Đưa sản phẩm OCOP "Made in Vĩnh Long" đi xa

Cập nhật, 05:56, Thứ Hai, 31/01/2022 (GMT+7)

 

Bằng tất cả tâm huyết, niềm đam mê, anh Tài mong muốn mang sản phẩm hoàn hảo nhất đến tay người tiêu dùng.
Bằng tất cả tâm huyết, niềm đam mê, anh Tài mong muốn mang sản phẩm hoàn hảo nhất đến tay người tiêu dùng.

Chương trình OCOP không chỉ làm thay đổi tập quán của người sản xuất, tạo ra hướng đi mới cho các sản phẩm có lợi thế, tiềm năng ở nông thôn, nâng cao giá trị sản xuất mà còn góp phần khẳng định thương hiệu sản phẩm nông sản “Made in Vĩnh Long” trên thị trường.

Nét độc đáo riêng

Với nhiều tiềm năng và thế mạnh về nông sản, Vĩnh Long được đánh giá là nơi có nhiều lợi thế riêng về phát triển sản phẩm OCOP. Tỉnh đã hình thành các chuỗi giá trị nông sản, có vùng nguyên liệu tại chỗ, hệ thống các làng nghề truyền thống sẵn có. Thêm vào đó, nhiều sản phẩm nông nghiệp khởi nghiệp của tuổi trẻ Vĩnh Long đã được công nhận như: snack nấm bào ngư, tảo xoắn Mê Kông, trà khổ qua,…

Là cơ sở sản xuất tảo Spirulina đầu tiên tại Vĩnh Long đạt OCOP 3 sao, anh Văn Hữu Tài- Chủ hộ kinh doanh Tảo xoắn Mê Kông (Long Hồ) chia sẻ: Điểm đặc biệt riêng, thu hút người tiêu dùng của Tảo xoắn Mê Kông chính là sử dụng nguồn nước sông Tiền- đem lại mùi vị đặc trưng cho sản phẩm và được nuôi cấy trong môi trường nghiêm ngặt, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn và hàm lượng dinh dưỡng.

“Có thể khẳng định chất lượng tảo Spirulina được sản xuất tại Việt Nam và tại vùng đất Vĩnh Long không thua kém với những sản phẩm khác trên thế giới”- anh Tài tự hào.

Và đối với anh Tài, việc đạt chứng nhận sản phẩm OCOP như là một chứng nhận, khẳng định chất lượng, uy tín, tạo niềm tin vững chắc cho người tiêu dùng, hơn thế nữa, có thể “mở đường” giúp sản phẩm vươn xa đến nhiều thị trường trong và ngoài nước.

 

Sản phẩm OCOP Vĩnh Long dần khẳng định vị thế trên thị trường.
Sản phẩm OCOP Vĩnh Long dần khẳng định vị thế trên thị trường.

Để đạt được chứng nhận này, đòi hỏi cơ sở phải nỗ lực “vượt lên chính mình”, phải đáp ứng yêu cầu có công bố chất lượng sản phẩm, có chứng nhận sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu sản phẩm, mẫu mã, bao bì đẹp...

Để phục vụ nhu cầu trong dịp Tết Nguyên đán 2022, anh Tài cũng đã sớm lên kế hoạch sản xuất, “tút” lại sản phẩm để phục vụ nhu cầu của khách hàng. “Tôi làm mới mẫu mã, sao cho đẹp mắt hơn, sang trọng hơn, đồng thời, chia nhỏ sản phẩm để dễ tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng hơn”- anh Tài hào hứng chia sẻ.

Với phương châm “Chất lượng là hàng đầu- Khách hàng là số một” Công ty TNHH Đông Phát Food (Bình Tân) cũng đã không ngừng cải tiến, hoàn thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm và đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh.

Anh Trần Hoàng Đông- Giám đốc công ty, cho hay: “Chương trình OCOP là cơ hội tốt để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Việc này, vừa giúp nâng cao giá trị cho người sản xuất, vừa góp phần nâng cao thương hiệu, đặc sản địa phương”.

