"Sắc mới" cho du lịch đồng bằng

Cập nhật, 09:09, Chủ Nhật, 15/11/2015 (GMT+7)

Đến với vùng sông nước, du khách sẽ được làm quen với điểm du lịch mới ở TP Cần Thơ với tên gọi khá lạ- Khu Du lịch (KDL) Lung Cột Cầu (đường Đá Nổi, ấp Nhơn Thành, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền) do một nhà báo về hưu làm chủ.

Đoàn nhà báo các tỉnh trong chuyến đi thực tế tại KDL Lung Cột Cầu.
Đoàn nhà báo các tỉnh trong chuyến đi thực tế tại KDL Lung Cột Cầu.

Địa danh với tên gọi kỳ lạ

Từ lộ Cần Thơ- Vị Thanh, chúng tôi rẽ phải vào con đường quê rợp bóng cây dài 405m. Biết chính xác chiều dài vì bảng chỉ đường có con số “lẻ 5” khá thú vị. Tên cổng chào là KDL Lung Cột Cầu, nhưng quay ngược ra thì tên là KDL Bưng Đá Nổi.

Chỉ tay vào bức phù điêu tái hiện hình ảnh Bưng Đá Nổi- Lung Cột Cầu ngày xưa, ông Nguyễn Văn Tuấn (tên thường gọi là Sáu Tuấn)- chủ KDL cho biết: “bưng” và “lung” theo cách gọi của người miền Tây là vùng ngập nước rộng lớn, nhiều cỏ lác, không thể trồng gì được.

Ông kể: Ngày xưa, khi người dân mò cua, bắt cá, đã phát hiện những khối đá đều nhau nhô lên giữa bưng khi nước cạn, nên đặt tên là Bưng Đá Nổi.

Họ cũng nhặt được những mảnh sứ, ấm chén, tượng đá, mảnh vàng và nhiều cọc gỗ lim. Cho rằng, đây là những cột được người xưa dùng để làm cầu qua lại trên lung nên gọi là Lung Cột Cầu. Do đó, địa phương này có 2 cái tên lạ như vậy.

KDL được chỉnh trang theo nền tảng sẵn có là vườn cây ăn trái bao quanh hồ nước (rộng gần 2ha) trồng ấu và các nhà thủy tạ. Nếu như ở các KDL khác thường có bảng chỉ dẫn: “đi lối này”, “hãy cho tôi rác”, “không được hái trái”... thì ở đây ông Sáu Tuấn lại dùng từ khá thú vị với “em chọn lối này”, “cho tôi giúp bạn”, “xin đừng hái trái”.

Dừng chân bên hàng ghế đá, thấy có in tên khá nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ cải lương. Ông Sáu Tuấn kể: Năm 1954, đây là nơi hoạt động cách mạng, để tránh bị phát hiện đã ngụy trang bằng hình thức sinh hoạt đờn ca tài tử.

Gia đình ông đã tận dụng mặt nước rộng lớn để trồng ấu nuôi quân, nên được gọi là gia đình “bầu ấu” nuôi quân. Sau ngày giải phóng, hàng trăm nhạc sĩ, nghệ sĩ tìm về, mở trại sáng tác và để lại dấu ấn lưu niệm.

“Giữ hồn” di sản văn hóa

Hỏi về việc “bén duyên” với ngành du lịch, ông cười đùa “từ động lực… con tui không có việc làm”. Thật ra là vì ông muốn tạo cơ ngơi cho người con trai đang học thạc sĩ quản trị kinh doanh và tạo việc làm cho 60 lao động tại địa phương.

Cùng với đó là “sự thúc đẩy của những người xung quanh từ vài chục năm về trước”- ông Sáu Tuấn kể. Bên cạnh, ông có kinh nghiệm của người làm báo, hiểu biết rộng, gần đây, ông là Phó BTC Tuần lễ Du lịch xanh ĐBSCL (từ 27/6- 3/7/2015), đã tác động mạnh mẽ đến ý tưởng làm du lịch dựa trên nền tảng sẵn có.

Phần đất của KDL là 1 trong 4 địa điểm từng được khai quật những hiện vật thuộc di chỉ văn hóa Óc Eo- nơi dân cư Phù Nam sinh sống cách đây trên 1.500 năm.

Hiện, ông đang chuẩn bị mở khu trưng bày hiện vật trước cổng để du khách tham quan, tìm hiểu. Ông cũng đang ấp ủ dự định tiếp nối truyền thống văn hóa gia đình, sưu tập bộ nhạc cụ tứ tuyệt “kìm, cò, tranh, độc” để tạo hiệu ứng âm thanh, giúp du khách thưởng thức nguyên bản phong cách đờn ca tài tử Nam Bộ ngày xưa.

Ông Sáu Tuấn (bìa trái) trao đổi với các nhà báo về cách làm du lịch của mình.
Ông Sáu Tuấn (bìa trái) trao đổi với các nhà báo về cách làm du lịch của mình.

Ngoài ra, ông còn triển khai khu vui chơi dành cho trẻ em và khu ẩm thực tự phục vụ. Trước mắt, KDL chủ yếu phục vụ câu cá giải trí, trò chơi dân gian, thưởng thức món ăn dân dã cùng các loại rau vườn, trái cây tại vườn.

Với ông Sáu Tuấn “du lịch là biết phát huy thế mạnh của mình”, nên ông đã mạnh dạn đăng cai hưởng ứng ngày Du lịch Thế giới (27/9) và tổ chức khá thành công thông qua việc tái hiện chợ nổi, tổ chức đua thuyền, bơi xuồng, trưng bày đoàn xe cổ (70 chiếc), chơi trò chơi dân gian và thi làm bánh và trưng bày trái cây theo mùa vụ.

Nhiều năm làm lãnh đạo Đài PT-TH Cần Thơ, Đài PT-TH Hậu Giang, nhưng ông vẫn khiêm tốn “không dám quảng bá” vì thấy mình chưa làm được nhiều, du khách tìm đến chủ yếu là tự giới thiệu truyền miệng nhau. Hiện, KDL của ông đón khoảng 100 khách/ngày. Vào cuối tuần từ 300- 500 người/ngày.

Chia tay ông, hình ảnh người miền Tây hào phóng, biết sống trọn vẹn cho hôm nay đậm đầy trong lòng chúng tôi, vì với ông “ngày hôm qua đã xong, ngày mai thì chưa tới”.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI