Sẽ có hướng phát huy hiệu quả đào tạo nghề cho LĐNT

Cập nhật, 13:11, Thứ Sáu, 11/09/2020 (GMT+7)

Sẽ có hướng tối ưu nhất để tiếp tục hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động nông thôn (LĐNT) giai đoạn tiếp theo, khi năm nay kết thúc Đề án “Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020” theo Quyết định 1956/QĐ-TTg (Đề án 1956) của Thủ tướng Chính phủ.

Bà Huỳnh Thị Mỹ Hà- Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội trao chứng chỉ sơ cấp nghề xây dựng dân dụng cho học viên LĐNT ở xã Tân Mỹ.
Bà Huỳnh Thị Mỹ Hà- Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội trao chứng chỉ sơ cấp nghề xây dựng dân dụng cho học viên LĐNT ở xã Tân Mỹ.

Hàng chục ngàn LĐNT được đào tạo nghề

Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, Cơ quan Thường trực BCĐ thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020” của tỉnh vừa báo cáo công tác đào tạo nghề cho LĐNT giai đoạn 2016- 2020 (đến tháng 6/2020) trong 8 hoạt động cụ thể với nhiều kết quả tích cực.

Trong đó hoạt động hỗ trợ LĐNT học nghề, kết quả giai đoạn trên toàn tỉnh đã tổ chức 1.229 lớp đào tạo nghề cho 29.858 LĐNT (đạt 99,5% kế hoạch 2016- 2020) với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng (ngân sách trung ương, cấp tỉnh, tuyến huyện).

Chia ra lĩnh vực đào tạo nghề phi nông nghiệp có 957 lớp cho 23.138 LĐNT, đào tạo nghề nông nghiệp có 272 lớp cho 6.720 LĐNT.

Công tác giải quyết việc làm cho LĐNT luôn được các cấp ngành chú trọng quan tâm bằng nhiều hình thức như: đào tạo nghề theo địa chỉ, đơn đặt hàng; được doanh nghiệp tuyển dụng, bao tiêu sản phẩm; được tư vấn tự tạo việc làm, vay vốn để mở rộng sản xuất; thành lập tổ hợp tác, cơ sở sản xuất; đào tạo nghề gắn với đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng... 

Theo thống kê, số LĐNT có việc làm ổn định sau học nghề là 27.529 người, đạt 92,2% so với tổng số LĐNT được hỗ trợ học nghề.

Hôm 25/8, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Long thuộc sở đã bế giảng, cấp chứng chỉ sơ cấp nghề cho 29 học viên lớp đào tạo xây dựng dân dụng ở xã Tân Mỹ (Trà Ôn).

Anh Bành Hồng Khoa (ấp Mỹ Phú, xã Tân Mỹ) trước khi tham gia lớp học này làm nghề thợ hồ. “Xây, tô, sơn, lót gạch, dán gạch... nói chung làm gì cũng được”- anh Khoa kể và cho biết sau tham gia khóa học và học xong, anh đã rành về tên gọi, kỹ thuật, quy chuẩn của nghề mình và anh em đang làm...

Anh Thạch Vay (ấp Trà Mòn, xã Tân Mỹ) làm thầu công trình và tham gia lớp như anh em. Sau khi học, anh Vay nói đã được thầy bổ sung kiến thức, quy chuẩn của sắt thép, bê tông, nền móng... đến an toàn thiết bị và an toàn lao động. “Anh em học viên lớp nghề xây dựng đã hiểu theo tầm hiểu của mình để làm việc hiệu quả hơn...”- anh Vay nói.

Sau đó một ngày, Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức đồng thời tổng kết 2 lớp và khai giảng 2 lớp nghề may công nghiệp trong doanh nghiệp ở xã Bình Phước (Mang Thít), mỗi lớp 18 học viên. Kế hoạch năm nay, toàn tỉnh đào tạo nghề cho 7.000 LĐNT, gồm 5.500 LĐNT học nghề phi nông nghiệp và 1.500 LĐNT học nghề nông nghiệp.

Do COVID-19, công tác này 8 tháng qua gặp khó. Đây tới cuối năm ngành còn đào tạo cho hơn 5.000 LĐNT để đạt kế hoạch, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề và có chuyên môn kỹ thuật chung của tỉnh.

Nghề nông thôn gắn nhu cầu học và việc làm

Ông Dương Quốc Thạnh- Trưởng Phòng Giáo dục nghề nghiệp (Sở Lao động- Thương binh và Xã hội) cho hay đào tạo nghề trong doanh nghiệp hiện phát triển mạnh, với các nghề phi nông nghiệp như may công nghiệp, xây dựng dân dụng, cơ khí...

Đơn cử nghề xây dựng dân dụng với nhu cầu xây dựng cơ bản hiện nay cao đã thu hút đông đảo LĐNT ở các địa bàn. Còn với may công nghiệp, LĐNT sau học nghề được doanh nghiệp tuyển dụng làm việc
tại đó.

Theo bà Huỳnh Thị Mỹ Hà- Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, công tác hỗ trợ đào tạo nghề cho LĐNT thời gian qua được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm, xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hàng năm.

Qua đó tạo điều kiện thuận lợi trong việc quán triệt, triển khai các hoạt động của Đề án 1956, trong đó có đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho LĐNT.

Cuối năm 2019, thống kê lực lượng lao động tỉnh hơn 622.000 người; trong đó lực lượng LĐNT hơn 532.000 người (chiếm 85%). Trên địa bàn tỉnh hiện có 28 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 19 cơ sở tham gia đào tạo nghề cho LĐNT.

Tỷ lệ thất nghiệp trong LĐNT là 2,43%, thiếu việc làm là 4,59%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến cuối năm ngoái đạt 50%, ước đến hết năm nay 55%.

Trên tinh thần chung, công tác hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho LĐNT tiếp tục chú trọng, quan tâm với phương châm: “Chỉ đào tạo nghề khi xác định được giải pháp việc làm và thu nhập sau học nghề”.

Với LĐNT, đây là điểm thiết thực để họ có tay nghề, kỹ năng, có việc làm và nâng cao thu nhập đời sống. Gần 5 năm qua, gần 30.000 người LĐNT được đào tạo nghề và hơn 92% số đó có việc làm đã cho thấy điều đó.

Đề án 1956 sau khoảng 10 năm triển khai sẽ kết thúc trong năm nay. Bà Huỳnh Thị Mỹ Hà cho biết trên cơ sở tổng kết đề án, ngành sẽ có đánh giá, phân tích, đồng thời xem xét tìm hướng giải pháp tối ưu nhất để hỗ trợ đào tạo nghề cho người LĐNT trong giai đoạn tiếp theo.

Thực hiện giám sát công tác này mới đây, Ủy viên Thường trực, Trưởng Ban Văn hóa- Xã hội HĐND tỉnh Vĩnh Long Trần Văn Ý trong các đề xuất kiến nghị đã nêu: Chính quyền và ngành các cấp cần điều tra khảo sát, tổ chức đào tạo nghề cho LĐNT sát với nhu cầu nguyện vọng người học và gắn thị trường lao động việc làm cần.

Bài, ảnh: MINH THÁI