Khám răng định kỳ- đừng nên lơ là

Cập nhật, 13:00, Thứ Sáu, 30/12/2016 (GMT+7)

Dân gian có câu “Cái răng, cái tóc là gốc con người”, ai cũng muốn mình có một hàm răng trắng, sáng, đều đẹp và một hơi thở thơm mát để có lợi thế trong giao tiếp. Song, nhiều người chủ quan, không chịu khám răng định kỳ đến khi nào bị nhức răng hoặc bị khiếm khuyết về thẩm mỹ mới chịu đi khám.

Lơ là khám răng

Sâu răng, viêm nướu, hôi miệng, không chỉ gây đau đớn và ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn khiến nhiều người mất tự tin trong giao tiếp hàng ngày. Không chỉ thế, răng miệng không khỏe mạnh còn có nguy cơ gây ra bệnh tim, tiểu đường, các bệnh về đường hô hấp, bệnh loãng xương, viêm khớp dạng thấp... 

Chính vì quan điểm xem nhẹ sức khỏe răng miệng và tâm lý “sợ gặp nha sĩ” nên hầu hết các trường hợp đến gặp bác sĩ, nha khoa khi răng đã sâu và gây đau; bị viêm nướu nặng… ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.

Răng thường đã bị sâu nặng, gây tổn thương đến nướu, phải lấy tủy răng, hoặc phải nhổ mất răng vì đã quá khả năng điều trị, dẫn đến phải mất nhiều thời gian và chi phí điều trị.

Chị Trần Ngọc Dương (Phường 4- TP Vĩnh Long) cho biết: “Tôi rất sợ mỗi khi bị trám răng, nó ê buốt cả đầu nên tôi ít khi nào đi khám răng. Giờ thì hàm dưới răng bị lung lay, ăn thì răng ê buốt.

Tôi đi khám thì bác sĩ nói tôi bị sâu 2 cái răng cùng, cần phải lấy tủy. Ôi, lấy tủy thật là đau kinh khủng, đi tới đi lui trám tới 6 lần. Sau đợt này, cứ 6 tháng tôi đến nha sĩ để lấy vôi răng và kiểm tra răng thường xuyên, để có bị sâu răng xử lý ngay”.

Chị Nguyễn Kiều Oanh (xã Phước Hậu- Long Hồ) thì: “Răng nhức khó chịu lắm, tôi ra tiệm thuốc Tây mua thuốc giảm đau và súc miệng bằng nước muối sinh lý thường xuyên vẫn không bớt nên mới đi bác sĩ khám. Sau khi chụp phim, bác sĩ nói răng bị sâu, chết tủy cần phải điều trị”.

Chăm sóc răng miệng đúng cách

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Châu Nhật Tân (Khoa Răng Hàm Mặt- Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long): “Mọi người cần khám răng định kỳ ít nhất 6 tháng/lần, để làm sạch răng miệng kỹ lưỡng, loại bỏ các mảng bám, mảng vôi lâu ngày bám vào chân răng, gây viêm nướu.

Qua đó, phát hiện dấu hiệu sớm của bệnh nướu răng và các vấn đề sức khỏe răng miệng khác”. Bác sĩ Nhật Tân cho biết: “Răng sâu không phải chỉ nhổ là xong.

Có những trường hợp nặng, răng sâu còn kèm theo viêm nướu, viêm nha chu, viêm xương, viêm tủy nên việc chữa trị rất phức tạp, mất thời gian và tốn kém trong khi người bệnh phải chịu nhiều đau đớn và mệt mỏi. Dùng răng giả vừa tốn tiền vừa có những hạn chế trong sinh hoạt”.

Ngoài ra, khi bắt đầu có những triệu chứng như: nướu răng bị tổn thương hoặc chảy máu lúc đánh răng hoặc khi dùng chỉ nha khoa, hoặc có hơi thở hôi, cổ răng bị tê buốt khi ăn đồ lạnh thì cần đi khám.

Vì vậy, thăm khám răng và được bác sĩ chuyên khoa tư vấn dự phòng chính là cách tiết kiệm tiền bạc, thời gian và ổn định sức khỏe.

Thấy răng mình ê buốt khi ăn đồ nóng hoặc lạnh, anh Lê Trung Tấn (Phường 3- TP Vĩnh Long) đến khám thì bác sĩ cho hay anh bị mòn cổ chân răng 6 cái, do không đánh răng đúng cách, cần phải trám lại để tránh bị tuột nướu chân răng.

Anh Tấn cho biết: “Tôi quen đánh răng theo chiều ngang, mỗi lần đánh hơi mạnh tay. Bác sĩ giải thích, đánh răng kiểu như tôi không thể lấy được mảng bám, thức ăn trong kẽ răng, lâu ngày sẽ thành vôi răng gây viêm nướu. Bị mòn cổ răng gây tuột nướu sẽ hở kẽ răng, dễ dính thức ăn, nên phải đánh răng đúng cách”.

Ngoài tuân thủ lịch khám răng định kỳ 1 năm/2 lần, chúng ta cần phải đánh răng đúng cách như chỉ dẫn của các bác sĩ để bảo vệ hàm răng luôn khỏe mạnh, hơi thở thơm mát, tự tin với nụ cười trắng sáng, rạng ngời.

Bác sĩ Nhật Tân hướng dẫn cách đánh răng đúng cách:

1. Phải lựa bàn chải phù hợp với lông bàn chải mềm để có thể chui vào kẽ răng. Nghiêng bàn chải ở một góc 45° so với đường viền nướu và chải từ đường nướu.

2. Nhẹ nhàng đánh mặt ngoài, mặt trong và mặt nhai của mỗi răng. Riêng 2 mặt tiếp giáp phải dùng chỉ nha khoa để kéo thức ăn ra.

3. Đừng quên chà lưỡi để loại bỏ vi khuẩn và hơi thở trở nên thơm mát hơn.

Lưu ý, hãy tập dùng chỉ nha khoa xỉa răng thay cho tăm. Tốt nhất nên đánh răng kỹ ít nhất 2 lần mỗi ngày hoặc sau khi ăn. Bàn chải đánh răng nên thay thường xuyên, tối đa 3 tháng/1 lần.

Bài, ảnh: MAI ANH