Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa

Cập nhật, 12:59, Thứ Bảy, 03/06/2023 (GMT+7)
Lãnh đạo Sở KH-CN và Viện Nghiên cứu phát triển tiêu chuẩn chất lượng trao giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho doanh nghiệp Vĩnh Long.
Lãnh đạo Sở KH-CN và Viện Nghiên cứu phát triển tiêu chuẩn chất lượng trao giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho doanh nghiệp Vĩnh Long.

(VLO) Thời gian qua, Sở KH-CN đã hỗ trợ nhiều cơ sở, doanh nghiệp xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến nâng cao năng suất, chất lượng.

Hoạt động này góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương.

Thực hiện Quyết định số 1655/QĐ-UBND ngày 3/8/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt dự án nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2016-2020, tỉnh Vĩnh Long đã hỗ trợ 90 cơ sở, doanh nghiệp xây dựng, áp dụng hoặc áp dụng tích hợp các hệ thống quản lý, các công cụ cải tiến nâng cao năng suất, chất lượng, thực hiện chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, tham gia Giải thưởng Chất lượng quốc gia; xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, đánh giá sản xuất sạch hơn,... với tổng kinh phí trên 9,1 tỷ đồng.

Qua đó, góp phần tạo bước chuyển biến về năng suất và chất lượng của các sản phẩm, hàng hóa, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu.

Theo ông Nguyễn Văn Tùng- Giám đốc Sở KH-CN, việc xây dựng, áp dụng một hệ thống quản lý thực chất là doanh nghiệp thực hiện việc thiết lập, áp dụng, duy trì và cải tiến liên tục hệ thống quản lý chất lượng, bao gồm các quá trình cần thiết phù hợp với các yêu cầu của tiêu chuẩn tương ứng, như TCVN ISO 9001, ISO 22000,...

Kết quả đánh giá chứng nhận là sự xác nhận của bên thứ 3 về sự phù hợp của hệ thống quản lý theo yêu cầu của từng tiêu chuẩn tương ứng, là bằng chứng khách quan để doanh nghiệp cung cấp cho khách hàng, đối tác, cơ quan quản lý về sự phù hợp của hệ thống quản lý tại doanh nghiệp, đảm bảo các nguồn lực (về con người, máy móc trang thiết bị, nhà xưởng, nguyên vật liệu, năng lượng,...).

Ông La Văn Toàn- Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu phát triển tiêu chuẩn chất lượng, cho biết các doanh nghiệp tham gia và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng sẽ giúp doanh nghiệp củng cố, nâng cao hình ảnh, uy tín đối với khách hàng; hiệu quả làm việc được cải thiện; thúc đẩy người lao động cố gắng và có tinh thần trách nhiệm trong công việc; phát huy nâng cao sức mạnh tập thể.

Cùng với đó, hạn chế tối đa sai sót phát sinh trong quá trình giải quyết công việc; nhân viên mới dễ dàng tiếp nhận công việc; giảm rủi ro đối với nguồn nguyên liệu đầu vào; đồng thời có thêm nhiều cơ hội kinh doanh phát triển…

Vừa được Sở KH-CN hỗ trợ áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng như: Hệ thống quản lý chất lượng- các yêu cầu ISO 9001; hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000; hệ thống phân tích các mối nguy và kiểm soát tới hạn HACCP… ông Nguyễn Văn Đức- Giám đốc Công ty CP Rau quả Bình Minh, cho biết các hệ thống này là một trong những công cụ để quản lý tốt các nguồn lực, tạo ra sản phẩm, dịch vụ có chất lượng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của đối tác kinh doanh với giá thành phù hợp, từng bước nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng, dịch vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường, nhất là trong bối cảnh phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh sau đại dịch COVID-19.

“Là 1 trong 8 doanh nghiệp được Viện Nghiên cứu phát triển tiêu chuẩn chất lượng đánh giá và cấp giấy chứng nhận.

Có thể nói đây là một bằng chứng khách quan để chúng tôi công bố với người tiêu dùng, đối tác kinh doanh về sự phù hợp của hệ thống quản lý chất lượng phù hợp theo yêu cầu tiêu chuẩn, giúp chúng tôi tự tin hơn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, thực hiện tốt trách nhiệm đối với xã hội và cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế tại địa phương”- ông Nguyễn Văn Đức chia sẻ.

Tiếp tục thực hiện chương trình giai đoạn 2021-2025, ông Nguyễn Văn Tùng mong muốn doanh nghiệp đã được hỗ trợ tiếp tục phát huy kết quả đạt được, thường xuyên duy trì, cải tiến hệ thống quản lý chất lượng đã xây dựng, áp dụng và thường xuyên cải tiến chất lượng sản phẩm để đưa sản phẩm vươn xa hơn nữa trên thị trường.

Đặc biệt là các doanh nghiệp có sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm chủ lực của tỉnh, thông qua việc hỗ trợ của chương trình để nâng cao hơn nữa năng lực quản lý, nâng cao năng suất và chất lượng của sản phẩm hàng hóa, phát triển thương hiệu và trở thành thương hiệu mạnh của tỉnh trong thời gian tới.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