Nhà vườn trồng vú sữa trúng mùa, được giá

Cập nhật, 20:16, Thứ Bảy, 26/01/2013 (GMT+7)

Trái vú sữa đang vào chính vụ nhưng giá vẫn ở mức khá cao và cao hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 10 ngàn đồng/kg. Nhà vườn trồng vú sữa vô cùng phấn khởi bởi trúng mùa, được giá, lợi nhuận từ trồng vú sữa mỗi năm lên tới hàng trăm triệu đồng/hecta.

Giá vú sữa cao hơn mọi năm

Năm nay, do nhuận thêm 1 tháng (tính theo âm lịch) nên hiện nay vú sữa đang vào vụ thu hoạch rộ, sớm hơn so với thời điểm sau tết của các năm trước. Tuy vậy, giá vú sữa chính vụ lại đang khá tốt và cao hơn so với mọi năm nên người trồng vú có lợi nhuận khá cao.


Nông dân trồng vú sữa phấn khởi vì được mùa lẫn giá.


Ông Nguyễn Văn Ngàn- Chủ nhiệm HTX Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (Tiền Giang) cho biết, thời điểm này vú sữa Lò Rèn đang có mức giá cao hơn 10 ngàn đồng/kg so với mọi năm.

Hiện vú sữa loại I (màu sắc bóng đẹp, trọng lượng 300- 320 g/trái) được HTX thu mua với giá 60 ngàn đồng/kg, vú sữa loại 2 (trọng lượng 250- 290 g/trái) giá 45 ngàn đồng/kg, các trái vú sữa còn lại (không bị sâu) được thu mua với giá 28 ngàn đồng/kg.

Theo ông Ngàn, thương lái thu mua vú sữa trên thị trường đang tiến hành thu gom vú sữa tại vườn của nông dân với giá 70 ngàn đồng/kg đối với vú sữa loại I, cao hơn khoảng 10 ngàn đồng/kg so với bán cho HTX.

Tuy nhiên, các thương lái này chọn lựa vú sữa rất khắt khe và chỉ thu mua vú sữa loại I với tỷ lệ trái đạt rất thấp. Trong khi đó, HTX thu mua toàn bộ vú sữa của người dân để cung cấp cho thị trường nội địa.

Ông Lê Công Sang, nông dân trồng vú sữa ở xã Vĩnh Kim cho biết, hàng năm, vú sữa bắt đầu cho trái từ tháng 11 đến tháng 2 âm lịch năm sau và cao điểm thu hoạch khi qua Tết Nguyên đán.

Vú sữa nghịch mùa thường không cho trái nhiều, trái cũng không có giá trị do bị sượng, không ngon nên ít nhà vườn nghĩ tới chuyện tạo trái mùa nghịch.

Vào thời điểm “đầu mùa”, vú sữa có giá “không tưởng” tới 50 ngàn đồng/trái vú sữa loại I, tính ra tới 150 ngàn đồng/kg. Một số vườn vú sữa có trái chín sớm dù số lượng không nhiều nhưng nhờ giá cao nên nông dân cũng có khoản thu nhập đáng kể.

Nhiều nông dần trồng vú sữa Lò Rèn ở huyện Châu Thành cho biết, năng suất vú sữa Lò Rèn trong khu vực dao động trong khoảng 12- 14 tấn/ha. Với giá bán hiện nay, sau khi trừ chi phí sản xuất như: phân bón, thuốc trừ sâu, công chăm sóc,… nông dân trồng vú sữa thu lời từ 100- 250 triệu đồng/ha (tùy theo kỹ thuật chăm sóc và chất lượng của vườn vú sữa).

Nhà vườn phấn khởi

Vụ vú sữa chính vụ năm nay, vú sữa cho trái chín sớm, sản lượng cao và trúng vào thời điểm chưng mâm ngũ quả trong những ngày tết nên nhu cầu tiêu thụ và giá cả tăng cao. Vì vậy, có thể nói người trồng vú sữa năm nay “trúng mùa được giá” và hứa hẹn có cái Tết cổ truyền đầm ấm, sung túc.

