Thông tư 28 về điều lệ trường tiểu học

Giúp giáo viên tự chủ về nội dung, phương pháp giáo dục và kiểm tra đánh giá học sinh

Cập nhật, 06:15, Thứ Sáu, 04/12/2020 (GMT+7)

Thông tư 28 của Bộ GD- ĐT ban hành Điều lệ Trường tiểu học, có hiệu lực từ 20/10/2020. Điều lệ Trường tiểu học có ý nghĩa quan trọng, đảm bảo cho việc tổ chức và hoạt động của nhà trường thực hiện đúng quy định pháp luật, đáp ứng mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GD- ĐT; đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.

Để tìm hiểu rõ hơn, phóng viên Báo Vĩnh Long đã trao đổi với bà Nguyễn Thị Ngọc Bích- Phó Giám đốc Sở GD- ĐT Vĩnh Long.

* Thưa bà, Điều lệ Trường tiểu học mới được sửa đổi sẽ tạo điều kiện thuận lợi ra sao cho việc triển khai thực hiện chương trình GDPT 2018?

- Chương trình GDPT 2018 được xây dựng theo hướng mở để khuyến khích sự chủ động, sáng tạo của người dạy. Chương trình chỉ quy định số tiết/năm, chứ không quy định số tiết/tuần.

Điều này cho phép các nhà trường chủ động trong sắp xếp thời khóa biểu, chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục phù hợp với học sinh và điều kiện dạy học của cơ sở giáo dục.

Điều lệ Trường tiểu học mới cũng cho phép giáo viên được chủ động thực hiện và chịu trách nhiệm về kế hoạch giáo dục; về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Cụ thể, thầy cô sẽ được tự chủ về nội dung, phương pháp giáo dục và kiểm tra đánh giá học sinh. Các giáo viên cũng được linh hoạt, sáng tạo trong việc tự làm đồ dùng dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, học tập và sinh hoạt chuyên môn.

Với các quy định nói trên, điều lệ này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà trường thực hiện hiệu quả công tác giáo dục, đáp ứng yêu cầu của chương trình GDPT 2018.

* Một trong những thay đổi được đặc biệt chú ý trong Điều lệ Trường tiểu học mới là quy định “giáo viên không được phê bình học sinh trước cả lớp, trước toàn trường hoặc trong cuộc họp chung với cha mẹ học sinh”. Liệu thay đổi này có gây khó khăn gì cho giáo viên, các nhà trường trong quản lý học sinh không, thưa bà?

- Tôi cho rằng, đây là quy định mang tính nhân văn và tính giáo dục sâu sắc. Luật Giáo dục quy định, một trong những quyền của người học là được tôn trọng, được học tập trong môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh.

Quy định này hướng tới việc tôn trọng tối đa quyền lợi của các em, vì sự tiến bộ của các em, phù hợp với tâm lý lứa tuổi và quan điểm giáo dục hiện đại.

Quy định này hoàn toàn không gây khó khăn cho giáo viên và các nhà trường trong quản lý học sinh. Ngược lại, sẽ giúp việc giáo dục hiệu quả hơn bởi vì các em cảm thấy được tôn trọng, đảm bảo quyền riêng tư, không bị tổn thương, không có cảm giác xấu hổ với bạn bè.

Các em sẽ thấy trường học là nơi an toàn, mỗi ngày đến trường đối với các em là một ngày vui và các em sẵn sàng mở lòng chia sẻ, lắng nghe những góp ý, chỉ dạy của thầy cô để tiến bộ.

* Dư luận cũng đặc biệt quan tâm tới quy định cho phép học sinh có thể lực tốt và phát triển trí tuệ sớm được học vượt lớp trong phạm vi cấp học. Xin bà cho biết thủ tục và quy trình để xem xét cho phép học sinh học vượt lớp như thế nào?

- Tại điểm e, khoản 1, Điều 35 Điều lệ Trường tiểu học quy định “Học sinh có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ có thể được học vượt lớp trong phạm vi cấp học”.

Về thủ tục thực hiện xem xét đối với từng trường hợp cụ thể như sau:

- Cha mẹ hoặc người giám hộ học sinh có đơn đề nghị với nhà trường.

- Hiệu trưởng nhà trường thành lập hội đồng khảo sát, tư vấn, gồm: hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng và Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường; giáo viên dạy lớp học sinh đang học, giáo viên dạy lớp trên, nhân viên y tế, tổng phụ trách Đội.

- Căn cứ kết quả khảo sát của hội đồng tư vấn, hiệu trưởng hoàn thiện hồ sơ và báo cáo trưởng phòng GD- ĐT xem xét quyết định.

* Cảm ơn bà!

CAO HUYỀN (thực hiện)