Làng nghề truyền thống rộn ràng vào vụ Tết

Cập nhật, 06:01, Thứ Sáu, 26/01/2024 (GMT+7)
Tết cận kề, làng nghề bánh tráng, tàu hủ ky tại Vĩnh Long bước vào cao điểm vụ Tết, các cơ sở sản xuất đang hoạt động hết công suất để đảm bảo đơn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng.
Làng nghề Bánh tráng cù lao Mây tất bật sản xuất để phục vụ thị trường Tết.
Làng nghề Bánh tráng cù lao Mây tất bật sản xuất để phục vụ thị trường Tết.
Rộn ràng mùa Tết
 
Từ rằm tháng 10 âl, Cơ sở Sản xuất bánh tráng Lệ Hằng và nhiều gia đình khác ở Làng nghề Bánh tráng cù lao Mây (xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn) đã tất bật chuẩn bị cho mùa bánh tráng Tết.
 
Năm nay đơn đặt hàng Tết sớm hơn mọi năm, nên mỗi ngày cơ sở làm bánh tráng của bà Nguyễn Thị Lệ Hằng “đỏ lửa” từ 1-2 giờ sáng để ngâm gạo, xay bột, nhóm lửa, tráng bánh cho kịp đón nắng, vì như lời bà Hằng “nếu phơi bánh không đủ nắng hay gặp trời mưa thì bánh tráng sẽ bị cù (hư) phải bỏ hết”.
 
Hiện mỗi ngày cơ sở của bà Hằng tiêu thụ khoảng 30kg gạo để cho ra lò hơn 800 chiếc bánh các loại. 
 
Chính sự công phu trong cách pha chế đã giúp bánh tráng cù lao Mây giữ được hương vị bột gạo nguyên chất và được người tiêu dùng ưa chuộng.
 
Bà Trần Thị Thúy Liễu- chủ Cơ sở Sản xuất bánh tráng Thúy Liễu, cho biết lượng đơn hàng Tết năm nay tăng gấp 2-3 lần so với ngày thường, nên cơ sở phải hoạt động liên tục 3 lò để tráng bánh và thuê thêm 3 nhân công thời vụ.
 
Cạnh đó, cơ sở của bà Liễu cũng sử dụng máy móc vào các công đoạn như xay bột, nạo dừa, máy hút chân không để tiết kiệm thời gian sản xuất. Nắm bắt thị hiếu tiêu dùng, ngoài các loại bánh truyền thống như bánh tráng nem, bánh tráng ngọt sữa, bánh tráng nhúng, bà Liễu cũng đa dạng sản phẩm như bánh tráng mè, bánh tráng ớt, bánh tráng tôm khô, bánh tráng thanh long. 
 
Trong khi đó, thời điểm này, Làng nghề Tàu hủ ky Mỹ Hòa (xã Mỹ Hòa, TX Bình Minh) cũng nhộn nhịp sản xuất vụ Tết.
 
Theo bà con làng nghề, nghề làm tàu hủ ky chỉ rộn ràng nhất vào 3 mùa rằm lớn trong năm là rằm tháng Giêng, tháng 7 và tháng 10 âl, còn ngày thường thì các lò vẫn hoạt động nhưng với năng suất thấp hơn do sức mua chậm.
 
Bên trong Cơ sở Sản xuất tàu hủ ky Thanh Cường gần như chật kín tàu hủ ky thành phẩm chờ được vận chuyển, nhóm thợ nấu nhanh tay vớt từng mành đậu nóng hổi, nhóm thợ đóng gói cũng chẳng ngơi tay.
 
Anh Cao Lê Thanh Cường- chủ cơ sở, cho biết: “Dịp Tết này cơ sở cho 3 lò than hoạt động hết công suất, trung bình mỗi ngày sản xuất được 140-150kg tàu hủ ky các loại. Do giá nguyên liệu đầu vào như đậu nành, chất đốt tăng nên giá bán tàu hủ ky trong những ngày này có tăng, nhưng không nhiều so với ngày thường”.
 
Thời gian qua, sự phát triển của Làng nghề Tàu hủ ky Mỹ Hòa cũng góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Trong một buổi sáng, cô Lê Thị Huỳnh Nga “chạy sô” đóng gói tàu hủ ky cho 2 cơ sở, cô Nga nói:
 
“Dịp Tết tôi làm gần như mỗi ngày, công việc làm càng sớm thì ăn sản phẩm càng nhiều. Từ 4 giờ sáng tôi tranh thủ đến cơ sở đằng kia để sắp tàu hủ đâu đó chừng 100kg, tiền công là 700 đ/kg. Từ 6-10 giờ hơn thì tôi đến cơ sở này, vừa sắp vừa vô bọc, dán nhãn được chừng 60-70kg, tính công 1.200 đ/kg. Nói chung thu nhập cũng đủ xài với sắm ít đồ Tết cho vui”.
 
Đa dạng sản phẩm, hình thức phân phối
 
Theo ông Đinh Công Hoàng- Tổ trưởng Tổ hợp tác tàu hủ ky Mỹ Hòa, để đáp ứng số lượng đơn hàng của khách hàng gần xa, mỗi ngày các lò của 32 hộ trong tổ hợp tác phải hoạt động hết công suất, sản xuất đa dạng sản phẩm gồm tàu hủ ky lá, cọng khô, cọng non, óc đậu, lưỡi trâu, cá cơm…
 
Ông Hoàng cho biết: “Trong những tháng Tết, đơn hàng tăng khoảng 20% so với ngày thường, năng suất bình quân của tổ hợp tác đạt gần 4 tấn/ngày, tạo việc làm cho hơn 100 lao độ ng địa phương. Hiện chúng tôi cung ứng cho thị trường ở các tỉnh miền Tây là chủ yếu”.
 
“Tàu hủ ky có thể làm được các món chay, mặn nên thị trường tiêu thụ ổn định quanh năm. Sau khi làng nghề được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thì được rất nhiều đơn vị liên hệ đặt hàng, nhưng thời điểm này thì tổ hợp tác đã không đủ khả năng để cung ứng thêm”- ông Hoàng cho hay.
 
Sắp tới, ông Hoàng sẽ đầu tư thiết bị, nâng cấp hệ thống lò nấu để nâng cao sản lượng, tiết kiệm chi phí sản xuất, đồng thời cải tiến mẫu mã, bao bì để nâng cao khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm làng nghề.
 
Tương tự như Làng nghề Tàu hủ ky Mỹ Hòa, Làng nghề Bánh tráng cù lao Mây cũng đa dạng hóa sản phẩm, hình thức phân phối để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thị trường dịp Tết.
 
Theo Chủ tịch HĐQT HTX Bánh tráng cù lao Mây Lương Văn Thông, những năm gần đây, HTX được các cấp, các ngành hỗ trợ thêm máy xay bột, máy cắt bánh, máy hút chân không, nên sản phẩm của HTX được cải tiến từ mẫu mã đến chất lượng, có cơ hội tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, HTX không chỉ liên kết với các đơn vị vận chuyển đưa bánh đi khắp các tỉnh thành trong nước mà còn “bay” ra nước ngoài. 
 
Song, theo ông Lương Văn Thông, dù đã có sự hỗ trợ của máy móc nhưng quy trình sản xuất cốt yếu vẫn là thủ công, việc phơi bánh vẫn phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết nên sản lượng bánh tráng của HTX chưa đủ cung ứng cho đơn hàng lớn.
 
“Vì vậy HTX chưa thể liên kết tiêu thụ với nhiều siêu thị, công ty phân phối lớn. Chúng tôi cần được hỗ trợ về công nghệ sấy để kéo dài thời gian bảo quản, góp phần nâng cao sản lượng và mở rộng đầu ra hơn nữa”- ông Thông cho biết.
 
Để sản phẩm làng nghề tự tin vươn xa, không chỉ cần đôi bàn tay khéo léo, tình yêu nghề, mà cần có thêm sự hỗ trợ đồng bộ từ nhiều phía để góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm làng nghề đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Ông Nguyễn Tấn Tân- Phó Chủ tịch UBND xã Lục Sĩ Thành cho biết, Làng nghề Bánh tráng cù lao Mây hiện có trên 70 hộ sản xuất, trong đó có 14 hộ tham gia HTX. Dịp Tết, làng nghề có thể cung ứng cho thị trường khoảng 30 tấn bánh tráng các loại. Thời gian qua, các cấp, ngành đã chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ thiết bị, cải tiến mẫu mã... nên chất lượng sản phẩm làng nghề được nâng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Song, quy trình sản xuất vẫn còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết nên làng nghề rất cần được hỗ trợ máy sấy để có thể duy trì nguồn hàng cung ứng cho thị trường vào mùa mưa hay những khi điều kiện thời tiết bất lợi.
Bài, ảnh: THẢO TIÊN