Không chỉ góp phần gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, Chương trình OCOP còn được đánh giá là một trong nhiều giải pháp khắc phục được tình trạng rủi ro về giá đối với sản xuất nông nghiệp hiện nay. Bởi, sản phẩm OCOP là đặc sản vùng miền, nét độc đáo riêng, mang tính địa phương.

Bên cạnh đó, sản phẩm OCOP là hình thức liên kết theo chuỗi giá trị ngay tại chỗ, nguyên liệu tại chỗ, chế biến tại chỗ không thông qua các khâu trung gian, chuỗi liên kết càng ngắn, càng ít tổ chức trung gian, giá trị mang lại cho người sản xuất càng cao.

Từng bước khẳng định thế mạnh thương hiệu

Đánh giá về hiệu quả Chương trình OCOP, ông Nguyễn Quốc Phong- Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp- PTNT), cho biết: Trước đây, các sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông thôn thường khó cạnh tranh với các cơ sở công nghiệp mạnh trên thị trường về bao bì sản phẩm, công nghệ, kỹ năng marketing…

Doanh nghiệp nỗ lực đầu tư, cải tiến mẫu mã, nâng chất lượng, khẳng định thương hiệu sản phẩm Vĩnh Long.
Doanh nghiệp nỗ lực đầu tư, cải tiến mẫu mã, nâng chất lượng, khẳng định thương hiệu sản phẩm Vĩnh Long.

Từ khi triển khai, Chương trình OCOP đã tạo một kênh riêng cho các sản phẩm tìm được thị trường và nâng cao kỹ năng trong sản xuất, kinh doanh. Qua đó nâng cao giá trị, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường, giúp cho các tổ chức, cá nhân chào hàng, tìm kiếm thị trường và khẳng định thế mạnh thương hiệu sản phẩm Vĩnh Long ở thị trường trong nước.

Song, bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời, cho rằng: sản phẩm OCOP của Vĩnh Long có thế mạnh và đa dạng. Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận lại rằng, dù có nhiều tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia Chương trình OCOP, nhưng quy mô, năng lực quản trị còn nhỏ và yếu, thiếu kiến thức về kinh tế thị trường và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Các chủ thể sản xuất mới chỉ tập trung vào hoàn thiện hồ sơ mà chưa quan tâm cải thiện chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực quảng bá tìm kiếm thị trường. Vì vậy, khả năng cạnh tranh của sản phẩm OCOP chưa được như mong đợi.

Theo ông Lữ Quang Ngời, để thương hiệu sản phẩm OCOP phát triển hiệu quả và bền vững và đáp ứng yêu cầu thị trường hiện nay, đòi hỏi địa phương, doanh nghiệp phải có những hướng đi mới, phát huy hiệu quả hơn nữa các tiềm năng, thế mạnh sẵn có.

Muốn sản phẩm OCOP Vĩnh Long vươn ra thị trường ngoài nước, doanh nghiệp phải chứng minh các tiêu chuẩn chất lượng bắt buộc quy định của thị trường đích; phải xây dựng được thương hiệu và bảo vệ chất lượng sản phẩm, phấn đấu nâng hạng để đạt được tiêu chuẩn chứng nhận 5 sao cấp quốc gia.

Có thể khẳng định rằng, việc phát triển sản phẩm OCOP trong thời gian qua đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trong việc phát triển sản phẩm đặc trưng chủ lực của tỉnh.

Mà trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp có lợi thế theo chuỗi giá trị, góp phần tạo động lực để các địa phương đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn. Để sản phẩm nông sản nông thôn Vĩnh Long có thể tiến xa hơn nữa, dần khẳng định vị trí trên thị trường quốc tế, thì cần phải có sự nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa của cả cộng đồng. 

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, toàn tỉnh có 49 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Cụ thể: có 13 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao; 36 sản phẩm đạt chứng nhận 3 sao. Năm 2021, tỉnh đề ra mục tiêu đánh giá và xếp hạng cho 20 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ hạng 3 sao trở lên và có ít nhất 35 tổ chức, cá nhân tham gia chương trình OCOP, được hỗ trợ xúc tiến thương mại.

Bài, ảnh: TRÀ MY