Ông Võ Văn Nam, nông dân trồng vú sữa ở xã Vĩnh Kim cho biết, với giá vú sữa cao như hiện nay, vườn vú sữa Lò Rèn hơn 1ha với khoảng 80 cây vú sữa dự kiến cho thu nhập trên 240 triệu đồng, cao hơn nhiều so với mức 170 triệu đồng của năm ngoái. “Năm nay, người trồng vú sữa gặp nhiều thuận lợi từ năng suất, chất lượng cho tới giá cả. Do đó, nông dân trồng vú sữa tụi tui vô cùng phấn khởi. Đặc biệt, Tết Nguyên đán cũng đến gần, “trúng mùa, được giá” thời điểm này thì còn gì bằng, bởi nông dân có tiền để mua sắm, giúp gia đình có cái tết vui vầy, ấm áp và sung túc”- ông Nam phấn khởi nói.

Ông Phạm Ngọc Lộc- một nông dân có truyền thống trồng vú sữa Lò Rèn có cây vú sữa gần 60 năm tuổi ở xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành (Tiền Giang) cho biết: Cây vú sữa dễ trồng nhưng phụ thuộc vào nguồn nước, chủ yếu là nơi có thủy triều ngọt lên xuống thì trồng được cây vú sữa. Điều đặc biệt là cây vú sữa có trái rất đúng chu kỳ, không thể bón thúc xử lý cây cho trái nghịch vụ được, bởi nếu có bón thúc thì trái vú sữa thường bị sượng, không đạt chất lượng, hơn nữa cây sẽ giảm tuổi thọ. Theo ông, vú sữa Lò Rèn gồm có 3 loại: vú sữa xanh, vú sữa trắng, vú sữa hột gà; trong đó loại có màu trắng và màu hột gà được khách hàng ưa chuộng hơn. Còn thương hiệu vú sữa Lò Rèn xuất phát từ câu chuyện có ông chủ Lò Rèn xin được một nhánh vú sữa không biết ở đâu đem về trồng và cho trái rất ngon. Nhiều người ở Vĩnh Kim biết tiếng, xin giống về trồng khắp làng nên có tiếng vú sữa Lò Rèn từ thời điểm đó.

Thị trường ưa chuộng

Do mang lại hiệu quả kinh tế cao, những năm gần đây diện tích trồng vú sữa đã phát triển mạnh tại Tiền Giang, nhất là tại huyện Châu Thành dẫn đến sản lượng trái cung cấp cho thị trường ngày càng tăng.

Theo ông Huỳnh Hữu Hòa- Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Châu Thành, hiện nay, diện tích vú sữa của huyện Châu Thành gần 3.200ha. Trong thời gian tới, diện tích loại cây ăn trái này sẽ tiếp tục phát triển do Huyện ủy có nghị quyết về phát triển cây vú sữa từ nay đến năm 2015 và định hướng tới 2020 phải xây dựng vùng chuyên canh vú sữa lên 5.000ha.

Tuy nhiên, vú sữa rất được thị trường ưa chuộng, không sợ dội chợ, cứ tới mùa thu hoạch là thương lái kéo nhau về xứ sở của cây vú sữa Lò Rèn để đặt cọc trước, hoặc đến mua trực tiếp tại chợ Giữa (Vĩnh Kim, huyện Châu Thành) để chở đi tiêu thụ tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh thành khác cả ngày lẫn đêm.

Một số thương lái thu mua vú sữa ở chợ trái cây Vĩnh Kim cho biết, việc tiêu thụ vú sữa ở Vĩnh Kim diễn ra nhộn nhịp về chiều và đêm do buổi sáng nhà vườn từ các xã lân cận như: Long Hưng, Song Thuận, Bàn Long, Dưỡng Điềm, Hữu Đạo, … mới hái xong trái và vận chuyển ra vựa thu mua. Sau thu mua, chủ vựa phải mất cả buối trưa, có khi đến xế chiều mới phân loại, lau trái, đóng thùng xong. Sau đó, xe tải mới bắt đầu “ăn hàng” đến khuya hoặc cả đêm.

Hiện nay, vú sữa cũng được trồng tại nhiều tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL như: Đồng Tháp, Bến Tre, Cần Thơ..., trong đó Tiền Giang là tỉnh trồng nhiều nhất. Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Châu Thành, vú sữa được xác định là một trong 7 loại cây ăn trái chủ lực của tỉnh Tiền Giang, trong đó vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim đã được tỉnh đăng ký bảo hộ độc quyền chỉ dẫn địa lý. Hiện vú sữa Lò Rèn đang được trồng tại vùng chuyên canh thuộc 13 xã phía Nam huyện Châu Thành, trong đó có 55,5ha vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim đã được cấp chứng nhận GlobalGAP.

Bài, ảnh: THÀNH CÔNG (Tiền Giang)