Mua sắm tết: “Liệu cơm gắp mắm”!

Cập nhật, 10:40, Thứ Năm, 17/01/2013 (GMT+7)

Tết đến, ngoài niềm hân hoan được nghỉ ngơi, vui chơi, sum họp gia đình thì việc mua sắm tết, lễ nghĩa với ông bà cha mẹ đang làm đau đầu chị em phụ nữ, nhất là trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay. Chúng ta cùng gặp gỡ một số chị em để nghe họ chia sẻ tết này họ dự định sẽ chi tiêu như thế nào.

Chị Hải Đăng (32 tuổi), bà mẹ trẻ 2 con chia sẻ, tết năm nay, gia đình nhỏ của chị có thêm thành viên mới là cô công chúa nhỏ 7 tháng tuổi nên năm nay khoản chi mua quần áo tết sẽ tăng thêm, vị chi tiền mua sắm quần áo mới cho vợ chồng chị và 2 con nhỏ khoảng 5 triệu đồng.

Người tiêu dùng cần lên kế hoạch mua sắm tết cụ thể và hợp lý.


Vì thường về quê ngoại và nội ăn tết nên nhà riêng chị không phải mua sắm nhiều, chỉ chưng ít trái cây, bánh mứt và bình hoa là đủ, thêm vài món để sẵn trong tủ lạnh để phòng khi có khách đến chơi nhà.

Chị sẽ tốn khoản tiền mua quà biếu gia đình chồng và bố mẹ ruột, rồi tiền lì xì mừng tuổi ông bà, các cháu. Tất cả các khoản chi tết của gia đình chị khoảng 12 triệu đồng.

Chị Ngọc Liên (45 tuổi, nội trợ) cho biết, vì gia đình chỉ có khoản thu nhập từ ông xã nên tết đến gia đình chị cũng chi tiêu khá tiết kiệm, chỉ mua sắm những thứ thật cần thiết.

Vợ chồng chị thì chỉ một bộ đồ mới diện ngày mùng 1 là đủ, còn lại lo cho 2 con mỗi đứa cũng phải 2- 3 bộ.

Về phía gia đình chồng và nhà mẹ ruột, mỗi bên chị biếu một ít tiền để gia đình tự mua sắm tùy vào khả năng thu nhập mỗi năm. Thế nhưng tính toán sơ sơ cũng phải chi khoảng 10 triệu đồng.

Hoàng Khanh (22 tuổi, nhân viên marketing) tâm sự, vì chưa có gia đình riêng nên tết Khanh sẽ “hùn” phân nửa tiền với mẹ để sắm sửa ngày tết, chỉ 3 triệu đồng là được, phần còn lại là dành sắm sửa cho bản thân như: quần áo, giày dép, quà biếu, tiền lì xì…, tất cả chừng 8 triệu đồng cho một cái tết.

Chị Quỳnh Chi (35 tuổi) chia sẻ thêm, lúc trước còn trẻ nên ham tết chứ bây giờ lập gia đình rồi có con cái nên… hết ham.

Chị tính đủ thứ chi phí lễ nghĩa phải thực hiện, tết đến phải mua đồ mới cho con trai, rồi vợ chồng cũng phải có bộ đồ mới đi chúc tết họ hàng. Vì cả hai đều đi làm việc nên tết cũng phải có khoản chi mua quà biếu cho bạn bè đồng nghiệp.

Mệt nhất là khoản lì xì cho mấy đứa cháu vì cả cháu bên anh và bên chị cộng lại cũng hơn 20 đứa. Rồi còn sắm sửa bánh mứt, thức ăn ngày tết trong nhà, tiền biếu tết hai bên gia đình nội ngoại. Đủ thứ khoản chi phải làm trong khi thu nhập cuối năm hiện nay cũng rất èo uột.

Năm nay, chị dự định sẽ tiết kiệm tối đa các khoản, chỉ tiêu xài những thứ thật cần thiết. Năm ngoái chị tốn hơn 15 triệu đồng cho 3 ngày tết, nhưng tết này chị quyết tâm tiết kiệm, gói gọn trong 12 triệu đồng.

Mua sắm tết là chuyện phải làm hàng năm, tết cũng là dịp để con cháu tỏ lòng hiếu thảo với ông bà cha mẹ. Nhưng chi bao nhiêu phải cho thật phù hợp với kinh tế của gia đình để khi “3 ngày xuân” qua đi không phải lâm vào cảnh “4 ngày xẹp”.

Để không bị cháy túi, các chị em nên nắm chắc những khoản thu cố định, lên danh sách những thứ cần mua sắm cuối năm, những khoản chi tiêu thật cần thiết và điều nên làm là khi mua sắm chỉ mang theo khoản tiền vừa hợp với những thứ cần mua, tránh lóa mắt trước những mặt hàng giảm giá cuối năm không thật sự cần thiết.

Chi xài tết có thể từ khoảng 5- 10 triệu đồng hoặc ít hơn, nhiều hơn nữa là tùy theo hoàn cảnh khả năng mỗi người, mỗi gia đình. “Liệu cơm gắp mắm” trước thời buổi khó khăn hiện nay là việc nên cân nhắc.

Bài, ảnh: HẢI YẾN