Giữ răng khỏe, xinh cho bé

Cập nhật, 05:22, Thứ Sáu, 02/06/2017 (GMT+7)

Răng sún, răng đen, sâu răng… ngày càng phổ biến ở trẻ em. Trẻ bị sâu răng sớm thì sẽ có nguy cơ bị sâu răng nhiều hơn khi trưởng thành. Vì vậy, việc phòng ngừa sâu răng cho trẻ sẽ giúp tránh những vấn đề quan trọng trong việc chăm sóc răng miệng sau này.

“Sẽ thay răng sữa mà, hổng sao đâu”

Việc có hàm răng khỏe mạnh sẽ cho trẻ nụ cười tươi đẹp.
Việc có hàm răng khỏe mạnh sẽ cho trẻ nụ cười tươi đẹp.

Bệnh sâu răng là bệnh thường gặp ở trẻ em. Mọi thứ đều bắt nguồn từ việc chưa biết và chưa chú trọng cách vệ sinh răng miệng đúng cách.

Sâu răng sữa, nhiều phụ huynh chủ quan nghĩ rằng, răng sữa đằng nào cũng phải thay và mọc răng khác. Thế nhưng, sâu răng sữa sẽ ảnh hưởng cuộc sống của trẻ về lâu dài mà chúng ta không biết.

Chưa tròn 3 tuổi, nhưng bé Khánh Linh (Phường 2- TP Vĩnh Long) đã sún hết 4 cái răng cửa, giọng nói của bé có phần hơi ngọng.

Mẹ bé xuýt xoa: “Con bé chắc ghiền bú đêm, hay ăn kẹo bánh lại ít chịu đánh răng nên răng hư sớm. Mỗi lần đánh răng cho con thì ôi, chỉ la hét khóc nảy lửa luôn”.

Nghe mẹ nhắc tới mình, bé cười khoe răng sún: “Con khoái ăn bánh lắm”.

Cũng bị sún răng sớm hết “hàng tiền đạo”, răng hàm bị sâu 3 cây, bé Minh Thảo (lớp 2, Trường Tiểu học Nguyễn Du) cho biết: “Mẹ dẫn con đi bác sĩ trám răng rồi, đau ê lắm, con sợ lắm. Từ lúc đó con nghe lời, siêng đánh răng hơn chứ hổng thôi bác sĩ làm răng con đau”.

Nhiều bậc cha mẹ không mấy quan tâm đến việc gìn giữ răng sữa cho con, vì hầu hết nghĩ rằng vài năm sau răng sữa cũng sẽ thay bằng hàm răng mới, khi đó giữ gìn cũng không muộn.

Tuy nhiên đó là một quan niệm sai lầm. Anh Quốc Trung (Phường 1- TP Vĩnh Long) cho biết: “Bé Bi hơn 2 tuổi mà chưa chịu đánh răng. Tập mà con cứ khóc la hoài. Răng sữa mai mốt cũng thay mà, chắc hổng sao”.

Theo Ths, bác sĩ Nguyễn Châu Nhật Tân- Khoa Răng Hàm Mặt- Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long, hiện nay tình trạng sâu răng sớm ở trẻ rất nhiều.

Có trẻ mới 2- 3 tuổi đến khám thì cả 2 “hàng tiền đạo” đều bị xỉn màu, mòn đi, trống hoác ngay chính giữa.

Đây là những trường hợp sâu mòn răng sớm, nặng và trẻ sẽ bị ảnh hưởng đến nhai, nếm thức ăn, trẻ ăn không cảm thấy ngon, ảnh hưởng phát triển cơ hàm.

Ngoài ra, nếu không có răng, khả năng nói của trẻ sẽ bị ảnh hưởng và nụ cười cũng kém phần xinh xắn. Hàm răng đầu tiên giúp giữ khoảng cách chuẩn giữa các răng để thuận tiện cho việc thay răng sau này.

