Blog thị trường

Lạc quan giá gạo xuất khẩu

Cập nhật, 05:56, Thứ Sáu, 26/01/2024 (GMT+7)

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tính đến ngày 22/1/2024, cả nước có 161 thương nhân được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.

Theo danh sách thương nhân xuất khẩu gạo, TP Hồ Chí Minh là địa phương đứng đầu với 36 thương nhân đủ điều kiện; tiếp đến là TP Cần Thơ 34 thương nhân, Long An 22 thương nhân, Đồng Tháp 15 thương nhân, An Giang 14 thương nhân. Một số địa phương chỉ có 1 thương nhân đủ điều kiện xuất khẩu gạo, như Vĩnh Long chỉ có Công ty TNHH SX-TM Phước Thành IV.

Nhận định từ Cục Xuất nhập khẩu, năm 2023, Bộ Công Thương đã tham mưu điều hành xuất khẩu đạt kết quả tích cực, tiêu thụ lúa gạo của người nông dân với giá cao, đồng thời đảm bảo an ninh lương thực. Kết quả xuất khẩu gạo trên 8,1 triệu tấn, mang về doanh thu gần 4,7 tỷ USD trong bối cảnh tình hình thương mại gạo thế giới diễn biến phức tạp, nhiều nước hạn chế xuất khẩu với mục tiêu an ninh lương thực.

Trong một diễn biến khác, các nhà xuất khẩu gạo thế giới lạc quan rằng, ngành gạo sẽ vẫn duy trì giá tốt trong nửa đầu năm 2024 bởi cầu tiếp tục ở mức cao. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong 3 tuần đầu tiên của tháng 1/2024, giá gạo thế giới biến động trái chiều, trong đó gạo Việt Nam xu hướng giảm ở phân khúc 25% tấm, còn gạo các nước như Pakistan và Thái Lan liên tục tăng. Mặc dù vậy, trong nhiều dự báo được VFA đưa ra, các nhà lãnh đạo VFA đều nhận định rằng, giá gạo năm 2024 sẽ khó giảm mà giữ vững quanh mốc giá trên 600 USD/tấn.

Không chỉ VFA mà Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cũng có dự báo tương tự. Theo Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, chừng nào Ấn Độ còn duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng, giá gạo Thái Lan sẽ duy trì tương đối cao trong nửa đầu năm nay.

Việc các nhà xuất khẩu gạo có chung nhận định trên được hỗ trợ bởi yếu tố nguồn cung hạn chế, trong khi nhu cầu của nhiều nước ở mức cao. Theo đó, nguồn cung lớn của thế giới là Ấn Độ vẫn tiếp tục duy trì chính sách hạn chế xuất khẩu gạo, thậm chí siết chặt thêm các chính sách này để kiềm chế giá lương thực trong nước. Còn về cầu, theo các chuyên gia, những quốc gia gồm: Philippines, Indonesia, Malaysia… tiếp tục có nhu cầu nhập khẩu lớn.

LÝ AN