"Ông Sáu 01" được phong tặng Anh hùng Lao động

Cập nhật, 21:50, Thứ Sáu, 08/01/2021 (GMT+7)

 

Phó Chủ tịch nước- Đặng Thị Ngọc Thịnh trao danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho ông Ngô Ngọc Bỉnh (ảnh: TẤN ANH)
Phó Chủ tịch nước- Đặng Thị Ngọc Thịnh trao danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho ông Ngô Ngọc Bỉnh (ảnh: TẤN ANH)

(VLO) Nhiều người xem ông như “Bụt” hiện thân, bởi cần mẫn suốt bao năm qua luôn làm những công việc đặc biệt giúp ít cho đời, nhất là người khuyết tật, bệnh nhân nghèo và những trẻ em cơ nhỡ, khó khăn.

Ông là Ngô Ngọc Bỉnh (Sáu Kỳ)- nguyên Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long, Chủ tịch danh dự Hội Người khuyết tật, Bảo trợ trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh Vĩnh Long.

Bà con thường gọi ông với cái tên gần gũi- “ông Sáu 01”, bởi ông là người khởi xướng Chỉ thị số 01/CT-TU của Tỉnh ủy Vĩnh Long về Cuộc vận động thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.

Khi đó với cương vị là Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long, ông trực tiếp chỉ đạo đề ra một loạt nội dung, kế hoạch thực hiện cuộc vận động. Trước tiên ban hành 10 tiêu chí xây dựng khu dân cư (ấp, khóm), 8 tiêu chí xây dựng tổ nhân dân tự quản, 6 tiêu chí xây dựng gia đình có cuộc sống mới.

“Trong tình hình lúc bấy giờ ở nông thôn cầu khỉ còn giăng giăng, nhà dân còn đốt đèn dầu. Tôi mạnh dạn đề ra khẩu hiệu “đường thông xe 2 bánh, điện sáng đến mọi nhà”, đường trước nhà ai nấy đắp, cầu trước nhà ai nấy xây. Cuộc vận động đã được nhân dân đồng tình, hưởng ứng tích cực và thực hiện thành phong trào rộng lớn”- ông Ngô Ngọc Bỉnh nhớ lại.

Khi phong trào phát triển khá tốt, ông mạnh dạn mở rộng cuộc vận động lên cấp trên, địa bàn dân cư xã, phường, thị trấn với 12 tiêu chí, đồng thời xin ý kiến mở cuộc vận động thứ 2- “xây dựng nếp sống văn minh nơi công cộng”. Qua đó đã “bao phủ” gần như toàn bộ từ cán bộ, công nhân viên cơ quan đến người dân bình thường đều thực hiện.

Kết quả thiết thực của chỉ thị này là đã góp phần thay đổi sinh hoạt khu dân cư “đường thông xe 2 bánh, điện sáng đến mọi nhà”, Nhà nước và nhân dân cùng thực hiện xây đường, xóa cầu khỉ, xóa cầu vệ sinh trên ao, hồ, kéo điện thắp sáng cho hộ gia đình; xây dựng nếp sống văn minh nơi công cộng. Mô hình này được UBMTTQ Việt Nam bổ sung vào kế hoạch thực hiện cho cả nước.

Còn khi nói về cơ duyên đến Hội Người khuyết tật, Bảo trợ trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh Vĩnh Long, ông Ngô Ngọc Bỉnh cho biết, đầu năm 2002 khi còn đương nhiệm Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long, được tin ở TP Hồ Chí Minh có tổ chức Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo hoạt động đem lại hiệu quả thiết thực đối với người nghèo và bệnh nhân nghèo, ông nung nấu ý định thành lập một mô hình như vậy ở Vĩnh Long.

Ông trực tiếp mời ông Nguyễn Vĩnh Nghiệp- Chủ tịch Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo TP Hồ Chí Minh đến phát biểu với hội nghị UBMTTQ Việt Nam tỉnh, được toàn thể các vị trong hội nghị hoan nghênh nhiệt liệt.

Tháng 8/2002, BCH lâm thời Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo tỉnh Vĩnh Long ra đời. Thời gian đầu, hội gặp quá nhiều khó khăn, lúng túng trong nội dung, phương thức hoạt động, không có kinh phí, không chỗ làm việc, không có cán bộ chuyên trách, không có lãnh đạo cấp trên hướng dẫn nên chưa phát huy được nhiều.

Cuối năm 2005, Đại hội Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo bầu ban chấp hành chính thức, ông được đại hội tín nhiệm bầu làm chủ tịch chuyên trách.

Đại hội đề ra nhiều chương trình mục tiêu như: mổ mắt cho người mù nghèo mổ tim bẩm sinh cho trẻ em, cấp xe lăn, xe lắc cho người khuyết tật; bếp ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo ở các bệnh viện, hỗ trợ đột xuất trường hợp đặc biệt khó khăn.

Vài tháng sau, BCH bổ sung thêm chương trình phẫu thuật bệnh phụ khoa cho phụ nữ nghèo. Những chương trình nêu trên đều được thực hiện khá tốt, nhất là chương trình mổ mắt miễn phí cho người mù nghèo.

“Qua hơn 1 năm thực hiện, tôi thấy chương trình mổ tim cho trẻ em là quan trọng nhất, bởi vì bệnh tim không phẫu thuật là không sống thọ được.

Tôi đưa vấn đề này ra bàn trong Thường vụ Hội, trong 6 chương trình nên tập trung vận động đột phá chương trình phẫu thuật tim. Biết rằng phẫu thuật tim chi phí lớn nhất và cũng vận động khó nhất nhưng nếu phẫu thuật thành công một ca tim là cứu mạng sống một con người.

Với ý nghĩa này, chương trình được Ban thường vụ Hội thống nhất”- ông Ngô Ngọc Bỉnh nói. Sau hiệu quả chương trình này, ông lại băn khoăn khi thấy “người lớn tuổi bệnh tim khá nhiều, nhưng lại là trụ cột gia đình”. Qua vận động được các nhà tài trợ ủng hộ, đến cuối nhiệm kỳ, chương trình mổ tim đạt hơn 500 ca, tỷ lệ tăng 10 lần kế hoạch đề ra.

Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới được trao tặng là niềm tự hào không riêng cá nhân ông mà còn là của tỉnh Vĩnh Long. Mong ông luôn mạnh khỏe, tiếp tục hiến kế, đóng góp nhiều hơn vào công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh nhà nói riêng và cả nước nói chung.

Tổng giá trị phúc lợi Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo của tỉnh vận động được gần 500 tỷ đồng, hỗ trợ hơn 700 trường hợp mổ tim; điều trị và phẫu thuật 378 trường hợp phụ nữ nghèo mắc bệnh phụ khoa; phẫu thuật thay thủy tinh thể cho trên 14 nghìn ca; hỗ trợ xây 2.404 công trình vệ sinh tự hoại trong nhà và 451 hệ thống nước sạch cho người khuyết tật nặng. Đồng thời, Hội cấp 5.458 xe lăn cho người khuyết tật, xây mới 779 căn nhà tình thương...

HOÀNG MINH