Phòng sâu răng cho con

Nên tập thói quen giữ vệ sinh răng miệng cho trẻ phòng ngừa sâu răng.
Nên tập thói quen giữ vệ sinh răng miệng cho trẻ phòng ngừa sâu răng.

Bác sĩ Nhật Tân cho biết, việc trẻ bú bình, sữa sẽ đọng lại trong miệng sản sinh ra vi khuẩn gây sâu răng khi trẻ ngủ. Trong khi đó, nước bọt lại không được tiết nhiều khi trẻ ngủ, vì thế không bảo vệ răng được tốt khi trẻ thức.

Cũng có 2 con trai ở độ tuổi mầm non, bác sĩ Nhật Tân khuyên: “Tốt nhất cho trẻ bú no trước khi đi ngủ, nên tập trẻ uống ống hút sau 12 tháng.

Trẻ bú, uống sữa xong nên chà răng cho trẻ đúng cách. Nếu trẻ bú đêm, cha mẹ chịu khó, dùng gạc rơ mặt trong ngoài răng để ngừa sâu răng”.

Ngay từ khi bé Minh Châu 3 tháng tuổi, chị Thúy Hiểu (Phường 8- TP Vĩnh Long) đã dùng gạc vệ sinh nướu cho bé ngày 2 lần sáng tối. Nhờ vậy, bé có phản xạ tốt, không quấy khóc khi mẹ chà những chiếc răng sữa đầu tiên. “Tối 9 giờ, bé Châu 17 tháng bú bình 240ml sữa.

Bú xong, chị lấy gạc, thêm dung dịch nước rơ lưỡi an toàn cho bé để chà răng cho con. Bé Châu hợp tác tốt và ngủ cái ót tới sáng luôn”.

Còn anh Thanh Hùng cho biết: “Vợ chồng anh mua truyện Bu Bu bị đau răng về đọc cho con nghe. Đọc giải thích Bu Bu không đánh răng nên bị đau răng khóc hu hu. Nhờ vậy, cứ nhắc Bu Bu đau răng là con bé há miệng cho ba hoặc mẹ chà răng cho hà. Ngoan lắm”.

Các kết quả nghiên cứu đã cho thấy rằng, trẻ bị sâu răng khi còn nhỏ có nguy cơ bị sâu răng nhiều hơn khi lớn lên.

Khi bé đã có răng, bậc cha mẹ cần quan tâm làm thế nào để răng đẹp và không sâu răng. Việc phòng ngừa sâu răng sớm ở trẻ giúp tránh được các vấn đề quan trọng về răng miệng sau này.

Bậc cha mẹ nên nhớ tránh các hành vi giúp truyền vi khuẩn sâu răng từ người lớn qua trẻ nhỏ như sử dụng chung muỗng, liếm thử thức ăn, sữa của con…

Phòng sâu răng sớm ở trẻ, bác sĩ Nhật Tân cho biết, các phụ huynh nên chọn nguồn thức ăn thức uống khỏe mạnh, tập cho con có thói quen ăn uống lành mạnh, nên bỏ bú bình sớm để giúp trẻ giảm nguy cơ sâu răng.

Trẻ 2 tuổi cần khám nha sĩ hoặc sớm hơn nếu cần để có thể phát hiện và can thiệp kịp thời các tình trạng không tốt của răng.

Nên vệ sinh răng từ cái răng đầu tiên nhú lên, chỉ sử dụng gạc thấm nước là được. Trẻ 12 tháng tuổi, dùng gạc hay chọn bàn chải phù hợp độ tuổi con, dùng nước để đánh răng. Trẻ từ 18 tháng- 6 tuổi nên đánh răng cho trẻ bằng kem đánh răng có chứa ít fluoride, xịt kem mỏng lên bàn chải. Trẻ sau 6 tuổi sử dụng kem đánh răng chung người lớn. Nên vệ sinh răng miệng tối thiểu 2 lần/ngày vào buổi sáng và tối.

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG