Nam dược trị Nam nhân

Cập nhật, 04:51, Thứ Sáu, 28/10/2016 (GMT+7)

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, song hành cùng quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, nền y học cổ truyền Việt Nam là di sản văn hóa của dân tộc, đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Thế kỷ XIV, danh y Tuệ Tĩnh (Nguyễn Bá Tĩnh), Y tổ lỗi lạc của y học cổ truyền Việt Nam đã đề xướng “Nam dược trị Nam nhân”. Thật vậy, cùng với sự phát triển của y học hiện đại, đến nay đề xướng của ông vẫn còn đúng và giữ nguyên giá trị.

Nhà nước khuyến khích trồng và dùng thuốc Nam trong điều trị bệnh. Ảnh: Hội Đông y Mang Thít
Nhà nước khuyến khích trồng và dùng thuốc Nam trong điều trị bệnh. Ảnh: Hội Đông y Mang Thít

Về thảo dược phương Bắc, theo chúng tôi được biết, đa số được du nhập từ Trung Quốc và một số nước, thông qua giao thương, với nguồn gốc thuốc không rõ ràng, các thảo dược có nhận dạng gần giống nhau (thuốc thật và thuốc giả), làm các nhà chuyên môn gặp khó khăn trong nhận dạng.

Ngoài ra, theo cơ quan chức năng, để bảo quản thuốc được màu sắc đẹp và chống ẩm mốc, người ta còn tẩm và xông với một số hóa chất, ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Hiện nay, việc sử dụng các bộ phận của động vật để chữa bệnh đã được dân gian truyền khẩu rất nhiều, đặc biệt các động vật hoang dã quý hiếm càng được cường điệu hơn về tác dụng chữa bệnh, như: sừng tê giác, nhung nai, mật gấu,…

Theo Đông y, việc thay thế các vị thuốc có cùng tính vị để chữa bệnh hoàn toàn có thể thay thế được mà vẫn giữ nguyên tác dụng của bài thuốc. Ví dụ, mật gấu có thể thay thế bằng các vị thuốc sau: cây huyết dụ, cây hồng hoa, cây mật gấu, cây huyết giác, cây quế, cây bạch chỉ,…

Theo chúng tôi, vì lý do đạo đức và để bảo tồn động vật quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng, mọi người nên có ý thức hơn trong việc sử dụng các bộ phận động vật để chữa bệnh, nhằm để bảo tồn động vật quý hiếm và góp phần cân bằng sinh thái thiên nhiên.

Ngoài ra, trong dân gian, thời gian qua đã xuất hiện nhiều tin đồn, có thể nói là cường điệu về tác dụng chữa bệnh thần diệu của một số cây thuốc Nam.

Theo đó, như: cây lược vàng, cây răng cưa, cây mật gấu, cây nở ngày đất, cây chùm ngây,… chữa được rất nhiều bệnh, kể cả bệnh ung thư (?!), gây tâm lý hoang mang cho bệnh nhân và ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả điều trị.

Và cũng từ đó, rất nhiều người trồng để sử dụng mà không biết kết quả điều trị như thế nào. Việc này, các nhà khoa học đã giải thích trên các phương tiện thông tin đại chúng, để mọi người có cái nhìn thực tế hơn về tác dụng chữa bệnh của các dược thảo trên.

Ở nước ta có rất nhiều cây thuốc Nam có tác dụng chữa bệnh rất hiệu quả. Trải qua nhiều thế hệ, ông cha ta đã đúc kết được nhiều bài thuốc chữa bệnh đạt hiệu quả cao.

Ngày nay, với sự phát triển của y học hiện đại cộng với sự nghiên cứu của các nhà khoa học, đã góp phần đưa nền y học cổ truyền Việt Nam ta thêm phong phú và chuẩn xác hơn, việc sử dụng cây thuốc Nam ngày càng có tác dụng rõ ràng hơn, đặc hiệu hơn để chữa trị theo từng thể bệnh, để từ đó, các cây thuốc- vị thuốc ở địa phương ngày càng được phát huy tác dụng.

Ngày nay, với khuynh hướng gần gũi với thiên nhiên, cộng với việc sử dụng dược liệu chữa bệnh ít có tác dụng phụ, dược liệu thuốc Nam đang được nhiều người ưa chuộng để chữa những bệnh mãn tính đạt hiệu quả.

Mong sao mọi người hãy sử dụng (có chọn lọc) những cây thuốc- vị thuốc có sẵn ở địa phương mình đúng với câu đề xướng của danh y Tuệ Tĩnh “Nam dược trị Nam nhân” để áp dụng chữa bệnh cho cộng đồng đạt hiệu quả cao nhất, góp phần cùng ngành y tế thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên lĩnh vực y học cổ truyền.

Để kết thúc bài viết, chúng tôi mượn câu thơ được lưu truyền trong giới thầy thuốc y học cổ truyền:

“...

Dụng dược như thể dụng binh

Mạng người khá trọng chớ khinh tội trầm

Rừng y, mạch lý u thâm

Cho thông đạo trượng mới tầm cao xa

...”

 Lương y LÊ VĂN ĐÁNG

(Hội Đông y huyện Mang Thít)