Biểu hiện cúm ở trẻ em, biến chứng và cách phòng bệnh

Cập nhật, 08:29, Thứ Sáu, 25/09/2020 (GMT+7)

Xin bác sĩ cho biết, biểu hiện cúm của trẻ em như thế nào? Biến chứng và cách phòng bệnh ra sao?

Nguyễn Văn Hồng

(Mỹ Thạnh Trung- Tam Bình)

Trả lời:

Biểu hiện cúm ở trẻ em khác biệt theo tuổi như trẻ trên 13 tuổi biểu hiện cúm giống người lớn: Khởi phát đột ngột, đau đầu, đau nhức toàn thân, mệt mỏi kèm theo các triệu chứng hô hấp chảy mũi, ho, đau họng. Trẻ dưới 13 tuổi, đặc biệt trẻ 3 tuổi, biểu hiện cúm không điển hình. Sốt cao hơn trẻ lớn , có thể sốt co giật, ít biểu hiện các triệu chứng hô hấp, biểu hiện các triệu chứng tiêu hóa như nôn ói, tiêu chảy, biếng ăn. Một số biểu hiện khác ít gặp như sưng tuyến mang tai, nổi hạch cổ, viêm kết mạc. Bệnh cảnh có thể khác biệt ở chủng cúm khác nhau: Cúm B thường có biểu hiện đau nhức cơ hơn cúm A. Gây bệnh cảnh suy hô hấp thường gặp hơn cúm A hơn cúm B.

Trong mùa cúm, trẻ em có biểu hiện sốt kèm suy hô hấp phải được nghi ngờ nhiễm cúm bất kể trẻ đã nhiễm cúm trước đó hay đã chủng ngừa.

Diễn biến của bệnh cúm:

Thường các triệu chứng giảm sau một tuần. Ho thường kéo dài 2- 3 tuần, sau cúm, một số trẻ bị suy nhược, mất 1- 2 tháng mới hồi phục.

Biến chứng hay gặp của cúm trẻ em là viêm tai giữa, chiếm từ 10- 15% trẻ mắc, thường từ ngày thứ ba sau khi khởi phát triệu chứng cúm.

Viêm phổi là biến chứng làm cho trẻ nhập viện, viêm phổi thường nhẹ nhưng trẻ có yếu tố nguy cơ, viêm phổi thường diễn tiến nặng.

Viêm thanh khí quản, trẻ mất tiếng, thở rít, nặng có thể suy hô hấp.

Bội nhiễm vi trùng S.pneumoniae, S. aureus làm trẻ viêm phổi nặng, nhiễm trùng máu, tăng nguy cơ tử vong.

Phòng ngừa cúm bằng vắc xin mỗi năm, chủng ngừa cho trẻ trên 6 tháng, đặc biệt cho trẻ có yếu tố nguy cơ nhiễm cúm nặng nên tiêm cúm điều đặng mỗi năm.

BS PHAN GIA HOÀNG

(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Vĩnh Long)