Học ngành gì dễ đi lao động ở Nhật Bản?

Cập nhật, 18:09, Thứ Năm, 23/03/2017 (GMT+7)

Được tham gia xuất khẩu lao động (XKLĐ) là mong ước của nhiều bạn trẻ và câu hỏi học ngành gì để dễ XKLĐ được nhiều bạn quan tâm. Bởi lẽ, người lao động có tay nghề thì thu nhập hấp dẫn hơn và con đường việc làm sau khi về nước cũng đa dạng hơn nhiều.

Trong đó, thị trường lao động Nhật Bản được quan tâm đặc biệt bởi thu nhập cao nhất so với các thị trường khác.

Nhiều học sinh quan tâm tìm hiểu các ngành nghề học xong dễ xuất khẩu lao động.
Nhiều học sinh quan tâm tìm hiểu các ngành nghề học xong dễ xuất khẩu lao động.

Chọn ngành phù hợp

Năm 2017, thị trường XKLĐ vẫn tập trung vào những thị trường truyền thống như: Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia,… Trong đó, thị trường Nhật Bản có tiềm năng lớn và được nhiều lao động lựa chọn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là học sinh muốn XKLĐ “tinh”- lao động có tay nghề, chứ không phải XKLĐ “thô”- lao động phổ thông.

TS. Nguyễn Thanh Tùng- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long cho biết: “Hầu hết các ngành kỹ thuật thị trường Nhật Bản đều cần. Bên cạnh đó, còn có các ngành điều dưỡng, y tế, xây dựng. Muốn XKLĐ có tay nghề, sinh viên ra trường phải trải qua thi đánh giá kỹ năng tay nghề, ngoài ra phải có trình độ tiếng Nhật ít nhất là N3”.

Ngành cơ khí được ưa chuộng tại thị trường Nhật Bản, công việc phổ biến trong ngành cơ khí phải kể đến như: hàn, phay, tiện, gia công cơ khí, dập kim loại, lắp ráp linh kiện máy móc, điện tử,…

Trong những ngành này thì hàn và tiện luôn được nhiều doanh nghiệp Nhật Bản tuyển chọn thực tập sinh nhất. Ngành xây dựng Nhật Bản cũng sẽ cần một lượng lớn lao động làm việc phục vụ cho thế vận hội Olympic tổ chức tại Tokyo.

Tuy nhiên, so với những ngành nghề khác thì điều kiện tuyển dụng ngành này có phần khắt khe hơn, bởi đặc thù của ngành đòi hỏi người lao động cần phải có sức khỏe, do đó hầu hết các đơn hàng đều tuyển lao động nam có chiều cao từ 1,65m trở lên, có sức khỏe tốt, những ai có kinh nghiệm làm xây dựng là một lợi thế lớn khi tham gia thi tuyển.

Trong đợt tư vấn tuyển thực tập sinh tại Trường CĐ Nghề Vĩnh Long năm 2016, đại diện Công ty TNHH Ê SU HAI cho rằng: Nếu bạn muốn sang Nhật để rèn luyện kỹ năng, nâng cao tay nghề thì nên chọn một ngành nghề phù hợp với năng lực và trình độ chuyên môn của bản thân.

Ông Trần Anh Tuấn- Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Vĩnh Long cho biết: Ngày 30/3, có 9 học sinh của trường sang Nhật Bản làm việc dạng thực tập sinh, theo chương trình ký kết hợp tác giữa trường và Công ty TNHH Ê SU HAI. Lợi thế của những học sinh này là sẽ vừa được học nghề vừa có việc làm để có thu nhập cho bản thân, gia đình.

Cẩn thận kẻo “bị lừa”

Các công ty chuyên XKLĐ bao giờ cũng có quy trình tuyển dụng. Các loại phí được chia làm nhiều đợt và công ty có nêu rõ thời gian nào đóng loại phí gì. Nếu công ty nào mới vào là đóng ngay mấy chục triệu thì nên xem xét vì có dấu hiệu mờ ám. Lao động có nhu cầu XKLĐ nên đến các cơ quan chính thống để tìm hiểu thông tin, như Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh, Trung tâm Giới thiệu việc làm hoặc tham khảo danh sách các công ty được cấp phép XKLĐ tại trang web của Cục Quản lý lao động ngoài nước: www.dolab.gov.vn.

