Cụm du lịch phía Đông: Liên kết "dọc- ngang" cho du lịch

Cập nhật, 13:32, Thứ Tư, 23/09/2015 (GMT+7)

Cụm Liên kết phát triển du lịch phía Đông (Cụm Du lịch phía Đông) có Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL) 4 tỉnh là: Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh và Tiền Giang.

Mới đây, cụm đã chào đón một thành viên mới gia nhập “ngôi nhà chung” là Sở VH, TT và DL tỉnh Long An. Điều này giúp tăng thêm sức mạnh cho mối liên kết truyền thống “chiều ngang”; đồng thời tạo nền vững chắc phát triển những mối liên kết “dọc”.

Xây “móng” cho “ngôi nhà chung”

Theo ông Trần Duy Phương- Phó Giám đốc Sở VH, TT và DL Bến Tre: “Việc liên kết vùng để phát triển như là ở “ngôi nhà chung”. Ngôi nhà đó sẽ là nơi tốt nhất để những “người thân” trong gia đình có thể trao đổi thông tin, học tập kinh nghiệm lẫn nhau trong vấn đề phát triển du lịch hiện nay”. Thấy được tầm trò quan trọng đó, ngay từ khi mới thành lập vào tháng 9/2013 để ở cùng “ngôi nhà chung”, Sở VH, TT và DL các tỉnh trong Cụm Du lịch phía Đông đã bắt tay ký kết chương trình liên kết, hợp tác phát triển đến năm 2020 và triển khai kế hoạch điều phối, định hướng cho lĩnh vực du lịch của các tỉnh trong “ngôi nhà chung” này giai đoạn 2013- 2014.

Chưa có nhiều tour khai thác sâu những nét đẹp văn hóa, sinh hoạt đời thường người dân Nam Bộ. Trong ảnh: Đấu cờ người.
Chưa có nhiều tour khai thác sâu những nét đẹp văn hóa, sinh hoạt đời thường người dân Nam Bộ. Trong ảnh: Đấu cờ người.

Từ đó đến nay, các thành viên trong cụm luôn đau đáu tìm phương thức để duy trì và phát huy những tiềm năng, lợi thế vốn có về du lịch của vùng, thông qua những cuộc hội thảo, tổ chức cho các đơn vị kinh doanh lữ hành khảo sát một số điểm du lịch tiềm năng trong cụm để giao lưu, phối hợp xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù chung. Bên cạnh đó, là những người thực hiện trực tiếp, Trung tâm Thông tin- Xúc tiến du lịch các tỉnh cũng thường xuyên giữ gìn sợi dây liên lạc để cùng nhau trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau trong công tác xúc tiến, quảng bá sản phẩm, hình ảnh của mỗi địa phương, hay cùng nhau tạo nên tập thể đoàn kết để tham gia hội chợ, triển lãm với gian hàng chung, xây dựng chương trình liên kết các sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương theo phương châm “Bốn địa phương- Một điểm đến”.

Sau hơn 2 năm thực hiện chương trình liên kết, ông Phan Văn Giàu- Phó Giám đốc Sở VH, TT và DL Vĩnh Long (Cụm trưởng năm 2015) nhận định: Cụm Du lịch phía Đông thời gian qua đã có nhiều hoạt động để đẩy mạnh phát triển du lịch. Nổi bật là tập trung xây dựng nhiều sản phẩm đặc thù, đa dạng hóa các loại hình và sản phẩm du lịch ở mỗi địa phương. Đồng thời, môi trường du lịch luôn được các tỉnh trong cụm đảm bảo an toàn, từ đó thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch, vui chơi, giải trí.

Với việc có thêm Long An, Cụm Du lịch phía Đông đã có thêm tiểu vùng đặc thù đa dạng vừa là cầu nối đệm với TP Hồ Chí Minh, vừa mở ra vùng “nguyên liệu” độc đáo cho các gói tour về Tháp Mười, tiệm cận tuyến biên giới Campuchia. Với thông điệp quảng bá, xúc tiến du lịch “Năm địa phương- Một điểm đến”, các thành viên trong cụm đều nhận thức được cần phải có sợi dây liên lạc đủ chắc để kết nối ngành du lịch của các tỉnh lại với nhau, đồng thời cũng cần có người đủ tầm để “cầm cương” điều khiển sợi dây liên lạc đó đi đúng theo định hướng, mục tiêu của cụm đề ra.

Đẩy mạnh những mối liên kết ngoại vùng

Vùng sinh thái Tháp Mười (Long An).
Vùng sinh thái Tháp Mười (Long An).

Ông Trần Minh Thanh- Phó Giám đốc Sở VH, TT và DL Trà Vinh, thừa nhận rằng qua việc tham gia Cụm Du lịch phía Đông, Trà Vinh là tỉnh được hưởng lợi nhiều nhất, khi thường xuyên được xuất hiện, tham gia các hội thảo, hội chợ chuyên ngành, học tập được nhiều kinh nghiệm của các thành viên khác vốn đã có thời gian dài phát triển du lịch; tuy nhiên, sự phát triển chung của cụm vẫn chưa được như mong muốn, chưa tận dụng triệt để, cũng như phát huy tối đa tiềm năng lợi thế sẵn có. Ông tiếc rẻ: “Trà Vinh là tỉnh nằm cạnh biển, có nhiều tiềm năng, nhưng thời gian qua du lịch của tỉnh chưa được phát huy hết hiệu quả. Nguyên nhân là do các địa phương vẫn tự vận động là chính, việc liên kết phát triển nội vùng chưa đi vào chiều sâu, bên cạnh đó sản phẩm du lịch đặc thù chung của cụm chưa hình thành, chưa có tài liệu, ấn phẩm quảng bá, giới thiệu du lịch chung”. Rõ ràng cho đến nay, mối liên kết “hình thức” là rất tốt, có việc thắt chặt các mối quan hệ nội vùng, nhưng thực chất chưa có những chuyến famtrip tổng thể, để xây dựng nên những gói tour kết nối các địa phương lại với nhau. Từ đó, tạo nên sức hấp dẫn, phong phú của sản phẩm đủ sức vươn ra khỏi vùng, tạo các mối liên kết trong nước, quốc tế.

Đồng thuận với quan điểm trên, ông Lê Hoàng Vinh- Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Vinh Sang- đặt vấn đề, từ thực trạng du lịch hiện nay của khu vực ĐBSCL, tại sao các doanh nghiệp trong cụm không tổ chức liên kết hỗ trợ lẫn nhau, để cùng hướng đến mục tiêu chung. Thiết nghĩ, thời gian tới, lãnh đạo Cụm Du lịch phía Đông cần chủ động, làm cầu nối để những doanh nghiệp kinh doanh du lịch như chúng tôi được gặp gỡ, trao đổi hợp tác với nhau, thiết kế, xây dựng tour du lịch đặc thù của cụm.

Ông Trần Việt Phường- Giám đốc Sở VH, TT và DL TP Cần Thơ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL- đã đánh giá cao tinh thần liên kết giữa các thành viên trong cụm. Đồng thời nhấn mạnh, thời gian tới, Cụm Du lịch phía Đông ĐBSCL cần phát huy 3 vấn đề trọng tâm. Trong đó, tập trung nâng cao tính liên kết hợp tác giữa các tỉnh trong cụm thông qua việc tham gia những sự kiện du lịch; đặc biệt trước mắt, cần chuẩn bị tốt về mọi mặt để tham gia các hoạt động của Năm Du lịch quốc gia 2016 được tổ chức tại tỉnh Kiên Giang. Cần phát huy sự hợp tác giữa các tỉnh trong công tác quản lý nhà nước về du lịch, nhằm nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp, quần chúng nhân dân về công tác phát triển du lịch ở địa phương. Đồng thời, đổi mới, cải tiến phương thức làm việc, nâng cao năng lực quảng bá, xúc tiến du lịch của cụm ngày càng phát triển theo xu hướng của thời đại mới.

6 tháng đầu năm 2015, khách du lịch đến tham quan, vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng tại các địa phương trong cụm tiếp tục tăng. Cụ thể, ngành du lịch 5 tỉnh: Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang, Long An đã đón 2.417.207 lượt khách, tăng bình quân 15,6%. Trong đó, khách quốc tế là 576.504 lượt, tăng bình quân 7,4%; khách nội địa là 1.833.703 lượt, tăng bình quân 8,4%. Doanh thu từ du lịch đạt 976 tỷ đồng, tăng bình quân 18,16%.

 

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG