Phân luồng học sinh sau THCS, còn lắm gian nan

Cập nhật, 15:47, Thứ Tư, 22/03/2017 (GMT+7)

Tỉnh Vĩnh Long thực hiện đề án phân luồng học sinh sau THCS từ năm 2012 đến nay, 5 năm qua, ý thức của học sinh, phụ huynh về phân luồng đã được nâng lên.

Tuy nhiên, để đề án này đi đúng lộ trình và mang lại hiệu quả cao vẫn là con đường dài nhiều khó khăn, đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội.

Học sinh học nghề ở Trường CĐ Nghề Vĩnh Long.
Học sinh học nghề ở Trường CĐ Nghề Vĩnh Long.

3,8% học sinh chọn trường nghề

Thời gian qua, Vĩnh Long đã có nhiều biện pháp để thực hiện công tác phân luồng học sinh sau THCS: giáo dục hướng nghiệp; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, học sinh, thực hiện phân luồng trong tuyển sinh vào lớp 10 THPT, phát triển mạng lưới giáo dục nghề nghiệp.

Điều này tạo chuyển biến tích cực trong việc điều chỉnh hợp lý cơ cấu và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu xã hội.

Trường THCS Nguyễn Trường Tộ (TP Vĩnh Long) được xem là đơn vị thực hiện khá tốt công tác phân luồng nhờ tư vấn kỹ cho học sinh.

Trong 2 năm học liền, 2014- 2015; 2015- 2016, trường này có 100% học sinh sau THCS vào học lớp 10 THPT, lớp 10 giáo dục thường xuyên hoặc đi học nghề, không có học sinh nào chưa qua đào tạo trực tiếp vào thị trường lao động.

Tuy nhiên, nhìn chung số học sinh sau tốt nghiệp THCS không vào học nghề hoặc giáo dục thường xuyên mà đi theo luồng khác còn khá lớn.

Ông Nguyễn Ngọc Khương- Trưởng Phòng Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên- phân tích các số liệu: Năm học 2012- 2013, có 9,5% học sinh vào giáo dục thường xuyên thì đến năm 2015- 2016, có 7,79% học sinh vào đây học, trong khi mục tiêu đề án đến năm 2015 phải có tới 12%.

Số học sinh vào trung cấp chuyên nghiệp- trung cấp nghề năm học 2012- 2013 là 4,5% thì năm 2015- 2016 là 5,91%, trong khi so với mục tiêu đề án đến năm 2015 phải là 9,4%.

Ông Nguyễn Ngọc Khương cho rằng chuyển biến về nhận thức trong xã hội về học nghề tuy có thay đổi nhưng còn chưa đủ mạnh. Việc tư vấn hướng nghiệp trong các trường THCS chưa đạt được hiệu quả.

Theo Phòng GD-ĐT huyện Vũng Liêm, nhận thức về phân luồng trong học sinh, phụ huynh và cả giáo viên còn hạn chế. Giáo viên phân công làm công tác phân luồng còn thiếu nhiệt tình, thiếu khả năng và chưa theo sát sự phát triển xã hội.

 

Tính bình quân trong 5 năm qua, toàn tỉnh có 82,06% học sinh sau THCS vào lớp 10 THPT; 7,65% học sinh vào giáo dục thường xuyên; 3,8% học sinh chọn học trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề và 6,49% đi luồng khác.

Đã có điều kiện cần, điều kiện đủ

Ông Trần Anh Tuấn- Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Vĩnh Long- cho rằng việc học nghề đã được Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi. Học sinh học nghề có cơ hội việc làm cao, thu nhập hấp dẫn.

Nghị định 86 năm 2015 của Chính phủ đã quy định việc miễn giảm học phí 100% cho học sinh học theo đề án phân luồng. Trường CĐ Nghề Vĩnh Long được tỉnh giao 600 chỉ tiêu, trong đó có 500 chỉ tiêu hệ trung cấp và 100 chỉ tiêu hệ CĐ.

Ông Trần Anh Tuấn cũng cho biết: “Hiện có khoảng 50 doanh nghiệp gửi thông báo tuyển dụng cho chúng tôi. Họ cần khoảng 1.500 lao động nghề nhưng trường không cung cấp đủ”. Vậy, điều kiện học, điều kiện làm đều có, tại sao học sinh không chọn trường nghề?

Học sinh ở trung tâm giáo dục nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên vừa học văn hóa, vừa được tạo điều kiện học nghề.
Học sinh ở trung tâm giáo dục nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên vừa học văn hóa, vừa được tạo điều kiện học nghề.

Hiệu trưởng Trường CĐ Cộng đồng Vĩnh Long Trần Thanh Tùng cũng cho biết: “Có những ngành trung cấp nghề như hàn, tiện,… chúng tôi không tuyển được, trong khi nhu cầu thị trường rất cần. Tôi cam kết các ngành đào tạo theo giáo dục nghề nghiệp ra trường đều có việc làm”.

Ông cũng cho rằng, cần có những con số cụ thể và chính xác hơn về việc học sinh đi “luồng khác” và số học sinh đã chọn học nghề nhưng lại bỏ học. Nói về lý do, ông cho rằng: Đa số phụ huynh là nông dân, họ đều mơ ước con mình có nghề nhàn nhã hơn nghề nông và phụ huynh cũng chưa nhìn được bức tranh ngành nghề trong xã hội như thế nào.

Con đường phía trước để thực hiện đề án phân luồng, xem ra còn lắm khó khăn. Ông Phạm Văn Hồng- Phó Giám đốc Sở GD- ĐT Vĩnh Long- chỉ đạo các trường THCS cần mạnh mẽ hơn nữa trong khâu tư vấn: “Mỗi trường thành lập một ban tư vấn và hiệu trưởng là trưởng ban để chỉ đạo công tác này”.

Phân luồng học sinh sau THCS giúp học sinh không lãng phí thời gian, tiền bạc gia đình và xã hội. Học sinh được chọn đường đi phù hợp với năng lực, trình độ của bản thân, đồng thời đáp ứng nhu cầu lao động trong xã hội. Thiết nghĩ, để thực hiện được điều này cần sự cố gắng nỗ lực từ nhiều phía để thay đổi nhận thức xã hội.

 

Ông Lữ Quang Ngời- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho rằng: Để thực hiện tốt tư vấn phân luồng, trước hết các trường nghề cần khẳng định thương hiệu của mình, phải cho phụ huynh học sinh thấy được bức tranh học nghề và việc làm sau ra trường. Các trường THCS đẩy mạnh hướng nghiệp, các trường nghề đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị… để đào tạo lao động tốt, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.

  • ™Bài, ảnh: CAO HUYỀN