Nâng cao chất lượng đào tạo- chuyện sống còn

Cập nhật, 04:38, Thứ Tư, 29/03/2017 (GMT+7)

Nâng cao chất lượng giáo dục là nhiệm vụ hàng đầu của các trường ĐH, CĐ. Trong xu thế các trường dần tự chủ thì xây dựng uy tín, thương hiệu của mỗi đơn vị được nhiều trường xem là chuyện sống còn. Chất lượng này được “đong đếm” bằng sản phẩm đào tạo- tức sinh viên ra trường.

Đào tạo nghề cần đầu tư trang thiết bị để bắt kịp sự phát triển của xã hội.
Đào tạo nghề cần đầu tư trang thiết bị để bắt kịp sự phát triển của xã hội.

Đổi mới, đổi mới và… đổi mới

Mọi lĩnh vực trong xã hội luôn được làm mới để thích nghi và phát triển thì ngành giáo dục cũng phải không ngừng nhấn “F5” để hòa chung nhịp phát triển đó.

Thậm chí, giáo dục còn phải đi trước vì ngành này đào tạo ra con người- chủ thể của sự sáng tạo, phát triển của xã hội. Khi giáo dục ĐH, CĐ chuyển sang tự chủ thì việc cạnh tranh trong tuyển sinh là không thể tránh khỏi và việc nâng cao chất lượng giáo dục là chuyện tất yếu để tồn tại.

Nhóm giảng viên Khoa Nông nghiệp- Trường ĐH Cửu Long gây ấn tượng trong phần tham luận của mình với câu hỏi “Chúng ta thường hỏi sinh viên ra trường làm được gì.

Nhưng có ai hỏi giảng viên có làm được gì không mà đòi hỏi sinh viên làm được?” Nhóm nghiên cứu này đã mạnh dạn nhìn thẳng vào ưu khuyết điểm để tìm hướng đi cho chất lượng giáo dục, dựa trên đặc điểm tình hình của trường mình “Có mấy ông thầy dạy trồng nấm mà mở được trại nấm?

Có mấy ông thầy dạy chăn nuôi mà mở được trang trại chăn nuôi…” Giảng viên phải là người nói được, làm được và luôn cập nhật những cái mới từ đời sống vào giảng dạy.

Đầu vào sinh viên luôn là gánh nặng với các trường, nhất là trường tư thục, bởi đầu vào bằng điểm ngưỡng chất lượng thì quá trình đào tạo sẽ có khó khăn.

Ông Nguyễn Cao Đạt- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long cho biết: “Trường ĐH Cửu Long định hướng trở thành một trường ĐH ứng dụng, sản xuất. Nghĩa là đào tạo ra những con người để thực hành”.

Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long chọn đầu tư mạnh vào giáo dục kỹ năng nghề cho sinh viên. Thời gian thực hành thường nhiều hơn học lý thuyết và mỗi giờ học lý thuyết có số lượng sinh viên vừa phải để các em có thời gian thực hành.

PGS.TS. Cao Hùng Phi- Hiệu trưởng trường cho rằng: “Chất lượng của trường chính là sản phẩm đầu ra, các ngành kỹ thuật sinh viên phải đạt chuẩn kỹ năng nghề 3/5”.

Trường CĐ Nghề Vĩnh Long cũng đẩy mạnh việc dạy nghề và được nhiều doanh nghiệp đặt hàng tuyển dụng. Băn khoăn lớn nhất của các trường nghề vẫn là cơ sở vật chất. Bởi thực hành nghề rất cần trang thiết bị và phải luôn luôn đổi mới để theo kịp thời đại.

Đào tạo theo cái mình có và cái xã hội cần

Xã hội cần đa dạng các ngành nghề và trong mỗi giai đoạn phát triển có thể sẽ có “độ chênh” giữa cung và cầu. Đào tạo theo cái mình có là đào tạo theo đội ngũ và thế mạnh của trường chính là việc mà các cơ sở giáo dục- đào tạo đang làm. Một số trường còn đào tạo theo những ngành “hot” mà xã hội đang cần.

Trong buổi giao lưu với doanh nghiệp vừa qua tại Trường CĐ Kinh tế- Tài chính Vĩnh Long, nhiều sinh viên quan tâm đến việc doanh nghiệp cần gì? Tuyển người như thế nào? Một sinh viên ngành tài chính ngân hàng hỏi: “Em học CĐ xin vô ngân hàng làm có được không?”

Ông Cao Hồng Sơn- Giám đốc Sacombank chi nhánh Vĩnh Long trả lời ngắn gọn: “Ngân hàng chúng tôi nhận cả những người mới tốt nghiệp phổ thông”. Cái doanh nghiệp cần không phải là tấm bằng ĐH hay CĐ mà là người lao động làm được gì”.

Trả lời câu hỏi doanh nghiệp cần gì ở người lao động sẽ giải quyết được bài toán nâng chất lượng sinh viên ra trường nói riêng và chất lượng đào tạo nói chung.

Trên cơ sở khảo sát ý kiến doanh nghiệp, PGS. TS Đặng Văn Phan- Trưởng Khoa Quản trị kinh doanh- Trường ĐH Cửu Long cho rằng:

Tăng cường mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp là việc làm rất cần thiết. Nhà trường cần được tự chủ và chủ động về quy mô đào tạo, hình thức tuyển sinh, xây dựng chương trình đào tạo. Cần có trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực để đảm bảo cho đào tạo và sử dụng.

Thiết nghĩ, việc cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở giáo dục là rất cần vì đây là động lực để các trường đầu tư cho chất lượng sản phẩm đào tạo. Con đường phát triển duy nhất là nâng cao chất lượng GD-ĐT và chính chất lượng sẽ tạo nên hình ảnh, thương hiệu của mỗi trường.

Theo Nguyễn Hữu Châu trong cuốn “Chất lượng giáo dục- Những vấn đề lý luận và thực tiễn” (2008) cho rằng người tốt nghiệp ĐH cần có 3 khả năng và nhìn vào khả năng này có thể đánh giá năng lực của họ: Có khả năng tìm được việc làm, tạo được việc làm trong một thị trường lao động đầy biến động; có khả năng tự học, tự đào tạo, thường xuyên cập nhật kiến thức của mình; có khả năng chuyển đổi ngành nghề, chiếm lĩnh được những trình độ chuyên môn mới, đó chính là yếu tố của năng lực thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN