Giải pháp công nghệ cho các công trình hạ tầng và đô thị vùng ĐBSCL

Cập nhật, 22:25, Thứ Tư, 22/05/2024 (GMT+7)
Phát triển đô thị vùng ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Phát triển đô thị vùng ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Tại hội thảo “Giải pháp cấp thiết bảo vệ vùng ĐBSCL” vừa được tổ chức tại TP Cần Thơ, GS.TS Ngô Đức Tuấn- ĐH Melbourne (Úc) trình bày tham luận trực tuyến “Giải pháp công nghệ xây dựng cho các công trình cơ sở hạ tầng và đô thị ứng phó biến đổi khí hậu”, trong đó ông giới thiệu những công nghệ thành công ở Úc có thể áp dụng ở ĐBSCL. Tham luận thu hút sự chú ý trong bối cảnh phát triển đô thị của vùng cần kiến tạo đặc biệt để thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Bộ GT-VT cho biết, để thực hiện các quy hoạch ngành, việc đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL cần tới 391.200 tỷ đồng, tập trung các dự án trọng điểm, liên kết vùng. 
 
ĐBSCL hiện có 211 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa của vùng là 32%. Mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa của vùng đạt khoảng 42-48%. Để phát triển đô thị vùng ĐBSCL cần kiến tạo đặc biệt để thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Tuy nhiên, trữ lượng cát san lấp hiện tại chỉ còn khoảng 37 triệu m3, đáp ứng khoảng 77% nhu cầu. Trong khi đó, thời gian tới, các dự án cao tốc sẽ triển khai đồng loạt, nhu cầu vật liệu cát là rất lớn, lên đến khoảng 47,8 triệu m3. Trong đó, năm 2024 cần khoảng 28,4 triệu m3 cát. Như vậy, việc tìm giải pháp thay thế cát là vấn đề nóng. 
 
Chia sẻ về các bài học và những công trình đã làm ở Úc, GS.TS Ngô Đức Tuấn nói, trong vòng 10 năm gần đây có rất nhiều nỗ lực và những hỗ trợ của Chính phủ Úc trong phát triển kinh tế tuần hoàn, trong đó là việc sử dụng các phế thải. “Chúng ta nghĩ phế thải là khó để giải quyết, phải vứt đi nhưng nếu chúng ta có những công nghệ tốt thì có thể sử dụng và còn giúp tăng giá trị như: phế thải kính, phế thải xây dựng, lốp xe…”.
 
Ông Tuấn dẫn chứng thực tế một số công trình thành công ở Úc như: sử dụng phế thải kính thành cát xây dựng để xây dựng kết cấu hạ tầng đường giao thông, các khu đô thị trong việc san lấp hoặc sản xuất bê tông; tái sử dụng phế thải lốp xe thành sản phẩm bảo vệ đường (thành dải phân cách thay thế bê tông trên đường cao tốc, tăng cường khả năng chịu va đập)…
 
Theo thống kê, ở Úc có 30 triệu tấn phế thải xây dựng hàng năm; còn ở Việt Nam ước lượng khoảng 80 triệu tấn/năm, rất nhiều phế thải này có thể tái sử dụng, trở thành nguồn cung cấp thay thế cát. 
 
GS.TS Ngô Đức Tuấn cũng giới thiệu công nghệ bê tông xanh sử dụng cát và nước nhiễm mặn cho các công trình xây dựng. Theo ông Tuấn, tình trạng nhiễm mặn gây hư hỏng, ảnh hưởng đến tuổi thọ các công trình, đặc biệt là các công trình bê tông. Theo các nghiên cứu, có thể gây kéo giảm tuổi thọ công trình từ 20-30 năm xuống còn 5-10 năm... Do đó, cần có những giải pháp bê tông mới.
 
“Chúng tôi đã làm rất nhiều những nghiên cứu, thay vì bê tông truyền thống thì công nghệ bê tông geopolymer có thể sử dụng những phế thải như tro bay hoặc xỉ lò cao… để tăng cường độ chống chịu, nhiễm mặn; thậm chí có thể sử dụng được cát nhiễm mặn, cát biển, nước nhiễm mặn để sản xuất các bê tông này. Những công nghệ mới như vậy rất phù hợp cho các công trình thủy lợi, các hồ chứa, những nơi tiếp xúc rất nhiều với nước mặn”. 
 
Bên cạnh, ông Tuấn giới thiệu một số công nghệ sản xuất các vật liệu xây dựng, các hệ thống để thi công nhanh… phục vụ xây dựng kết cấu hạ tầng ĐBSCL, các công trình như nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân… vùng ĐBSCL.
 
Ông cho biết, đây là những công nghệ chúng tôi đã sử dụng khá nhiều và thành công ở Úc, có thể thi công lắp ghép trong nhà máy, có thể lắp cả một chung cư trong vòng chưa đến 2 tuần...
 
Và một số công nghệ khá mới về sử dụng máy quan trắc, ảnh viễn thám để phân tích đánh giá ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, phân tích độ chống chịu của các công trình xây dựng. Những công nghệ về đánh giá này có thể biến đổi để có thể sử dụng được ở Việt Nam, giúp các nhà quản lý đô thị và chính quyền có thể phân cấp để xem các công trình nào cần có sự quan tâm hơn về góc độ quản lý nhà nước.
 
Thậm chí sử dụng các công nghệ này kết hợp với trí tuệ nhân tạo để có thể đánh giá sử dụng, phát triển điện mặt trời như thế nào trong cùng các khu vực. Ngoài ra, các công nghệ nào phù hợp cho việc chống chịu ngập mặn hoặc ngập? Chúng tôi có những công trình rất thành công ở Úc. Đây là công nghệ sử dụng vật liệu rất nhẹ, thậm chí là với các độ ngập khác nhau thì cư dân vẫn có thể sinh hoạt được bình thường. Ông cho rằng những công nghệ này có thể cân nhắc để áp dụng ở Việt Nam. 
 
GS.TS Ngô Đức Tuấn kiến nghị ngành chức năng cần phối hợp với các tỉnh và doanh nghiệp để tìm hiểu kỹ hiện trạng và nghiên cứu các giải pháp tìm nguồn cát thay thế từ: cát biển, phế thải xây dựng và các loại phế thải khác. Bên cạnh, nghiên cứu và chuyển giao các công nghệ vật liệu mới để giảm phát thải, tăng tính chống chịu thiên tai; công nghệ xây dựng mới giá thành thấp để xây dựng nhà ở và kết cấu hạ tầng cho các tỉnh ĐBSCL.
PGS.TS Nguyễn Hồng Quân- Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh tế tuần hoàn (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, ĐBSCL có tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế tuần hoàn, như tận dụng phụ phế phẩm từ tôm, cá tra, lúa, cây ăn quả; tận dụng các nguồn đầu vào, chất thải. Ông khuyến nghị cần thiết lồng ghép kinh tế tuần hoàn (tính liên vùng, liên ngành, liên lĩnh vực cao) vào kế hoạch, quy hoạch vùng/địa phương; tiếp tục phát triển các công nghệ chế biến, tạo các sản phẩm cấp cao hơn; xây dựng chương trình hợp tác phát triển kinh tế tuần hoàn với các địa phương lân cận và đặc biệt TP Hồ Chí Minh…
Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN
 
 
 
 
Các tin khác: