Cần giảm áp lực từ chương trình Tiếng Việt lớp 1

Cập nhật, 07:16, Thứ Tư, 07/10/2020 (GMT+7)

 

Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích- Phó Giám đốc Sở GD- ĐT Vĩnh Long- kiểm tra việc thực hiện chương trình lớp 1 ở các trường.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích- Phó Giám đốc Sở GD- ĐT Vĩnh Long- kiểm tra việc thực hiện chương trình lớp 1 ở các trường.

Sau 4 tuần dạy và học chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Việt lớp 1, nhiều giáo viên, học sinh và cả phụ huynh cũng “hụt hơi” vì phải dạy học cho kịp chương trình.

“Chạy” theo chương trình

Học Tiếng Việt lớp 1 không còn là học nữa mà là chạy theo cho kịp chương trình. Không có thời gian vui chơi, nghỉ ngơi khiến nhiều học sinh, phụ huynh mệt mỏi và chịu nhiều áp lực.

Anh Duy Phương (phường Trường An- TP Vĩnh Long) hết hồn vì mới nhập học 3 tuần vào lớp 1 mà con anh phải học rất nhiều, bé đã học cả đoạn văn và tập cách nhẩm để đọc nguyên câu.

Dạy con gái học mỗi ngày, thấy con áp lực với bài vở, anh cho biết: “Mỗi ngày một bài Tiếng Việt mới, có khi 2 bài, mới học mấy tuần mà đã vào học đoạn văn rồi.

Thấy con cực khổ với mớ bài tập nên thấy bé viết được là tôi mừng, không dám ép con viết cho đẹp. Vậy mà có khi phải hò hét, canh chừng thì con mới chịu viết xong bài”.

Ngay từ đầu năm học, cô giáo của con anh Phương đã nhờ phụ huynh hỗ trợ và “cô rất kỹ, trả bài được hay không được đều đánh dấu và ghi chú những việc phụ huynh cần rèn thêm khi về nhà”.

Theo anh Phương “bé nào không đi học thêm trước là khó lắm, từ lớp lá chuyển sang lớp 1 mà viết ào ào, bé không theo kịp”, con anh Phương cũng không đi học thêm nên học chậm hơn các bạn và “bé thường không được ra chơi vì phải ngồi lại lớp rèn chữ”.

Trong khi đó dì Thanh Bình (Phường 1- TP Vĩnh Long) đang có cảm giác “mình học lớp 1 cùng cháu”. Ngày ngày, dì Bình không chỉ đưa rước cháu mà còn giữ nhiệm vụ dạy cháu học và phát hoảng một thời gian vì “làm đủ cách mà bé cũng không chịu học”.

Mỗi ngày đi học về đến nhà gần 17 giờ, dì Bình cho bé tắm rửa, vệ sinh ăn uống xong là 18 giờ bắt tay vào học. “Thường bé học đến 20 giờ thì xong bài về nhà, đọc lại bài cũ và chuẩn bị bài mới.

Học xong lại tới giờ đi ngủ để mai dậy sớm đi học”- dì Bình nói thêm- “Ban đầu bé nhõng nhẽo rồi chuyển sang quậy, làm tôi giận luôn vì cháu không chịu học, than mệt”. Theo dì Bình thì bài cho về nhà nhiều và bài học ở trường cũng nhiều làm bé cũng áp lực.

Đối với chị Như Ngọc (Phường 3- TP Vĩnh Long) thì chương trình lớp 1 mới nói chung là nặng với bé. Ngày nào con của chị Ngọc cũng viết thêm 1 trang và cả chục bài toán cộng trừ. Chiều nào đi học về cũng đi học thêm 1,5- 2 tiếng nữa.

Không có thời gian dạy con và cũng không rành cách đánh vần một số từ nên chị Ngọc phải cho bé đi học thêm. Theo chị Ngọc thì chương trình lớp 1 mới nặng nhất là Tiếng Việt vì có khá nhiều chữ và “chưa gì đã học, đọc cả đoạn rồi, còn viết chữ đúng ô ly nữa”.

Nỗi lo của chị Ngọc là con không biết chữ mà “chỉ đọc ro ro đoạn văn theo cách học thuộc lòng vì khi hỏi lại một chữ trong đoạn thì bé phải đánh vần rất lâu”. Để chuẩn bị cho con vào lớp 1, ngay từ đầu năm học lớp lá, chị Ngọc đã cho con đi học thêm.

Chị Ngọc thở dài: “Những bài về sau còn dài và khó hơn nữa tôi sợ bé không theo kịp. Mới đây mà bé đã học tiếng Việt đến bài số 26 rồi”.