 

Chuẩn bị hành trang

Khi xác định được ngành học phù hợp để XKLĐ, học sinh cần quan tâm đầu tư vốn ngoại ngữ từ sớm. Vì càng thông thạo tiếng Nhật thì cơ hội trúng tuyển càng cao, việc làm và thu nhập cũng hấp dẫn hơn.

Ông Võ Thanh Toàn- Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường CĐ Nghề Vĩnh Long cho biết: Khó khăn lớn nhất của lao động hiện nay là thiếu vốn tiếng Nhật.

Do đó, học sinh- sinh viên phải chủ động học tiếng Nhật từ sớm vì yêu cầu trình độ tiếng Nhật với lao động phổ thông là N4 và lao động có tay nghề tối thiểu là N3.

Ngoài ra, lao động sau khi về nước nếu có trình độ tiếng Nhật N2, N3 sẽ được giới thiệu việc làm tại các công ty liên doanh với ngành nghề tương tự lúc làm ở Nhật.

Về vấn đề giới tính khi XKLĐ, các nghề kiểm tra lắp ráp, xử lý linh kiện điện tử, hay nói chung là điện tử đều dành cho cả nam và nữ.

Độ tuổi được coi là “đẹp nhất” để đi XKLĐ sang Nhật Bản là: nam 20- 28 tuổi, nữ 19-30 tuổi, biên độ của nữ dài hơn do số lượng nữ tham gia thường ít hơn nam, chỉ tiêu tuyển chọn cũng nhiều. Một số ngành như xây dựng, điều dưỡng, nông nghiệp chuộng lao động có độ tuổi cao vì nhà tuyển dụng cho rằng những người này đã có kỹ năng làm việc.

Thị trường xuất khẩu lao động đang cần lao động có tay nghề.
Thị trường xuất khẩu lao động đang cần lao động có tay nghề.

Ngoài ra, học sinh còn phải có sức khỏe tốt để đáp ứng nhu cầu công việc. Anh Nguyễn Hải Phương (Tam Bình) hiện đang làm việc tại Nhật cho biết: “Muốn XKLĐ sang Nhật phải có đầy đủ sức khỏe, có tính kỷ luật cao và chịu được sự khắc nghiệt của thời tiết.

Lao động các ngành có yêu cầu chung là khỏe mạnh, nhanh nhẹn, có kỹ năng nghề, bên cạnh đó, các xí nghiệp Nhật Bản còn xem xét tác phong, ý thức làm việc của lao động”.

Tóm lại, học sinh muốn tham gia đi XKLĐ sang Nhật Bản dạng có tay nghề phải đánh giá đúng bản thân, điểm mạnh điểm yếu, sở thích… để từ đó lựa chọn ra ngành nghề phù hợp nhất. Đồng thời, gắn năng lực bản thân với nhu cầu thị trường để chọn ngành học dễ tham gia XKLĐ.

 

Theo các công ty XKLĐ, hiện nay có khá nhiều đơn hàng kỹ sư yêu cầu trung cấp, CĐ, ĐH làm việc đọc bản vẽ, thiết kế, sử dụng các phần mềm,… theo đúng các chuyên ngành các bạn đã học, với mức thu nhập khoảng 200.000 yên/tháng (40 triệu đồng). Riêng đối với các bạn tốt nghiệp từ trung cấp trở lên, nếu không đúng chuyên ngành thì vẫn có được lợi thế khi phỏng vấn trực tiếp với doanh nghiệp phía Nhật Bản, vì họ cho rằng những lao động này sẽ dễ dàng tiếp thu công việc nhanh hơn.

 

Bài, ảnh: CAO HUYỀN