Kỳ vọng vị thế "trung tâm" khu vực ĐBSCL

Cập nhật, 15:29, Thứ Hai, 31/01/2022 (GMT+7)

 

Cầu Mỹ Thuận tạo vị thế phát triển mới cho Vĩnh Long ở khu vực ĐBSCL.
Cầu Mỹ Thuận tạo vị thế phát triển mới cho Vĩnh Long ở khu vực ĐBSCL.

Ngày 26/12/1991, tại kỳ họp lần thứ 10, Quốc hội khóa VIII đã ban hành Nghị quyết tách tỉnh Cửu Long thành 2 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh, do nhu cầu lãnh đạo và quản lý xã hội, phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, theo kiến nghị của Hội đồng nhân dân tỉnh Cửu Long.

Sau 30 năm tái lập tỉnh, từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ V (nhiệm kỳ 1991- 1995) đến Đại hội XI (nhiệm kỳ 2020- 2025) Đảng và Nhân dân tỉnh Vĩnh Long đề ra những quyết sách, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội phù hợp thực tiễn từng thời kỳ, để từng bước vực dậy nền kinh tế, hướng đến phát triển nhanh và bền vững.

Hành trình trở thành tỉnh khá khu vực ĐBSCL

Theo lịch sử Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long (1930- 2010), tỉnh Vĩnh Long khi tái lập có 6 đơn vị hành chính, gồm 5 huyện và 1 thị xã. Tỉnh Vĩnh Long chính thức đi vào hoạt động từ ngày 5/5/1992. Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ V (nhiệm kỳ 1991-1995) đề ra mục tiêu tổng quát là: Tiếp tục củng cố và giữ vững ổn định về mọi mặt, tập trung sức thực hiện trọng tâm phát triển kinh tế- xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho bước sau phát triển nhanh hơn.

Ở giai đoạn này, tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Vĩnh Long đã vận dụng các chủ trương, chính sách một cách sáng tạo, phù hợp với thực tiễn của địa phương.

Ông Trương Văn Sáu- nguyên Bí thư Tỉnh ủy, cho biết: “Sau khi tái lập tỉnh năm 1992, Vĩnh Long ra sức xây dựng các công trình thủy lợi, phát triển hạ tầng nông thôn, nâng cấp đường sá.

Ngay sau khi bắt tay kiến thiết xây dựng quê hương, lãnh đạo tỉnh sớm định hướng phát triển kinh tế của tỉnh Vĩnh Long lấy nông nghiệp làm nền tảng, đồng thời phải chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp- dịch vụ, tạo công ăn việc làm, giúp người dân khá lên”.

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI đã đề ra mục tiêu tổng quát đến năm 2010: “Vĩnh Long ra sức đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trước nhất là công nghiệp hóa nông nghiệp và xây dựng nông thôn”.

Sự kiện thông xe cầu Mỹ Thuận vào tháng 5/2000 mở ra cơ hội mới và tạo thế tăng tốc đột phá cho nền kinh tế. Theo ông Trương Văn Sáu, giai đoạn 2001- 2010 có thể coi là giai đoạn phát triển các khu- tuyến công nghiệp và cơ cấu kinh tế có sự chuyển biến rất rõ nét.

Thực hiện Nghị quyết Đảng bộ tỉnh khóa IX, Vĩnh Long đã có sự phát triển cơ bản toàn diện, vươn lên đạt tỉnh trung bình khá trong khu vực ĐBSCL.

Sự đổi mới trong quản lý, điều hành của lãnh đạo tỉnh đã tạo chuyển biến lớn, hiệu ứng tích cực trong thu hút đầu tư và hoạt động của doanh nghiệp. Thời gian này, bên cạnh khu công nghiệp “kiểu mẫu” Hòa Phú đã định hình, Khu công nghiệp Bình Minh, Tuyến công nghiệp Cổ Chiên càng sôi động… tạo sức bật quan trọng tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống người dân.

Ngành công nghiệp của Vĩnh Long đã hình thành một số ngành có lợi thế so sánh.
Ngành công nghiệp của Vĩnh Long đã hình thành một số ngành có lợi thế so sánh.

Những cánh đồng mẫu lớn mở ra hướng sản xuất liên kết bền vững. Hướng đến liên kết sản xuất nông nghiệp hàng hóa, dần hình thành vùng sản xuất chuyên canh có hiệu quả kinh tế cao...

