Hoàn thiện kết cấu hạ tầng, thu hút công nghiệp hỗ trợ

Cập nhật, 15:43, Thứ Năm, 18/05/2023 (GMT+7)
Doanh nghiệp sản xuất dây điện xe ô tô đang sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Doanh nghiệp sản xuất dây điện xe ô tô đang sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

(VLO) Hiện nay, Vĩnh Long đã ban hành chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) đến năm 2025. Theo đánh giá của một số nhà đầu tư, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh trong những năm gần đây tương đối tốt, tuy nhiên cũng cần hoàn thiện kết cấu hạ tầng nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất cũng như tiếp tục thu hút các nhà đầu tư mới.

Có thu hút nhưng còn chậm

Theo Ban Quản lý Các khu công nghiệp (KCN) tỉnh, hiện nay, tình hình thu hút và phát triển CNHT tương đối đa dạng, ngoài các nhà đầu tư trong nước còn có các nhà đầu tư đến từ nhiều nước khác như: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Hoa Kỳ,…

KCN Bình Minh nằm trên tuyến đường bộ, đường thủy quan trọng góp phần thu hút các doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
KCN Bình Minh nằm trên tuyến đường bộ, đường thủy quan trọng góp phần thu hút các doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Theo ông Nguyễn Thanh Sang- Phó Ban Quản lý Các KCN tỉnh, nhiều lĩnh vực CNHT đã đầu tư vào các KCN như: sản xuất bao bì giấy các loại, lắp ráp thùng xe tải, chế biến nông sản, thực phẩm, in hoa văn trên vải, sản xuất linh kiện loa, sản xuất ba lô, túi xách ngành y tế, sản xuất máy công cụ, linh kiện máy may và các linh kiện máy móc chính xác cỡ nhỏ, sản xuất và gia công phụ tùng, bộ phận phụ trợ, linh kiện, thiết bị cho xe ô tô, sản xuất vận liệu biosilica,…

“Hiện có 22 nhà đầu tư trong lĩnh vực CNHT. Trong đó có những công ty lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như: Công ty Estes Việt Nam, Công ty Công nghiệp Towa, Công ty Furukawa Automotive Systems Vĩnh Long Việt Nam,...

Vĩnh Long có nhiều lợi thế nhằm thu hút các nhà đầu tư nói chung, các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNHT nói riêng.

Tuy nhiên, CNHT của tỉnh phát triển còn chậm, tính liên kết nội địa chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất.

Do đó, cần triển khai các chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển CNHT nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp của tỉnh trong giai đoạn tới”- ông Sang cho biết.

Cần hoàn thiện kết cấu hạ tầng, tận dụng lợi thế

Trong những năm tới, Vĩnh Long định hướng phát triển CNHT dựa trên cơ sở khai thác, phát huy những tiềm năng thế mạnh và định hướng phát triển ngành công nghiệp của địa phương, trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, tỉnh Vĩnh Long phát triển CNHT thuộc các lĩnh vực: linh kiện phụ tùng; dệt may- da giày; CNHT cho công nghiệp công nghệ cao; CNHT ngành chế biến thực phẩm, nông sản, thủy sản.

Qua đó dần hình thành và phát triển các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất linh kiện phụ tùng kim loại, linh kiện phụ tùng nhựa- cao su, điện- điện tử; phát triển nguyên vật liệu và phụ liệu phục vụ ngành dệt may- da giày, đáp ứng nhu cầu ngành dệt may trong và ngoài tỉnh; phát triển sản xuất vật liệu, thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, phần mềm và dịch vụ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao, đặc biệt phát triển ngành CNHT ngành điện tử để có thể từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất cung ứng linh, phụ kiện cho thị trường trong nước, khu vực; phát triển công nghiệp sản xuất nguyên liệu, phụ liệu, phụ gia, bao bì…

“Kết cấu hạ tầng của các KCN ngày càng hoàn thiện, hệ thống giao thông trong và ngoài KCN đều đồng bộ giữa kết cấu hạ tầng của tỉnh và của khu vực; đặc biệt nhà máy xử lý nước thải của các KCN đã đi vào hoạt động,… tạo điều kiện thuận lợi trong thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu đầu tư vào các KCN”- ông Sang cho biết.

Tuy nhiên, cái khó là hiện nay, KCN Hòa Phú và KCN Bình Minh đã hình thành, đi vào hoạt động. Nhưng hiện 2 KCN này không còn nhiều quỹ đất công nghiệp để tiếp tục mời gọi đầu tư.

Theo ông Nguyễn Trọng Hữu- Giám đốc sản xuất Công ty Furukawa Automotive Systems Vĩnh Long Việt Nam, trong những năm qua, môi trường thu hút đầu tư của Vĩnh Long từng bước được cải thiện rõ rệt, nhất là các chế độ, chính sách, hỗ trợ cung ứng nguồn lao động, lắng nghe tâm tư của doanh nghiệp…

“Từ một doanh nghiệp chỉ có vài trăm công nhân, đến nay chúng tôi có hơn 3.000 công nhân và dự đoán phát triển thêm khoảng 1.000 lao động trong thời gian tới”- ông Hữu chia sẻ.

Tuy nhiên, cũng theo ông Hữu, hiện nay, địa điểm của công ty ở KCN Bình Minh, con đường phía trước công ty khi chưa được đầu tư xây dựng cũng từng gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp (hiện đang cải tạo, nâng cấp).

Do đó, để thu hút nhà đầu tư mới trong thời gian tới, nhất là các doanh nghiệp nước ngoài, không chỉ dừng lại cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh mà còn hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, tận dụng các lợi thế về vị trí, lao động và chi phí sản xuất.

Theo ông Sang, trước mắt, có một số KCN có thể tận dụng tốt lợi thế để thu hút đầu tư thứ cấp. Trong đó, KCN Đông Bình diện tích 350ha và KCN Gilimex Vĩnh Long diện tích 400ha.

Qua đó tạo quỹ đất sạch để tiến hành đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng và thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào KCN, trong đó có những nhà đầu tư trên lĩnh vực CNHT.

“Để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa trong công tác thu hút và mời gọi đầu tư, kiến nghị các bộ, ban, ngành Trung ương sớm có kế hoạch nâng cấp tuyến QL54 đoạn đường đi qua tỉnh Vĩnh Long đi qua KCN Đông Bình và KCN Gilimex Vĩnh Long”- ông Sang cho biết thêm.

Bài, ảnh: KHÁNH DUY