu sản xuất, đa dạng hóa chủng loại vật nuôi; đồng thời, giúp thay đổi tư duy sản xuất của người chăn nuôi. Từ đó, mang lại hiệu quả kinh tế và giúp hạn chế dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, theo ngành chức năng, việc phát triển trang trại chăn nuôi quy mô lớn trong thời gian qua cũng còn gặp không ít khó khăn. Bên cạnh việc các cơ sở, trang trại bày tỏ khó khăn về nguồn vốn đầu tư sản xuất thì tính liên kết trong phát triển trang trại chăn nuôi chưa cao, chưa hình thành liên vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Trình độ chuyên môn, kinh nghiệm sản xuất, quản lý, thông tin thị trường của một số chủ trang trại còn hạn chế…

Trong khi đó, giá một số sản phẩm chăn nuôi không ổn định trong khi giá thức ăn và con giống ở mức cao, tiềm ẩn dịch bệnh và lợi nhuận không cao khiến người chăn nuôi còn ngán ngại đầu tư…

Ông Trương Thành Dãnh cho biết: Thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục phát triển theo hướng chăn nuôi trang trại, hộ chăn nuôi chuyên nghiệp từng bước ứng dụng công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh.

Xây dựng và nhân rộng các mô hình khai thác hiệu quả nguồn phụ phế phẩm chăn nuôi, thúc đẩy phát triển nông nghiệp tuần hoàn trong chuỗi sản phẩm chăn nuôi. Đồng thời, từng bước cơ cấu lại hệ thống cơ sở giết mổ mở rộng quy mô, đổi mới dây chuyền thiết bị đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường…

Theo Sở Nông nghiệp-PTNT, chăn nuôi tập trung có gắn kết sản xuất với tiêu thụ được duy trì. Năm 2023, có 9 trang trại nuôi heo có liên kết sản xuất với công ty CP, CJ, sản lượng ước đạt mỗi lứa 19.600 con; 105 trang trại nuôi gia cầm có liên kết sản xuất với công ty CP, Emivest, Vietlight, Japfa, GreenFeed Tuấn Phát và Bình Minh, sản lượng ước đạt mỗi lứa 3,073 triệu con.

Bài, ảnh:TRÀ MY