Không có cơ sở xem xét giải quyết yêu cầu nâng giá bồi thường

Cập nhật, 06:20, Thứ Sáu, 10/02/2023 (GMT+7)
Hiện trạng tuyến đê bao đi qua phần đất của bà Nguyễn Thị Thu Hồng. Ảnh chụp ngày 2/2/2023
Hiện trạng tuyến đê bao đi qua phần đất của bà Nguyễn Thị Thu Hồng. Ảnh chụp ngày 2/2/2023

(VLO) Qua thư bạn đọc, Báo Vĩnh Long nhận được đơn phản ánh của bà Nguyễn Thị Thu Hồng (ở ấp Rạch Cốc, xã Tân An Luông, huyện Vũng Liêm) liên quan đến việc bồi thường, thu hồi đất do ảnh hưởng bởi dự án đầu tư xây dựng công trình đê bao sông Măng Thít, trong đó có đoạn đi qua phần đất thuộc sở hữu của gia đình bà.

Cụ thể theo nội dung đơn phản ánh, bà Nguyễn Thị Thu Hồng trình bày: Bà có một phần diện tích đất nằm trong phạm vi ảnh hưởng bởi dự án đầu tư xây dựng công trình đê bao sông Măng Thít.

Tuyến đê bao này vì tránh căn nhà của một hộ dân ở phía bờ sông đã lấn sang phần đất của bà. Hiện nay, dù hộ dân này đã được bồi thường nhưng vẫn chưa di dời nhà đi nơi khác.

Trong khi đó, gia đình bà vẫn chưa nhận tiền bồi thường và cũng không có ý định ngăn cản thi công công trình thì lại bị cưỡng chế thu hồi đất.

Liên quan vấn đề bà Nguyễn Thị Thu Hồng phản ánh, đại diện UBND huyện Vũng Liêm cho biết, dự án đầu tư xây dựng công trình đê bao sông Măng Thít (giai đoạn 2) được UBND tỉnh Vĩnh Long chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1838/QĐ-UBND ngày 18/8/2017, trong đó có đoạn thuộc xã Tân An Luông và đi qua phần đất của bà Hồng.

Trên cơ sở đó, ngày 22/11/2018, UBND huyện Vũng Liêm đã ban hành Quyết định số 6570/QĐ-UBND thu hồi 383,5m2 đất của bà Hồng để thực hiện dự án trên.

Kèm theo đó là Quyết định số 6504/QĐ-UBND phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ cho bà Hồng với số tiền hơn 144,7 triệu đồng bao gồm đất đai, cây trồng và vật kiến trúc.

Nhưng sau đó, bà Hồng yêu cầu điều chỉnh mốc giải tỏa ban đầu ra phía bờ sông là 6m và nâng giá bồi thường lên... 800 triệu đồng.

Các yêu cầu trên đều không có cơ sở xem xét giải quyết bởi phạm vi giải phóng mặt bằng cũng như phương án bồi thường, hỗ trợ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thống nhất.

Sau đó, dù chính quyền địa phương cùng các ngành chức năng, đoàn thể nhiều lần tổ chức vận động, đối thoại để thuyết phục nhưng bà Hồng và gia đình vẫn không chấp hành bàn giao mặt bằng.

Do đó, UBND huyện bắt buộc phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi đất theo đúng thủ tục, trình tự pháp luật quy định, nhằm đảm bảo tiến độ đưa công trình vào sử dụng, phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng như nhu cầu lưu thông, giao thương.

Theo Ban Bồi thường hỗ trợ và tái định cư (UBND huyện Vũng Liêm), đến nay phía bà Hồng và gia đình vẫn không đồng ý nhận khoản tiền bồi thường hơn 144,7 triệu đồng nên số tiền này đã được gửi vào tài khoản tạm giữ của Kho bạc Nhà nước (theo quy định tại khoản 3, Điều 93 Luật Đất đai).

Yêu cầu nâng giá bồi thường của bà Hồng không có cơ sở xem xét giải quyết do phương án bồi thường đã được thực hiện đúng và đủ theo quy định.

Qua xác minh thêm thông tin, chúng tôi được ông Lê Văn Lạc (ngụ ấp Rạch Cốc - chủ căn nhà nằm cặp bờ sông Măng Thít) cho biết, căn nhà hiện tại vợ chồng ông đang sinh sống đã xây dựng cách nay khoảng 30 năm.

Trước đây, ông được cha ruột cho phần đất cặp bờ sông này để hai vợ chồng ra riêng. Sau đó, ông có gia cố, cơi nới mở rộng diện tích căn nhà để tiện cho việc buôn bán.

“Tôi đã chấp hành theo chủ trương của Nhà nước giao đất để làm đê bao và nhận tiền bồi thường đầy đủ. Nhưng hiện tại tôi chưa có điều kiện di dời đi nơi khác nên xin được ở tạm tại đây, chính quyền địa phương cũng đã cho phép việc này” - ông Lạc khẳng định chuyện di dời sớm muộn cũng phải thực hiện vì không thể sinh sống lâu dài ở vùng ven sông trước tác động của biến đổi khí hậu.

Vấn đề trên được ông Nguyễn Văn Sang - Chủ tịch UBND xã Tân An Luông xác nhận. Thông tin thêm về vụ việc, ông Sang cho biết góc độ địa phương đã nhiều lần phối hợp UBND huyện và các cơ quan, ban, ngành chức năng tổ chức vận động, thuyết phục nhưng bà Hồng cũng như gia đình nhiều lần tránh mặt, nhất quyết không giao đất nên mới đi đến bước cuối cùng là cưỡng chế. Hiện phần diện tích đất đã được thu hồi, bàn giao cho đơn vị đầu tư thi công.

Đối với trường hợp hộ ông Lạc thì họ đã tự nguyện chấp hành, đã tháo dỡ một phần căn nhà cũng như vật kiến trúc và đã nhận bồi thường.

Riêng phần đất bãi bồi, hiện địa phương chưa có nhu cầu sử dụng đến, đồng thời xét thấy hoàn cảnh gia đình ông Lạc đang gặp khó nên cho phép ở tạm thời theo nguyện vọng của ông ấy.

Dự án đầu tư xây dựng công trình đê bao sông Măng Thít (giai đoạn 2) được xây dựng tại các huyện: Mang Thít, Tam Bình, Vũng Liêm và Trà Ôn. Mục tiêu đầu tư xây dựng công trình nhằm kết hợp đồng bộ với các công trình hiện có, góp phần chủ động ngăn lũ, triều cường, kiểm soát mặn, tiêu thoát nước, bảo vệ sản xuất vùng dự án, góp phần giảm tổn thất do tác động của biến đổi khí hậu. Đồng thời, góp phần phát triển giao thông, bảo vệ môi trường sinh thái, phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển sản xuất nông nghiệp, góp phần hoàn thành tiêu chí quốc gia về thủy lợi trong xây dựng NTM, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Bài, ảnh: TP. PHÒNG BẠN ĐỌC