Ông Nguyễn Văn Quang- nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, nhận định: Với sự đổi mới trong tư duy, sự năng động, trách nhiệm của lãnh đạo các cấp cùng với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tỉnh Vĩnh Long đã cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút nguồn lực của các thành phần và khu vực kinh tế. Đồng thời, bảo đảm hoạt động của kinh tế tư nhân cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng theo cơ chế thị trường.

Từ những bước chuyển mình, đổi mới toàn diện, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đánh giá: Vĩnh Long đã hoàn thành mục tiêu- trở thành tỉnh khá trong khu vực ĐBSCL. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 5 năm ước đạt 4,9%.

Quy mô nền kinh tế không ngừng được mở rộng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội được đầu tư ngày càng hoàn thiện, đặc biệt là phát triển hệ thống đô thị, giao thông nông thôn. Hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới trước 2 năm so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội.

Hướng đến phát triển bền vững

Cùng kết quả phát triển kinh tế- xã hội tích cực, việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tạo động lực cho sự phát triển của doanh nghiệp và hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Năng lực cạnh tranh của tỉnh không ngừng được cải thiện; chỉ số PCI giai đoạn 2016- 2020 được xếp vào nhóm 10 tỉnh- thành đứng đầu cả nước.

Đô thị Vĩnh Long ngày xuân về.
Đô thị Vĩnh Long ngày xuân về.

Là một trong những doanh nghiệp tiêu biểu của tỉnh, ông Nguyễn Văn Thành- Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất- Thương mại Phước Thành IV cho biết từ tháng 1/2019, công ty đã được Bộ Công thương cấp phép xuất khẩu gạo trực tiếp.

Đây là điều kiện giúp sản phẩm gạo thương hiệu Phước Thành IV của Vĩnh Long mở rộng thị trường ngoài nước. Hơn nữa, với việc tạo môi trường thuận lợi, Vĩnh Long đã góp phần giúp doanh nghiệp hoạt động ổn định và phát triển bền vững.

Ngày 31/12/2020, Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới”.

Đây là sự ghi nhận và biểu dương xứng đáng đối với những đóng góp to lớn của “ý chí, nỗ lực vươn lên của tập thể” đơn vị và cũng là sự kiện làm nức lòng cộng đồng doanh nghiệp; được Đảng bộ, chính quyền và người dân trong tỉnh đánh giá cao.

Có thể nói, đây cũng chính là đơn vị điển hình cho tinh thần lao động sáng tạo, chủ động của cộng đồng doanh nghiệp Vĩnh Long luôn vượt khó, biến thách thức thành cơ hội.

Phát huy thành quả đạt được và hướng đến tương lai, ông Lữ Quang Ngời- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh- cho rằng: Vĩnh Long xác định động lực phát triển giai đoạn 2021- 2025 tập trung vào các lĩnh vực trọng điểm, trong đó kỳ vọng vị thế trung tâm khu vực ở một số lĩnh vực.

“Tôi cho rằng, để phát triển bền vững, tỉnh cần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh, môi trường xanh- sạch; định hướng Vĩnh Long thành trung tâm chuyển giao công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp, trung tâm cung cấp giống có uy tín của vùng ĐBSCL; hướng Vĩnh Long thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng ĐBSCL và cả nước.

Hơn nữa, phấn đấu để Vĩnh Long là tuyến điểm quan trọng trong bản đồ du lịch Việt Nam; thúc đẩy Vĩnh Long thành tỉnh có mức độ ứng dụng công nghệ 4.0 hàng đầu tại vùng ĐBSCL. Chúng ta cũng có thể kỳ vọng Vĩnh Long là một trong những tỉnh- thành có năng suất các yếu tố tổng hợp - TFP cao nhất vùng”- ông Lữ Quang Ngời nhấn mạnh.

Với định hướng tiếp tục thực hiện cơ cấu kinh tế “Nông nghiệp; công nghiệp- xây dựng và thương mại- dịch vụ”, Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh đề ra 3 khâu đột phá giai đoạn 2020- 2025 là: Phát triển nguồn nhân lực; đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội và đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư.

Giai đoạn 2016- 2020, các đô thị của tỉnh cơ bản phát triển đúng theo định hướng, trong đó TP Vĩnh Long và TX Bình Minh đang phát huy tốt vai trò động lực phát triển cho kinh tế- xã hội của tỉnh. Năm 2020, TP Vĩnh Long đạt đô thị loại II, TX Bình Minh đạt đô thị loại III.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC