8 nhiệm vụ trọng tâm của ngành thuế trong năm 2024

Cập nhật, 15:10, Thứ Sáu, 26/01/2024 (GMT+7)
Ông Hồ Đức Phớc- Bộ trưởng Bộ Tài chính, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Ông Hồ Đức Phớc- Bộ trưởng Bộ Tài chính, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Tại hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ công tác thuế năm 2024, kết nối tới 63 điểm cầu cục thuế các tỉnh, thành phố và 413 chi cục thuế trong cả nước do Tổng cục Thuế tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã chỉ đạo 8 nhiệm vụ trọng tâm của ngành thuế trong năm 2024.

Trong bối cảnh nền kinh tế năm 2024 được dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, để tiếp tục triển khai nhiệm vụ công tác thuế năm 2024 và thực hiện thành công chiến lược hiện đại hóa ngành thuế, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc yêu cầu Tổng cục Thuế thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo điều hành của Chính phủ tại Nghị quyết số 01; Nghị quyết số 02 và kế hoạch hành động của Bộ Tài chính. Triển khai toàn diện, đồng bộ các giải pháp quản lý thu, tiếp cận toàn diện các nguồn thu, phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước 2024 được Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính giao.

Hai là, theo dõi sát tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, sức khỏe doanh nghiệp để kịp thời, chủ động tham mưu Bộ Tài chính, Chính phủ, Quốc hội có các biện pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Ba là, chủ động triển khai kịp thời các đề án xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo đúng tiến độ theo chương trình công tác đề ra.

Bốn là, triển khai hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, các chuyên đề chống thất thu, đặc biệt trong một số lĩnh vực như: giao dịch liên kết, hoàn thuế, thương mại điện tử, gian lận sử dụng hóa đơn điện tử; tăng cường công tác quản lý, đôn đốc, cưỡng chế thu hồi nợ thuế,...

Năm là, tập trung xử lý giải quyết hoàn thuế GTGT để hỗ trợ người nộp thuế có nguồn vốn sản xuất kinh doanh, đảm bảo kịp thời, thận trọng, chặt chẽ, đúng đối tượng, đúng quy định pháp luật.

Sáu là, tiếp tục phát huy hệ thống hóa đơn điện tử để phân tích, ngăn chặn kịp thời chống buôn bán hóa đơn; nâng cao một bước chất lượng, hiệu quả ứng dụng và xử lý rủi ro, phân tích đối với dữ liệu hóa đơn điện tử.

 Tiếp tục triển khai mở rộng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, hóa đơn điện tử trong kinh doanh xăng dầu và mở rộng sang các khu vực khác, các lĩnh vực có doanh số cao (như BOT phí đường bộ, du lịch, cáp treo;…).

Bảy là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin và tiếp tục đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số toàn diện công tác quản lý thuế.

Tám là, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tinh thần trách nhiệm, văn hóa công sở của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành thuế, đặc biệt là vai trò trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu.

Năm 2023, bám sát sự chỉ đạo sát sao, kịp thời, quyết liệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính cùng với sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và Nhân dân cả nước; sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương,…

Tổng cục Thuế đã tham mưu cho Bộ Tài chính, Chính phủ và Quốc hội ban hành các giải pháp về thuế. Đồng thời, cơ quan thuế các cấp đã khẩn trương triển khai hiệu quả các chính sách về thuế nhằm hỗ trợ kịp thời hiệu quả các giải pháp hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.

Với quyết tâm, nỗ lực, phát huy truyền thống đoàn kết, trách nhiệm và sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các bộ, ngành, sự ủng hộ đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Tổng thu ngân sách nhà nước do ngành thuế quản lý năm 2023 ước đạt 1.522.818 tỷ đồng, bằng 110,9% dự toán, bằng 100,3% so cùng kỳ năm 2022.

Bài, ảnh: THÙY LINH