Nâng cao hiệu quả công tác giải quyết kiến nghị cử tri

Cập nhật, 08:23, Thứ Năm, 03/08/2023 (GMT+7)

 

Kiến nghị về nông nghiệp, phát triển nông thôn của cử tri được HĐND tỉnh, chính quyền địa phương khảo sát kết quả giải quyết. Trong ảnh: Khảo sát tiến độ thực hiện kè sông Măng Thít.
Kiến nghị về nông nghiệp, phát triển nông thôn của cử tri được HĐND tỉnh, chính quyền địa phương khảo sát kết quả giải quyết. Trong ảnh: Khảo sát tiến độ thực hiện kè sông Măng Thít.

Lắng nghe, giải quyết kịp thời, hiệu quả các ý kiến, kiến nghị của cử tri luôn được tỉnh quan tâm thực hiện thời gian qua. Tăng cường giám sát việc trả lời, giải quyết của cơ quan có thẩm quyền đối với những vấn đề cử tri đã kiến nghị, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh vừa thực hiện khảo sát, giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri trên lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Nỗ lực giải quyết các kiến nghị của cử tri

Việc tiếp nhận, giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trước và sau kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh khóa X đã được UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp-PTNT, địa phương và các đơn vị liên quan triển khai giải quyết, trả lời đầy đủ những vấn đề cử tri quan tâm kiến nghị. Theo đó, Sở Nông nghiệp-PTNT đã tiếp nhận và trả lời đối với 41/41 ý kiến, kiến nghị trên lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Ông Văn Hữu Huệ- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, cho biết: “Mặc dù còn khó khăn về nguồn nhân lực nhưng ngành nông nghiệp đã có nhiều cố gắng để thực hiện giải quyết các ý kiến cử tri trong hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an toàn thực phẩm, giải quyết các vấn đề bức xúc của người dân trong cung cấp nước sạch nông thôn, xây dựng, sửa chữa các công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai; góp phần xây dựng NTM, đảm bảo an sinh xã hội, đáp ứng một phần nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân”.

Kết quả thực hiện, có 29/41 kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền của sở đã được tiếp thu, trả lời và giải quyết; còn 12 ý kiến, kiến nghị đang và chờ giải quyết.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh- Lê Thị Lệ Uyên nhận định, nội dung văn bản, giải quyết, trả lời cơ bản tập trung vào những vấn đề trọng tâm mà cử tri quan tâm. Đối với những kiến nghị tỉnh chưa đủ nguồn lực, kinh phí để đầu tư, giải quyết cũng đã nêu rõ những khó khăn để cử tri hiểu, chia sẻ, xác định rõ trách nhiệm phối hợp trong giải quyết nên được cử tri ghi nhận, đánh giá cao.

Còn khó khăn, hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tiếp thu, giải quyết các kiến nghị vẫn còn một số hạn chế, khó khăn. Theo đó, đa số kiến nghị của cử tri liên quan đến đầu tư, nâng cấp phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi, nước sạch… là những kiến nghị cần có thời gian, nguồn lực, lộ trình cụ thể theo khả năng ngân sách địa phương.

Nhưng việc xem xét, giải quyết, trả lời kiến nghị chỉ được thực hiện trong một khoảng thời gian ngắn nên chất lượng giải quyết, trả lời ở một vài nội dung chưa đáp ứng kỳ vọng của nhân dân.

Một số nội dung trả lời chưa thể hiện cụ thể tình hình về công tác kiểm tra thực trạng vấn đề cử tri nêu, xác định mức độ ảnh hưởng, tính cấp thiết và phương án lộ trình, thời gian giải quyết để cử tri theo dõi, giám sát. Do đó, xảy ra tình trạng kiến nghị lặp đi lặp lại nhiều lần.

