Ôn tập và làm bài môn Lịch sử: "Bám sách giáo khoa, vững tự luận"

Cập nhật, 07:38, Thứ Sáu, 26/05/2017 (GMT+7)

 

Cô Văn Bảo Trân.
Cô Văn Bảo Trân.

Đó là một trong những lời khuyên của Ths. Văn Bảo Trân- Giáo viên môn Lịch sử (Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm) dành cho học sinh đang chuẩn bị bước vào kỳ thi THPT quốc gia 2017.

Môn Lịch sử nằm trong tổ hợp môn thi Khoa học xã hội. Đặc biệt năm nay, số học sinh Vĩnh Long đăng ký dự thi môn Lịch sử tăng cao, do đó, những chia sẻ của cô Văn Bảo Trân có thể phần nào giúp các em định hình được cách ôn tập cũng như cách làm bài môn học này tốt nhất.

Theo cô Văn Bảo Trân, nội dung thi năm nay vẫn là những nội dung chủ yếu trong chương trình Lịch sử lớp 12 hiện hành. Vì vậy, tài liệu các em cần chú ý là sách giáo khoa và chuẩn kiến thức kỹ năng, trong đó quan trọng nhất là sách giáo khoa.

Qua các đề tham khảo của Bộ GD- ĐT cho thấy, đề thi có nội dung trải đều toàn bộ chương trình lớp 12 (trừ những nội dung giảm tải, hướng dẫn đọc thêm). Do đó, các em phải khai thác hết nội dung kiến thức sách giáo khoa, dù là kiến thức đơn giản nhất cũng không được bỏ sót.

Các em cần chú ý bám sát sách giáo khoa, học kỹ tự luận, nắm vững kiến thức. Đây là điều quan trọng nhất để có thể đạt điểm cao trong kỳ thi này. “Đừng để mất nhiều thời gian sưu tầm các tài liệu trắc nghiệm khi chưa nắm vững kiến thức sách giáo khoa. Nên sử dụng sơ đồ tư duy hệ thống kiến thức theo chủ đề giúp các em nắm vững mối quan hệ giữa các nội dung trong cùng chủ đề. Chú ý sự liên hệ giữa các chủ đề trong chương trình”- cô Văn Bảo Trân nhắn nhủ.

Cô cũng chia sẻ một phương pháp ôn tập để các em có thể hệ thống lại kiến thức và nhớ sâu hơn về những gì mình đã học và ôn tập. Theo đó, học sinh nên có 1 cuốn sổ tay ghi lại các sự kiện đặc biệt dưới hình thức các câu trả lời nhanh. Ví dụ: “Thắng lợi nào tác động trực tiếp tới việc ký kết hiệp định Genève 1954?- Trận Điện Biên Phủ”, hay “Thắng lợi nào tác động trực tiếp tới việc ký kết hiệp định Paris 1973?- Thắng lợi trận Điện Biên Phủ trên không”.

Trong khi đó, vì hình thức thi trắc nghiệm, để làm bài tốt môn thi, các em cần lưu ý những chi tiết sau: Chú ý những “từ khóa” trong câu dẫn; Có đáp án câu nào phải tô ngay vào phiếu trả lời; Làm câu dễ trước, câu khó sau, không để mất nhiều thời gian vào 1 câu; Còn khoảng 5- 7 phút hết giờ nên tô vào đáp án những câu còn nghi ngờ để có cơ hội đạt điểm hơn là bỏ trống.

  • Bài,ảnh: KHÁNH DUY