Băn khoăn chọn trường nào, chọn ngành gì?

Cập nhật, 08:48, Thứ Tư, 28/03/2018 (GMT+7)

 

Các em cần nghiên cứu kỹ, ưu tiên chọn ngành phù hợp năng lực, sở thích.
Các em cần nghiên cứu kỹ, ưu tiên chọn ngành phù hợp năng lực, sở thích.

Không biết chọn ngành gì và không biết chọn trường nào là những băn khoăn lớn nhất cho nhiều học sinh (HS) lớp 12, mặc dù tháng 4 tới là các em đã phải đăng ký nguyện vọng vào các trường ĐH, CĐ.

Không biết mình thích gì?

Đó là nỗi lòng của không ít HS lớp 12 trước ngưỡng cửa bước vào một bậc học khác, mặc dù vấn đề nghề nghiệp đã được các em nghĩ đến từ nhiều năm trước.

Trong buổi tư vấn tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long, em Nguyễn Minh Trường- HS THPT Lê Văn Phẩm (Cái Bè- Tiền Giang) cứ mãi chăm chú vào danh mục ngành nghề.

Khi hỏi em chọn ngành gì, trường nào rồi thì em lắc đầu: “Em chưa biết mình thích gì, em mới quyết định thi tổ hợp từ đầu năm thôi!” Một HS khác ở THPT Bình Minh cũng lắc đầu trước câu hỏi ngành nghề!

Chọn được một ngành đúng theo sở thích, năng lực và tổ hợp thế mạnh của mình quả không dễ dàng. Thậm chí, có bạn còn chọn ngành theo… sở thích của cha mẹ, bạn bè! Cũng vì hiểu được điều này, nhiều trường phổ thông đã tổ chức cho tất cả giáo viên trong ban tư vấn cùng dự các buổi tư vấn hướng nghiệp cho các em.

Trường THPT Hoàng Thái Hiếu (TX Bình Minh) có khoảng 20 giáo viên tham gia các buổi tư vấn, gồm: lãnh đạo trường, giáo viên chủ nhiệm lớp 12, cán bộ Đoàn trường,…

Một số HS đã có ngành học yêu thích lại không biết chọn trường nào. Tâm lý thích “trường lớn, trường ở TP Hồ Chí Minh” đã ăn sâu vào tâm lý nhiều người từ HS đến phụ huynh. Một phụ huynh chia sẻ: Chỉ cần nói với hàng xóm con mình đậu ĐH ở thành phố là thấy oai rồi!

HS Nguyễn Thị Duy Thảo- THPT Bình Minh- cho hay: “Em thích ngành công nghệ thực phẩm nhưng với sức học của em thì sợ không vào được ĐH Nông lâm hay ĐH Cần Thơ. Em đang cân nhắc nên chọn các trường trên TP Hồ Chí Minh mà điểm thấp hay về tỉnh nhà”.

Không chỉ HS trung bình, HS khá cũng đắn đo chọn ngành vì điểm thi là một rào cản, ngay cả những HS giỏi cũng băn khoăn không kém và nhiều khi những ngành yêu thích lại… xa nhau, như có em vừa thích kiến trúc vừa thích ngành y.

Năm 2018, vẫn có thí sinh chọn cả 2 tổ hợp bài Khoa học tự nhiên và bài Khoa học xã hội, có em đăng ký đến 21 nguyện vọng!

Trường lớn, trường nhỏ- phù hợp là được

Năm 2017, khi đi viết bài về những tân sinh viên vượt khó, chúng tôi có đọc được một lá đơn của tân sinh viên nọ có hoàn cảnh rất khó khăn, đang chờ học bổng mới đi học được.

Em này đậu ngành y ở một trường ĐH dân lập có học phí vài chục triệu đồng/học kỳ. Không biết với hoàn cảnh hộ nghèo như trên, em sẽ xoay xở ra sao để hoàn thành 5 năm ĐH!

Cũng không ít HS chọn ngành yêu thích nhưng không phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình. Việc “chọn mặt gửi vàng” sao cho vẹn cả đôi đường là rất khó. Cô Nguyễn Thị Thu Hà (Trà Ôn) cùng con gái tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh.

Chúng tôi thấy đôi mắt cô luôn căng thẳng dò bảng điểm chuẩn các năm trước của Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh.

Cô tặc lưỡi: “Điểm chuẩn cao hơn các trường ĐH khác nhiều, nhưng tôi nghe nói sinh viên trường này ra không lo thất nghiệp”.

Một nỗi lo khác mà cô Hà canh cánh trong lòng là “chi phí học trên thành phố nhiều lắm, cô cũng đang có một đứa con học Y năm 2, lo đuối rồi thì giờ tới nhỏ em nên sợ không nuôi nổi…”

Các chuyên gia tư vấn tuyển sinh cho rằng: Các em yêu thích và thấy mình có năng lực ở ngành nghề nào đó thì hãy chọn ngành phù hợp với sở thích năng lực của mình rồi đến chọn trường có học phí, chương trình đào tạo phù hợp.

Các chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên, HS nên trả lời những câu hỏi trắc nghiệm xem thử mức độ phù hợp với ngành nghề của mình, công việc mình yêu thích, những lĩnh vực nghề nghiệp có thể làm, ngành học nào hấp dẫn mình và vì sao?

Tìm hiểu thông tin về trường đào tạo ngành mà mình dự định theo học. Nếu chương trình đào tạo vượt quá sức học của bản thân, khả năng đậu thấp, HS có thể chọn những bậc đào tạo thấp hơn, phù hợp năng lực. Bên cạnh đó, việc tham khảo những người xung quanh đã trải qua nghề nghiệp mà em yêu thích- cũng được cho là thiết thực.

Bộ GD- ĐT công bố những điểm mới tuyển sinh 2018

Bộ GD-ĐT vừa ban hành quy chế tuyển sinh ĐH hệ chính quy; tuyển sinh CĐ và trung cấp nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy, hầu hết nội dung của dự thảo quy chế tuyển sinh được công bố trước đó được giữ nguyên trong quy chế chính thức. Bao gồm: điểm ưu tiên khu vực giảm một nửa; đối tượng được giải thưởng trong các cuộc thi về Mỹ thuật do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức được xét tuyển thẳng hoặc ưu tiên xét tuyển vào ĐH, CĐ, trung cấp các ngành đào tạo tương ứng; làm tròn đến 2 chữ số thập phân với tổng điểm xét tuyển vào các ngành.

Riêng ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT để vào ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên đối với trình độ ĐH, xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại giỏi. Riêng các ngành sư phạm âm nhạc, sư phạm mỹ thuật, giáo dục thể chất xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN