Cảnh báo nguy cơ đột quỵ ở trẻ em

Cập nhật, 06:31, Thứ Sáu, 08/01/2021 (GMT+7)

 

Túi phình động mạch não của bé trai 3 tuổi ở tỉnh Vĩnh Long gây ra đột quỵ xuất huyết não. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.
Túi phình động mạch não của bé trai 3 tuổi ở tỉnh Vĩnh Long gây ra đột quỵ xuất huyết não. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

(VLO) Theo các bác sĩ (BS), đột quỵ rất thường gặp ở người lớn và là một trong những bệnh lý gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Để điều trị đột quỵ, cần phải phát hiện bệnh lý sớm và cần được can thiệp kịp thời thì mới có khả năng cứu sống được bệnh nhân.

Ở trẻ em, đột quỵ cũng gây nguy cơ tử vong rất cao. Song, bệnh rất dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh lý khác và thường dẫn tới nguyên nhân làm chậm trễ quá trình điều trị.

Bé 3 tuổi… bị đột quỵ xuất huyết não

Theo BS chuyên khoa 1 Nguyễn Cát Phương Vũ (Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện (BV) Nhi đồng TP Hồ Chí Minh), các BS của BV này vừa cứu sống bé T.N. (nam, 3 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Long) bị đột quỵ xuất huyết não- một trong những bệnh lý thường gặp và gây tử vong hàng đầu ở người lớn tuổi. Khi trẻ bị đột quỵ, hậu quả thường rất nặng nề và để lại di chứng cả về thể chất và tinh thần cho em bé.

Và theo ghi nhận của ngành y tế, hiện nay, các bệnh lý túi phình mạch máu não ngày càng xuất hiện ở tuổi trẻ và 3 tuổi là độ tuổi trẻ nhất mắc bệnh túi phình mạch máu não đã được ghi nhận.

Trước khi nhập viện 1 tháng, bé T.N. đang chơi với bạn thì đột ngột té xuống sàn, co giật, bất tỉnh, BS chẩn đoán đột quỵ xuất huyết não. Các BS Khoa Ngoại thần kinh, BV Nhi đồng TP Hồ Chí Minh chụp CT sọ não ghi nhận bé có dấu hiệu xuất huyết dưới nhện rất nhiều.

Sau khi hồi sức ổn định, bé được chụp DSA mạch máu não để tìm nguyên nhân đột quỵ. Không khác dự đoán ban đầu, tình trạng xuất huyết não xuất phát từ túi phình mạch máu não.

Các BS đặt stent chuyển dòng để tắc hoàn toàn túi phình, tránh tình trạng xuất huyết não thêm nữa. Kỹ thuật này được triển khai tại BV 2 năm nay, không cần phẫu thuật.

Bác sĩ luồn ống thông vào trong mạch máu của bệnh nhân qua lỗ chích kim rất nhỏ ở ngoài da, đi theo các mạch máu đến vị trí túi phình, sau đó thả stent chuyển dòng gây tắc túi phình.

Trước đó, cuối năm 2019, bệnh nhi N.H.K. (3 tuổi, trú tại An Giang) nhập viện BV Nhi đồng TP Hồ Chí Minh vì đau đầu và diễn tiến nhanh chóng tình trạng lơ mơ, liệt nửa người chỉ trong vòng 2 ngày.

Bệnh nhi được tuyến trước chuyển lên với chẩn đoán viêm màng não, sau khi làm xét nghiệm và chụp CT khẩn kiểm tra, các BS phát hiện bé bị đột quỵ nhồi máu não do huyết khối.

Bệnh nhi được tiên lượng có khả năng tàn tật cao, nguy cơ đe dọa đến tính mạng. Các BS Khoa Ngoại thần kinh hội chẩn và tiến hành can thiệp lấy huyết khối bằng đường động mạch dưới DSA. Sau 2 giờ can thiệp, động mạch bị tắc của bệnh nhi đã được tái thông hoàn toàn.

Theo BS Huỳnh Hữu Danh- Khoa Ngoại Thần kinh (BV Nhi đồng TP Hồ Chí Minh), trung bình một năm, BV điều trị khoảng từ 5 đến 6 ca xuất huyết não.

Theo Hiệp hội Đột quỵ Mỹ, tỷ lệ mắc đột quỵ ở trẻ em hàng năm, bao gồm cả đột quỵ nhồi máu và xuất huyết dao động từ 3- 25/100.000 trẻ em ở các nước phát triển. Trẻ sơ sinh có tỷ lệ rủi ro cao nhất, tỷ lệ 1/4.000 trẻ.

Đột quỵ ở trẻ em do xuất huyết não

Giữa tháng 6/2020, các BS của BV Đột quỵ- Tim mạch Cần Thơ cứu sống bé gái L.K.N. (10 tuổi, ngụ Hậu Giang) trong tình trạng đột quỵ, xuất huyết não khi đang đi học.

Theo gia đình, cháu N. đang đi học bình thường, đột ngột đau đầu dữ dội, nôn ói. Khi mẹ cháu N. đến nơi thấy con gái mặt tái xanh, nói lắp bắp, không đứng vững... nên phối hợp đưa đến ngay BV Đột quỵ- Tim mạch Cần Thơ.

Sau khi hội chẩn, các BS kết luận, cháu N. bị dị dạng mạch máu não bẩm sinh. Phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhi lúc này là can thiệp nội mạch bằng công nghệ chụp mạch số hóa nền (DSA)… Sau khi can thiệp, hiện cháu N. đã tỉnh, da niêm hồng, sức khỏe ổn định.

Theo TS.BS Trần Chí Cường- Giám đốc BV Tim mạch Đột quỵ Cần Thơ, đột quỵ ở trẻ em phần lớn là xuất huyết não nguyên nhân do vỡ dị dạng mạch máu bẩm sinh và không có bất kỳ triệu chứng nào hoặc một số ít có biểu hiện đau đầu, co giật, động kinh.

“Khi xảy ra đột quỵ ở trẻ em sẽ điều trị bằng phương pháp DSA ít xâm lấn, đặc biệt là điều trị được những vùng não sâu mà phẫu thuật không mổ tới.

Ngoài ra, can thiệp DSA bảo tồn được phần lớn chức năng, không để lại bất kỳ vết sẹo nào”- TS.BS Trần Chí Cường cho hay.

Theo BS Huỳnh Hữu Danh, thời gian “vàng” để cứu sống trẻ đột quỵ xuất huyết não từ khi trẻ xuất hiện các triệu chứng đến khi được phẫu thuật là 6 tiếng. Đây là khoảng thời gian tốt nhất để tránh di chứng về sau.

Trong trường hợp trẻ đến bệnh viện trễ, dù phẫu thuật thành công nhưng trẻ phải tập vật lý trị liệu trong vòng 6 tháng, tỷ lệ hồi phục tối đa chỉ khoảng 80%.

“Do bệnh rất hiếm gặp ở trẻ nhỏ nên nếu không được chuyển viện và điều trị kịp thời, bệnh nhi có nguy cơ tàn tật rất cao, thậm chí đe dọa đến tính mạng”- BS Huỳnh Hữu Danh chia sẻ.

Về triệu chứng của bệnh đột quỵ xuất huyết não ở trẻ, BS Huỳnh Hữu Danh cho biết cũng giống như người lớn. Đó là méo miệng, yếu tay chân và không nói được, thậm chí nhanh chóng hôn mê, co giật khi xuất huyết não nhanh chóng. Song ở trẻ nhỏ, các triệu chứng lại mờ nhạt, không rõ ràng, thường thấy nhất là trẻ sẽ quấy khóc, đau đầu, lờ mờ, liệt nửa người... nên rất khó nhận biết và dễ nhầm lẫn với bệnh khác, đặc biệt là viêm màng não.

THÚY QUYÊN