ĐBSCL: mở ra cơ hội cứu sống bệnh nhân đột qụy

Cập nhật, 19:41, Thứ Ba, 23/06/2020 (GMT+7)

Trong 2 ngày 19-20/6, tại Bệnh viện (BV) Đột quỵ tim mạch Cần Thơ, Hội Can thiệp Thần kinh TP Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo và đào tạo y khoa liên tục CME.

Các chuyên gia, bác sĩ đầu ngành trong lĩnh vực đột quỵ tham gia hội thảo.
Các chuyên gia, bác sĩ đầu ngành trong lĩnh vực đột quỵ tham gia hội thảo.

Đây là hội thảo thường niên nhằm chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật chẩn đoán điều trị đột quỵ đến 200 bác sĩ trong cả nước. Báo cáo viên- giảng viên là các chuyên gia đầu ngành về điều trị đột quỵ của các bệnh viện lớn trong cả nước như BV Bạch Mai, BV ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh, BV 115,…

Hội thảo tập trung thảo luận 30 chủ đề về chẩn đoán và điều trị đột quỵ từ lý thuyết đến thực hành. Đặc biệt, hội thảo giới thiệu một ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID phục vụ chẩn đoán, điều trị đột quỵ.

Đây là phần mềm hỗ trợ các bác sĩ sớm xác định được những vùng não bị tổn thương, từ đó sẽ đưa ra các giải pháp can thiệp điều trị kịp thời, hiệu quả. Công nghệ RAPID có thể kéo dài “thời gian vàng” lên đến 24 giờ thay vì 6 giờ như phương pháp thông thường.

Theo TS.BS. Trần Chí Cường- Chủ tịch Hội Can thiệp thần kinh TP Hồ Chí Minh, Giám đốc BV Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ, BV đã quyết định chi 200.000 USD để mua bản quyền 5 năm sử dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID và BV Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ sẽ không thu phí đối với bệnh nhân khi sử dụng RAPID.

Các chuyên gia cảnh báo, hàng năm, trên thế giới có hơn 15 triệu người bị đột quỵ, cứ mỗi 45 giây có 1 người bị đột quỵ và mỗi 3 phút có 1 người tử vong do đột quỵ.

Ở nước ta, hàng năm có hơn 200.000 trường hợp bị đột quỵ, riêng ĐBSCL có khoảng hơn 10.000 trường hợp/năm, với tỷ lệ tử vong, tàn phế cao, có khuynh hướng gia tăng và trẻ hóa.

Tin, ảnh: THÚY QUYÊN