Cùng nhau san sẻ, hạnh phúc đong đầy

Cập nhật, 06:31, Thứ Năm, 07/10/2021 (GMT+7)

 

Vợ chồng cùng san sẻ, hạnh phúc luôn tràn đầy. Ảnh minh họa
Vợ chồng cùng san sẻ, hạnh phúc luôn tràn đầy. Ảnh minh họa

Xã hội hiện đại, bữa cơm gia đình ngoài cung cấp dinh dưỡng, còn là sự gắn kết gia đình, mang nhiều hàm ý về tình yêu thương, san sẻ và sự bình đẳng trong hôn nhân.

Chị M.P. (Phường 4, TP Vĩnh Long) chia sẻ, vợ chồng chị đều là giáo viên nên rất hiểu và dễ dàng thông cảm cho nhau. Công việc nhà, con cái đều cùng làm. Thông thường sáng dậy sớm chị đi chợ, anh ở nhà nấu sẵn nồi cơm, quét nhà. Sau đó cả hai cùng đưa con đi học và đến trường dạy. Trưa về cùng vào bếp, anh phụ chị nấu nướng, cùng ăn rồi dọn dẹp. “Tôi may mắn vì chồng chung ngành nghề, lại biết thông cảm san sẻ với vợ. Anh cũng rất tâm lý và nhanh nhẹn. Không nấu giỏi thì anh phụ lặt rau, rửa thịt, dọn bàn... Tôi cảm thấy rất hạnh phúc trong mái ấm của mình”- chị M.P. cười hạnh phúc.

Khác với chị M.P., chị T.T. (Long Hồ) luôn phải tất bật lo toan một mình chuyện nhà cửa bếp núc. Tuy không đi làm, nhưng chị cũng có tiệm tạp hóa nhỏ trước nhà phụ kinh tế với chồng đang làm việc tại một doanh nghiệp tư nhân. Anh chồng có tính gia trưởng, cứ cho rằng công việc nội trợ, con cái là nghĩa vụ của vợ. Vợ không đi làm, không bận rộn gì thì ở nhà quán xuyến hết. Cứ thế mỗi ngày anh đi làm rồi về nhà là nằm xem ti vi, đọc báo chờ vợ dọn sẵn bữa cơm mới ngồi vào ăn, xong đi nghỉ trưa bỏ mặc vợ, dù có khách đến mua hàng thì chị cũng tự lo. Chị T.T. tuy đã quen với nếp sinh hoạt gia đình “chồng còn phải nghỉ ngơi cho khỏe chiều đi làm”, nhưng thật tâm cũng không giấu được sự thất vọng, buồn tủi và mệt mỏi. Vì dù có góp ý hay cằn nhằn thế nào đi nữa, thì cũng chưa thay đổi được anh chồng có tư tưởng gia trưởng như thế.

Hai trường hợp trên đều đang tồn tại hàng ngày trong cuộc sống. Chưa biết chính xác được trường hợp nào chiếm tỷ lệ nhiều hơn, nhưng nếu trường hợp một nhiều hơn thì chắc hẳn chị em phụ nữ sẽ có cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc biết bao. Cuộc sống bận rộn thời công nghệ, thiết nghĩ hình ảnh người đàn ông nằm chờ đến bữa cơm nên dần cải thiện, phụ giúp vợ chuẩn bị bữa cơm sẽ giảm bớt nhiều thời gian và gánh nặng cho người phụ nữ, bởi công việc nội trợ không hề đơn giản và rảnh rỗi như nhiều người vẫn nghĩ.

Với bữa cơm truyền thống của gia đình Việt Nam, ngoài cung cấp dinh dưỡng nuôi sống cơ thể, còn là cơ hội để các thành viên có dịp ngồi với nhau để chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, những kinh nghiệm sống, giáo dục đạo đức, lối sống và cùng nhau xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Để duy trì bữa cơm gia đình, giữ gìn không khí ấm áp yêu thương là việc hết sức quan trọng và cần thiết, đòi hỏi mỗi thành viên phải có ý thức trách nhiệm, chủ động sắp xếp thời gian để trở về nhà trước giờ ăn cơm, cùng tham gia vào chuẩn bị bữa ăn. Trong đó, người chồng phải thể hiện được vai trò trụ cột, quan tâm, trân trọng bữa cơm gia đình và tham gia cùng vợ chuyện bếp núc để niềm hạnh phúc bình dị của gia đình được nhân đôi. Đặc biệt, việc cả nhà ăn cơm cùng nhau, tạo cho con trẻ cảm nhận được sự đầm ấm của gia đình, sự hấp dẫn từ những món ăn… Đó là những chất xúc tác để mỗi thành viên trong gia đình luôn cảm thấy bữa ăn thật sự là khoảng thời gian hạnh phúc không thể bỏ qua. Và mong muốn trở về bên mâm cơm cùng gia đình sau một ngày mệt mỏi, để tìm những giây phút bình yên bên người thân.

Không cần bữa cơm gia đình phải sang trọng, cầu kỳ, chỉ cần các thành viên dành trọn tấm lòng và sự yêu thương chia sẻ là đã tăng thêm gia vị tuyệt vời, làm bữa cơm ngon hơn, giúp cho mọi thành viên gắn kết với nhau hơn. Nấu ăn không phải là công việc của riêng một thành viên nào trong gia đình. Do đó, mỗi khi chuẩn bị cơm cho cả nhà, hãy khích lệ, lôi kéo mọi người xuống bếp cùng nhau nấu nướng. Tùy theo khả năng và thời gian để phụ giúp nhau cho hợp lý. Qua đó, cả nhà sẽ có thêm thời gian bên nhau, cũng là cách hay để noi gương dạy dỗ cho con trẻ, nhìn thấy sự ấm cúng, bình đẳng, hạnh phúc của gia đình mà có thêm niềm tin, động lực cố gắng nhiều hơn trở thành người có ích cho xã hội. Tránh để xảy ra mâu thuẫn, mất vui trong bữa cơm khi một người thì bận rộn mệt mỏi, một người thì rảnh rang, thoải mái, cũng tránh việc nhân lúc ngồi ăn cùng nhau mà gợi chuyện để cằn nhằn, than thở. Với sự chung tay nấu nướng, chuẩn bị của cả nhà sẽ làm không khí gia đình náo nhiệt, tràn đầy năng lượng tích cực.

Một bữa cơm gia đình vui vẻ đầm ấm giữa hai vợ chồng là điều không thể thiếu của một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Hương vị hạnh phúc ấy không tự dưng mà có, nó phải được tạo nên bằng sự chăm chút, bằng tình yêu và sự đồng cảm. Nó được hình thành qua những hành động, việc làm rất thực tế hàng ngày trong đời sống. Xã hội càng hiện đại thì những giá trị truyền thống tốt đẹp càng nên gìn giữ.

Bài, ảnh: LAM NGỌC