Giáo viên cũng khổ

Dặn dò của cô giáo được dán lên tập học sinh mang về hàng ngày.
Dặn dò của cô giáo được dán lên tập học sinh mang về hàng ngày.

Là cô giáo có gần 20 năm dạy lớp 1, cô N. (TP Vĩnh Long) cho rằng: “Chương trình lớp 1 mới nặng hơn chương trình trước đây- chương trình năm 2000.

Mỗi sáng, dạy xong tôi khan cả họng và nói chuyện hết muốn nổi”. Bộ sách lớp 1 mới có nhiều môn, đặc biệt môn Tiếng Việt chữ “đặc rật”. Mỗi phần lại có bài tập với yêu cầu rất riêng, nào là trắc nghiệm, nối, khoanh tròn, đánh dấu,…

Mỗi ngày phải dạy bài mới để kịp chương trình, hôm nào bài khó thì dừng lại một nhịp cho học sinh hiểu xong phải dạy nhanh để chạy kịp tiến độ.

Cô N. không cho học sinh bài tập về nhà theo đúng quy định của chương trình, cô N. nói: “Ở lớp, các bé cũng học nhiều rồi”. Tuy nhiên, cô N. cho rằng nếu phụ huynh không kèm thêm và chỉ dựa vào việc học ở trường thì bé sẽ chậm tiếp thu và bắt kịp nhịp học.

“Trong lớp có hơn 30 em thì chỉ có 8- 10 em theo kịp chương trình, các em còn lại chậm và tôi phải cố gắng cho các bé mau tiến bộ để kịp bài học”. Riêng về viết chữ theo mẫu thì cô N. cho rằng: “Tùy khả năng từng bé, có bé viết tốt, có bé viết chưa tốt.

Thậm chí, có bé chịu viết và viết nhìn ra chữ đã mừng rồi”. Môn Tiếng Việt hết học kỳ I đã hết phần vần. Học kỳ 2 bài đọc dài, yêu cầu học sinh viết câu trả lời.

Theo dì Bình không thể so chương trình mới với cũ vì bản thân dì chưa tiếp cận chương trình cũ. Tuy nhiên, dì luôn cố gắng phối hợp với giáo viên: “Mình là phụ huynh phối hợp với cô giáo rèn nề nếp cho bé, đến nay thì bé đã chủ động chịu học và đã đọc trơn được đoạn văn.

Cô giáo cũng rất vất vả, lớp 44 học sinh mà mỗi cuốn tập, mỗi chữ trong tập không đúng đều được cô sửa bằng viết đỏ. Không chỉ vậy, cô giáo còn có phần dặn dò hàng ngày, hàng tuần được bấm vào tập học sinh để phụ huynh biết con cháu mình đang thiếu gì và cần học, rèn cái gì”.

Dì Bình cười: “Nếu so với dạy con hồi 20 năm về trước thì dĩ nhiên bây giờ học sinh, phụ huynh và giáo viên đều mệt mỏi hơn nhiều. Con tôi ngày xưa toàn tự học, ngày học 1 buổi mà bài vở cũng không có bao nhiêu, đi học cứ như đi chơi nên con vui lắm”.

Mỗi ngày một bé lớp 1 phải học rất nhiều từ mới, vừa học cách ghép vần và đánh vần nhẩm để đọc trơn các đoạn văn. Anh Phương ví dụ bài số 22 trang 43, “ng và ngh” tại lớp các bé đã chép 3 câu văn vào vở, về nhà lại viết thêm “ng, ngà, ngh và nghé”.

Anh Phương góp ý: “Tôi thấy chương trình cũng hay, tuy nhiên học hơi nhanh và bài học nhiều nên gây áp lực cho các bé, đặc biệt trong giai đoạn con đang làm quen với việc học mà áp lực quá. Điều này dẫn đến bé sợ và chán đi học”.

Trò khổ, cô cũng khổ vì môn Tiếng Việt nhiều nội dung, đó là còn chưa kể chương trình học kỳ II thì bài đọc dài như của học sinh lớp 2, lớp 3.

Phó Giám đốc Sở GD- ĐT Vĩnh Long- Nguyễn Thị Ngọc Bích cho biết: Bộ GD- ĐT vừa có một số chỉ đạo như không giao bài tập về nhà cho các cháu; thời khóa biểu sắp xếp phải khoa học hợp lý; tăng cường công tác kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đối với các cơ sở giáo dục. Những nội dung này đã được Sở GD- ĐT Vĩnh Long thực hiện ngay từ đầu năm học. Tuy nhiên, Sở GD- ĐT sẽ tăng cường kiểm tra đánh giá và có văn bản chỉ đạo cụ thể đến các cơ sở giáo dục để thực hiện tốt chương trình này.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN