Sổ tay giáo dục

Ngành sư phạm cần cơ hội việc làm

Cập nhật, 16:41, Thứ Tư, 21/03/2018 (GMT+7)

Những câu hỏi và câu trả lời liên quan đến ngành sư phạm trong các buổi tư vấn hướng nghiệp cho học sinh 12 gần đây, khiến nhiều người không khỏi quan ngại.

Không lo làm sao được khi mà nhiều trường xác định chỉ tiêu tuyển sinh căn cứ vào số lượng giảng viên, cơ sở vật chất, diện tích sử dụng... hiện có; quên đi xã hội đang cần bao nhiêu giáo viên!

Khảo sát thống kê của Bộ GD- ĐT cho thấy, khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, tổng số giáo viên thừa của các cấp học so với tổng số giáo viên hiện nay là 40.264 người. Do đó, Bộ GD- ĐT khuyến cáo các địa phương trong thời gian tới cần tính toán để cân đối giáo viên ở bậc học này, thậm chí có thể dừng tuyển mới.

Vì lẽ đó, quy chế tuyển sinh 2018 về việc xét tuyển thẳng khối ngành sư phạm đã có sự thay đổi: Đối với trình độ ĐH xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT xếp loại học lực lớp 12 từ giỏi trở lên. Đối với trình độ CĐ, trung cấp xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT xếp loại học lực lớp 12 từ khá trở lên.

Tuy nhiên, không vì ngành sư phạm thừa giáo viên mà ngừng đào tạo sư phạm vì ngành nào cũng cần có lực lượng kế thừa và không thể đào tạo ngắt quãng.

Khi mà vấn đề có nên tiếp tục miễn học phí cho sinh viên sư phạm được đem ra bàn bạc thì có đến gần 70% ý kiến “nên ngừng” khi Báo Tuổi Trẻ khảo sát online “có nên tiếp tục miễn học phí cho ngành sư phạm”.

Nhiều sinh viên và phụ huynh tỏ vẻ không quan tâm, nhiều ý kiến cho rằng: không cần miễn học phí chỉ cần có cơ hội việc làm. Trong khi, cơ hội việc làm của sinh viên tốt nghiệp có khi lại bằng “0”. Nghĩa là cũng có năm, địa phương không có nhu cầu tuyển giáo viên ở một vài ngành nào đó!

Khi những ngành sư phạm mới phục vụ cho chương trình giáo dục phổ thông mới được mở thì câu hỏi việc làm cho giáo viên “dôi dư” như thế nào được đặt ra. Bỏ giáo viên để nhận lớp sinh viên mới đúng yêu cầu hay cho giáo viên đi đào tạo lại ngành học mới? Thật là băn khoăn sư phạm lắm thay!

CHI LINH