Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long tiếp xúc gần 200 công nhân lao động

Cập nhật, 15:19, Thứ Ba, 01/10/2019 (GMT+7)

Chiều 30/9/2019, Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long có buổi tiếp xúc với gần 200 công nhân lao động trong các doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Hòa Phú (Long Hồ)

Cử tri phát biểu ý kiến xoay quanh sửa đổi Bộ luật Lao động.
Cử tri phát biểu ý kiến xoay quanh sửa đổi Bộ luật Lao động.

Tại buổi tiếp xúc, ngoài thông tin về nội dung chuẩn bị kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV diễn ra ngày 21/10 tới, đại biểu Quốc hội cũng lấy ý kiến cử tri công nhân về những nội dung của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), để tiếp tục giải trình tại kỳ họp Quốc hội.

Cụ thể, về làm thêm giờ, hầu hết cử tri thống nhất với phương án 1 là quy định theo hướng giữ khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa như bộ luật hiện hành là 300 giờ/năm, tức 44 giờ/tuần; nếu nâng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa theo phương án 2, tức từ 300 giờ theo quy định hiện hành lên 400 giờ trong một năm theo đề xuất của Chính phủ thì từ giờ thứ 301 trở đi phải bổ sung quy định cụ thể về lũy tiến tăng tiền làm thêm giờ.

Cử tri cũng cho rằng, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam và đủ 60 tuổi đối với nữ.

Đa số công nhân không thống nhất tăng độ tuổi nghỉ hưu vì cho rằng thực tế Vĩnh Long, không có công nhân làm đến độ tuổi 55 và nam làm đến độ tuổi 60, do đó cần xem xét nghiên cứu theo ngành nghề.

Về tiền lương, cử tri yêu cầu giữ nguyên việc tăng lương tối thiểu vùng như hiện nay và tăng theo lộ trình hàng năm, nếu bỏ nội dung này, doanh nghiệp không tự giác tăng lương hàng năm sẽ gây thiệt thòi cho công nhân.

Về ngày nghỉ lễ hàng năm, tăng thêm 3 ngày là cần thiết để tạo điều kiện cho người lao động gần gũi, chăm sóc gia đình, tái tạo sức lao động; đồng thời tương đồng với các nước trong khu vực.

Tuy nhiên, công nhân đề nghị 3 ngày nghỉ là ngày Tết dương lịch, ngày Gia đình Việt Nam (28/6) và ngày Thương binh- liệt sĩ (27/7).

Về tổ chức đại diện của người lao động, tổ chức Công đoàn tỉnh tiếp tục giữ quan điểm chỉ quy định mang tính nguyên tắc theo khoản 2, điều 14, Hiến pháp năm 2013 và cần quy định chặt chẽ hàng rào pháp lý đối với việc cấp phép cũng như về quyền liên kết giữa các tổ chức, định hướng trong một doanh nghiệp, chỉ có từ tối đa từ 2- 3 tổ chức của người lao động, đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh và mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.

Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long, ông Lưu Thành Công- Phó trưởng đoàn đã giải đáp những thắc mắc của cử tri và ghi nhận báo cáo đến Quốc hội vào kỳ họp tới.

Tin, ảnh: HẠNH UYÊN