Theo đó, tại buổi khảo sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, UBND huyện Vũng Liêm đã kiến nghị Sở Nông nghiệp-PTNT tiếp tục theo dõi, kiểm tra, đôn đốc đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thi công công trình đê bao sông Măng Thít.

Theo ghi nhận tại các hội nghị tiếp xúc cử tri trong mốc thời gian khảo sát, cử tri xã Tân An Luông (Vũng Liêm) đề nghị “sớm hoàn thành bờ kè sông Măng Thít để nhân dân ổn định sinh hoạt vì thi công thời gian quá lâu”.

Cùng kiến nghị sớm thi công hoàn thiện công trình đê bao, cử tri xã Quới An (Vũng Liêm) phản ánh “còn nhiều chỗ chưa lấp đất; việc rải đá mặt đê nhiều chỗ không đều gây khó khăn cho nhân dân tham gia giao thông”.

Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa Sở Nông nghiệp-PTNT và địa phương đôi lúc chưa chặt chẽ, kịp thời nên một số kiến nghị của cử tri chưa được giải quyết thấu đáo. Trách nhiệm quản lý nhà nước và công tác phối hợp giữa ngành và lĩnh vực chưa được đồng bộ.

Chủ tịch UBND huyện Long Hồ Phan Thị Mỹ Hạnh kiến nghị: “Cần có kế hoạch khảo sát thực địa tại các khu vực sạt lở và có nguy cơ sạt lở trong mùa mưa bão; có giải pháp phòng chống sạt lở hiệu quả hơn hỗ trợ cho địa phương. Đồng thời, tăng cường sự phối hợp, nhất là trao đổi thông tin các công trình thủy lợi, đê bao, dự án giao thông để địa phương có thể hỗ trợ kịp thời khi triển khai công trình”.

Tăng cường công tác phối hợp

Khẳng định ý kiến, kiến nghị của cử tri là vô cùng “đáng quý”, ông Nguyễn Văn Sao- Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ- Pháp luật (Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh) khuyến nghị: “Sở Nông nghiệp-PTNT cần phát huy tối đa cơ chế phối hợp; phát huy vai trò của các chuyên gia trong hệ thống mặt trận các cấp. Đặc biệt, chú trọng thực hiện công tác đảm bảo thông tin để đại biểu dân cử nắm rõ và cung cấp thông tin cho người dân”.

Nhấn mạnh việc giải quyết tốt các ý kiến, kiến nghị của người dân là góp phần thiết thực xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị vững mạnh, ông Nguyễn Văn Còn- Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Kinh tế (Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh) đề xuất: “Sở Nông nghiệp-PTNT cần lưu ý bổ sung các giải pháp đối với những ý kiến, kiến nghị đã được giải quyết. Còn những kiến nghị “khó” đối với đơn vị thì cần kiến nghị cấp trên mở ra phương hướng để giải quyết”.

Bà Lê Thị Lệ Uyên- Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, đề nghị Sở Nông nghiệp-PTNT tiếp tục tăng cường tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết kiến nghị của cử tri.

Tập trung rà soát có lộ trình, thời gian cụ thể giải quyết dứt điểm các kiến nghị, nhất là những vấn đề mà cử tri quan tâm kiến nghị nhiều lần. Phát huy tinh thần trách nhiệm, phối hợp đồng bộ trong việc trả lời, giải quyết kiến nghị của cử tri đảm bảo chất lượng và thời gian theo yêu cầu.

Mặt khác, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, có giải pháp quyết liệt để hạn chế thấp nhất tình trạng sạt lở… ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Triển khai giải quyết tốt những kiến nghị liên quan đến công tác thủy lợi; tăng cường kiểm tra, xử lý kịp thời vi phạm, siết chặt kỷ cương, kỷ luật trên địa bàn để nâng cao chất lượng quản lý, đáp ứng yêu cầu phát triển mới. Đồng thời, sớm bố trí vốn và giải quyết khó khăn, vướng mắc đối với các công trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt…

Bài, ảnh: TUYẾT NGA