Người Việt mắc viêm gan B thuộc tốp đầu trên thế giới

Cập nhật, 13:13, Thứ Sáu, 28/10/2016 (GMT+7)

Viêm gan gặp ở bất kể lứa tuổi, giới tính và chiếm nhiều nhất là viêm gan B và viêm gan C. Số liệu y khoa cho thấy, khoảng 20% ca bệnh viêm gan B có thể chuyển sang viêm gan mãn tính. Con số này ở viêm gan C tới khoảng 85%. Tuy nhiên, có thể ít đáng lo vì tỷ lệ mắc viêm gan B thường phổ biến hơn viêm gan C.

Ăn uống khoa học, hạn chế rượu bia cũng là hạn chế yếu tố nguy cơ. Ảnh chỉ có tính chất minh họa
Ăn uống khoa học, hạn chế rượu bia cũng là hạn chế yếu tố nguy cơ. Ảnh chỉ có tính chất minh họa

Mấy tháng nay, chú Năm T. (Phường 4- TP Vĩnh Long) lo lắng khi thấy vòng bụng đột nhiên to lên, da vàng và ban đêm khó ngủ.

Nhiều người khuyên chú nên đi kiểm tra sức khỏe bởi chú thường xuyên uống rượu. Đến khi “cơ thể chịu không nổi” thì chú mới đi kiểm tra, kết quả là bị viêm gan nặng.

Chú T. cho biết mình dù thường uống nhưng chưa đến mức nghiện rượu. Bản thân cũng ít chú ý đến sức khỏe, chế độ ăn uống. Đến khi phát hiện bệnh mới thấy lo.

“Khám bác sĩ căn dặn bỏ rượu, có chế độ thể dục hợp lý, ăn uống đầy đủ để duy trì chức năng gan. Dần dần sẽ hồi phục. Cũng may mắn là chưa đến nỗi xơ gan nên từ nay xin chừa rượu ra”- chú T. giải bày.

Viêm gan, các bệnh về gan không chỉ ở người trung niên, lớn tuổi, uống nhiều rượu mà khá nhiều người trẻ cũng mắc các loại bệnh này.

Anh Nguyễn Thanh B. (Phường 4- TP Vĩnh Long) cũng đang giữ chế độ ăn uống hợp lý và “cai” rượu để điều trị gan nhiễm mỡ. Anh B. cho biết, do đặc thù công việc thường xuyên ăn uống thất thường và không khoa học, lại có uống rượu.

“Do đột nhiên mệt mỏi nên đi kiểm tra gan, kết quả là gan nhiễm mỡ độ 2. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến xơ gan, ung thư gan nên bác sĩ dặn rất kỹ là kiêng hẳn rượu bia. Tập trung dùng thuốc để trị dứt điểm”- anh B. nói thêm.

Theo thống kê từ Phòng Kế hoạch tổng hợp- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, đầu năm đến nay có khoảng 1.000 lượt khám ngoại trú viêm gan B, 630 lượt khám viêm gan C. Chẩn đoán tại viện cho thấy có hơn 1.400 lượt bệnh viêm gan vi rút B hoặc C mãn tính.

Bác sĩ chuyên khoa I Đỗ Minh Mẫn tại Khoa Nhiễm của Bệnh viện cho biết, viêm gan thường gặp nhất là viêm gan vi rút. Nhưng: “Viêm gan B, C phổ biến và nguy hiểm hơn so với còn lại. Không điều trị kịp thời có thể biến chứng sang xơ gan, ung thư gan- các bệnh cảnh nặng, nguy cơ tử vong cao”.

Nguy cơ mắc viêm gan gồm các nguyên nhân: người làm việc trong môi trường tiếp xúc với máu, niêm mạc có máu; bệnh nhân chạy thận nhân tạo hoặc bệnh nhân thường truyền máu; người bệnh và người làm trong các cơ sở chăm sóc người tàn tật; người tiêm chích ma túy dùng chung kim tiêm hay quan hệ đồng tính, quan hệ không an toàn, lây truyền từ mẹ sang con...

Ngược lại, viêm gan A (chỉ chiếm số ít) chủ yếu lây qua đường tiêu hóa. Cụ thể là ăn uống không hợp vệ sinh, mất an toàn thực phẩm và có thể ở khu vực sinh sống tập thể.

Viêm gan được chia ra cấp tính và mãn tính. Viêm gan cấp tính khi người mắc viêm gan lần đầu tiên và diễn biến trong vòng 6 tháng trở lại, biểu hiện đa dạng từ không có đến có triệu chứng.

Viêm gan mãn tính với thời gian mắc bệnh dài hơn. Theo bác sĩ Đỗ Minh Mẫn, viêm gan B là bệnh được chia 4 giai đoạn: ủ bệnh, khởi phát, toàn phát, hồi phục.

Giai đoạn ủ bệnh người bệnh sẽ không có triệu chứng nào. Sau đó, người bệnh có triệu chứng chán ăn, mệt mỏi, đau cơ đau khớp, vàng da, sốt nhẹ... ở giai đoạn khởi phát; đến vàng da rõ rệt, khám thấy gan to, lách to... ở giai đoạn toàn phát.

Điều trị viêm gan B chủ yếu là điều trị triệu chứng, khả năng khỏi bệnh cao, khoảng 80%. Nên số bệnh nhân viêm gan B khám có chỉ định nhập viện điều trị nội trú chiếm thấp. Tuy có tỷ lệ mắc ít hơn, nhưng người mắc bệnh viêm gan C thì có đến 85% chuyển sang mãn tính.

“Đã mắc hoặc nghi mắc viêm gan, thì người dân nên đến khám tại cơ sở y tế chuyên khoa để có giải pháp điều trị tốt nhất”- bác sĩ Đỗ Minh Mẫn nói. Bởi trường hợp viêm gan B, C phức tạp, phải xét nghiệm cận lâm sàng kiểm tra men gan, định lượng vi rút trong gan... để có hướng can thiệp.

Bác sĩ khuyến cáo cách phòng bệnh viêm gan B, C cho người dân từ chính việc hạn chế các yếu tố nguy cơ gây viêm gan như đã nêu ở trên. Và quan trọng nhất là công tác tiêm chủng.

Trẻ nhỏ cần được tiêm ngừa vắc xin viêm gan B trong 24 giờ đầu sau sinh. Hay người sống ở vùng dịch tễ viêm gan nhiều, người chưa từng mắc viêm gan cũng có thể tiêm ngừa vắc xin phòng bệnh.

Tên khoa học viêm gan B là Hepatitis B

Độ tuổi chịu ảnh hưởng

Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi.

Giới tính

Bệnh không phân biệt giới tính.

Mức độ phổ biến

Việt Nam là một trong những quốc gia nhiễm viêm gan siêu vi B cao nhất thế giới, với tỷ lệ 10-20% dân số

6 cách bảo vệ bạn khỏi vi rút viêm gan B

- Tiêm chủng vắc xin phòng viêm gan B đầy đủ.

- Nếu mang thai, hãy hỏi bác sĩ cách ngừa viêm gan B truyền sang con.

- Không dùng chung kim tiêm, dao cạo hay bàn chải đánh răng với bất kỳ ai.

- Sử dụng bao cao su đúng cách, an toàn.

- Khi có thể, hãy chọn cách uống thuốc, thay vì tiêm.

- Chỉ sử dụng những vật dụng như kim tiêm, kim xăm hình, dao, kéo khi đã tiệt trùng.

Bài, ảnh: MINH THÁI- KHÁNH DUY