Cảnh báo bệnh sốt xuất huyết vào mùa

Cập nhật, 11:32, Thứ Sáu, 19/06/2020 (GMT+7)

 

Người dân nâng cao phòng bệnh SXH, tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất diệt muỗi phòng, chống bệnh SXH.
Người dân nâng cao phòng bệnh SXH, tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất diệt muỗi phòng, chống bệnh SXH.

Các tỉnh- thành phía Nam đang bước vào đầu mùa mưa, đang tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn, tác nhân truyền bệnh sốt xuất huyết (SXH) phát triển và gây bệnh. Tại Vĩnh Long, các trường hợp mắc bệnh SXH đang có chiều hướng gia tăng. Ngành y tế cũng đang triển khai nhiều giải pháp tích cực khống chế căn bệnh nguy hiểm này.

SXH vào mùa cao điểm

Bộ Y tế cho biết, tính đến đầu tháng 6 cả nước ghi nhận hơn 24.000 người mắc SXH tại 58 tỉnh- thành, trong đó có 4 trường hợp tử vong tại Bình Định, Bình Phước, Cần Thơ và Tây Ninh. Hầu hết trường hợp mắc SXH đều tập trung ở các tỉnh thành phía Nam.

Theo đánh giá của cơ quan y tế, mặc dù số người mắc SXH giảm nhiều so với cùng kỳ năm ngoái nhưng theo chu kỳ, từ tháng 6 tới tháng 8 là mùa cao điểm của dịch SXH do thời tiết bắt đầu mưa nhiều và nóng ẩm- là điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển.

Thực tế này đòi hỏi các địa phương và người dân không chủ quan trước nguy cơ bùng phát của dịch SXH.

Trong tuần qua, toàn tỉnh ghi nhận 14 trường hợp mắc bệnh SXH, 2 ổ dịch SXH nhỏ, so với tuần trước số mắc tăng 16% và số ổ dịch SXH nhỏ tăng gấp đôi. Mật độ muỗi, lăng quăng qua giám sát điều tra cũng tăng gấp đôi so với các tuần trước.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Long, qua giám sát ca bệnh, mật độ côn trùng thì số trường hợp mắc bệnh SXH, ổ dịch SXH nhỏ và quần thể muỗi, lăng quăng, trong tuần qua, tăng từ 16- 100% so với các tuần trước.

Dự báo nguy cơ bùng phát thành dịch trong thời gian tới rất cao. Ths. bác sĩ Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Long cho biết: “Trước diễn biến tình hình bệnh SXH đang có chiều hướng gia tăng như hiện nay, được sự chỉ đạo của Sở Y tế, trung tâm sẽ tập trung triển khai một số hoạt động để làm giảm số mắc và tỷ lệ tử vong trong thời gian tới.

Cụ thể, tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ điều tra giám sát xử lý dịch cũng như cập nhật bổ sung kiến thức mới cho các cán bộ tham gia trong công tác điều trị để làm giảm nguy cơ dịch bệnh SXH trong cộng đồng cũng như tỷ lệ tử vong do SXH”.

Dự báo số mắc SXH, quần thể muỗi, lăng quăng sẽ tăng trong thời gian tới khi bước vào mùa mưa và nguy cơ bệnh SXH rất cao.

Phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành mang mầm bệnh tại các ổ dịch SXH nhỏ cũng là biện pháp đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình khống chế không để bệnh SXH lây lan. Gần 170 ổ dịch SXH nhỏ xuất hiện tại các địa phương trong tỉnh đã được ngành y tế xử lý kịp thời không để bùng phát bệnh.

Không bị muỗi chích, không có SXH

Ngoài cho con ngủ mùng, phụ huynh có thể sử dụng các sản phẩm chống muỗi cho bé.
Ngoài cho con ngủ mùng, phụ huynh có thể sử dụng các sản phẩm chống muỗi cho bé.

Tuyên truyền hướng dẫn người dân các biện pháp diệt muỗi, lăng quăng cũng đang được ngành y tế chú trọng trong thời điểm hiện nay. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức phòng bệnh SXH của nhiều người.

Theo ngành y tế, trong mùa nắng nóng này, nếu các gia đình trữ nước sinh hoạt phải đậy nắp và cần phải loại bỏ các dụng cụ chứa nước không cần thiết. Có như vậy mới cắt được con đường gây các ổ dịch SXH từ trong các gia đình.

Chị Nguyễn Thị Thu Trúc (thị trấn Long Hồ) cho biết: “SXH do muỗi vằn gây ra nên mọi người trong nhà chị ý thức thường xuyên vệ sinh nhà cửa sạch sẽ. Ngoài vườn cũng dọn cho thoáng mát, thường xuyên súc rửa lu nước, khạp; đậy nắp để muỗi không sinh sản, chậu hoa kiểng có nước thì nuôi cá 7 màu vừa đẹp vừa diệt được lăng quăng”.

Để ngừa muỗi chích 2 con mình, chị Huỳnh Thị Kim Hoa (Phường 5- TP Vĩnh Long) cho con ngủ mùng, kể cả ngủ trưa. Trước khi ngủ, chị thường cầm vợt điện kiểm tra trong mùng có muỗi không bởi muỗi vằn thường trú đậu ở các góc tối, quần áo, dây phơi...

Vợ chồng chị cũng cho con vui chơi ở khu vực thoáng đãng, giữ gìn vệ sinh cơ thể sạch sẽ, mặc áo dài tay để tránh muỗi, ưu tiên mặc đồ cotton hút mồ hôi hoặc vải thun mát mẻ.

Nhiều phụ huynh có thể sử dụng các sản phẩm chống muỗi cho bé. Song, với trẻ nhỏ dưới 4 tuổi, phụ huynh nên kiểm tra độ an toàn khi lựa chọn, hạn chế sử dụng sản phẩm có chứa hóa chất hoặc chất diệt côn trùng, nhất là với loại thoa trực tiếp trên da bé, ưu tiên chiết xuất từ thiên nhiên.

Bệnh SXH vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt lăng quăng, cắt đứt đường lây truyền của muỗi và phòng muỗi chích.

Bên cạnh các giải pháp khống chế bệnh SXH của ngành y tế, người dân cần nâng cao ý thức tự giác, bởi nếu lơ là nguy cơ SXH bùng phát có thể xảy ra.

Người dân trong tỉnh Vĩnh Long cần chủ động thực hiện các biện pháp như: diệt lăng quăng, diệt muỗi, phát quang bụi rậm, vệ sinh nhà cửa, nơi ở sạch sẽ, ngủ mùng dù ban ngày hay ban đêm, mặc quần áo dài tay để tránh bị muỗi chích.

Đồng thời, tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất diệt muỗi phòng, chống bệnh SXH. Ngoài ra, khi có dấu hiệu sốt cao đột ngột, đau mỏi cơ khớp, nhức đầu, đau phía sau mắt… cần nghĩ đến SXH và đến bệnh viện để được chẩn đoán bệnh sớm, để các bác sĩ theo dõi đúng và điều trị kịp thời.

ThS. bác sĩ Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Long nhấn mạnh: “Muỗi vằn truyền bệnh SXH là loại muỗi hoạt động ban ngày chủ yếu sống trong nhà, do đó bà con cho trẻ nhỏ ban ngày ngủ mùng và mặc áo dài tay tránh muỗi đốt. Ngoài ra, muỗi vằn chủ yếu sinh sản trong dụng cụ chứa nước trong nhà và xung quanh nhà. Để hạn chế muỗi sinh sản gây bệnh, bà con cần đậy nắp kín những dụng cụ chứa nước trong nhà và xung quanh nhà và kiểm tra hàng tuần dụng cụ chứa nước, diệt lăng quăng”.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN