Có tiềm năng chưa hẳn có sản phẩm du lịch

Cập nhật, 09:05, Thứ Ba, 01/10/2019 (GMT+7)

Đi tàu từ vàm Tắc Từ Tải (TX Bình Minh), xuôi về phía hạ nguồn nhìn một bên TP Cần Thơ nhộn nhịp, sầm uất và gần đây là cồn Ấu ở giữa sông cũng đã xuất hiện khu nghỉ dưỡng 5 sao ở đầu cồn và phần còn lại manh nha những dự án lớn về vui chơi, giải trí cao cấp; sẽ không khỏi “sốt ruột” khi phía Vĩnh Long khá yên ắng.

Đành rằng ai cũng nói về tiềm năng du lịch, nhưng để từ dạng tiềm năng “thô” có thể trở thành những sản phẩm “tinh” thực thụ lại là câu chuyện dài, rất dài trong khai thác du lịch.

Những sinh hoạt đánh bắt nếu được xây dựng sẽ thành những sản phẩm du lịch trải nghiệm, ẩm thực độc đáo.
Những sinh hoạt đánh bắt nếu được xây dựng sẽ thành những sản phẩm du lịch trải nghiệm, ẩm thực độc đáo.

Những vườn cây đặc sản ở xã Mỹ Hòa, liền mí tới các vườn thanh trà ở xã Đông Thành (TX Bình Minh) xen giữa những làng nghề từ lâu được nhận định là mảng sinh thái không thể tuyệt vời hơn để “bổ sung” phần còn thiếu cho các tour từ đô thị TP Cần Thơ.

Dù rằng từ nhiều năm trước, các tour xuất phát Cần Thơ đi chợ nổi Cái Răng cũng từng ghé vào một số nhà vườn trên cồn Ấu; tuy nhiên, còn khá sơ sài, tự phát, không thể chào đón khách đoàn từ các công ty lữ hành chuyên nghiệp.

Gần đây, các tàu du lịch từ Cần Thơ đã “mạnh dạn” vượt sông đưa du khách đến các điểm tham quan nhà vườn bên phía Vĩnh Long, mà chủ yếu là Trà Ôn. Đã có nhiều đoàn khách đặt ngủ đêm nhưng cho đến nay nhu cầu này vẫn chưa có nhà vườn hay doanh nghiệp nào khai thác.

Đặc biệt, nối tiếp từ Đông Thành xuôi dòng dọc theo những cồn bãi phía cù lao Lục Sĩ Thành và Phú Thành của huyện Trà Ôn, chúng ta sẽ thấy thật sự là vùng sinh thái còn khá nguyên sơ để có thể xây dựng nên rất nhiều tour chuyên đề, xây dựng những “câu chuyện du lịch” khá lý thú, nếu có tầm nhìn xa về xu hướng du lịch và có cảm nhận sâu xa về chất văn hóa trong đời sống sinh hoạt và ẩm thực của vùng cồn bãi phía hạ nguồn này.

Tuy nhiên, qua những chuyến khảo sát nghiêm túc gần đây về đường bộ, đường sông và những cuộc thâm nhập tìm hiểu, chúng ta nhận ra rằng lại phát sinh thêm quá nhiều “điểm nghẽn” cho những dự án du lịch tương lai. Đáng lo hơn là có một số tác động xấu ngoài ngành mà trong tương lai không xa có thể phá vỡ những tiềm năng tuyệt vời chưa kịp khai phá của khu vực này.

Những cung đường đẹp giữa vườn cây và bến sông.
Những cung đường đẹp giữa vườn cây và bến sông.

Trước hết là nạn ô nhiễm, tại những cung đường đẹp nhất từ phía sông Hậu hay phía sông nhỏ đi từ vàm Tắc Từ Tải, tại những bến bãi đẹp, thơ mộng là hình ảnh tràn ngập rác thải.

Có những khu vực dân cư chen chúc nên nạn ô nhiễm từ trên bờ cho đến bến sông; đây sẽ là “kẻ thù số một” cho những dự án du lịch nghỉ dưỡng hướng đến dòng khách trung- cao cấp.

Hay những con đường ven sông rợp bóng mát cây trái quá đẹp, giờ đã bị đốn hạ trơ trụi, hoặc có những công trình dân sinh, những xưởng đóng tàu án ngữ ngang qua thì còn đâu cho những “giấc mơ du lịch”.

Thật đáng tiếc, nếu trong các kế hoạch, quy hoạch mang tầm nhìn xa chúng ta hạn chế được một số tác động ngoài ngành này thì sẽ hay biết mấy. Tiềm năng du lịch nếu chưa thể khai thác ngay, thì có được kế hoạch giữ gìn, bảo tồn tốt tức là giữ lại cái lợi thế cho tương lai.

Một tác động khác gây nên ô nhiễm cực tai hại mà chúng tôi nghĩ đối với những nhà đầu tư chuyên nghiệp, những nhà đầu tư nước ngoài họ sẽ khó lòng mà mạnh dạn đầu tư, đó chính là những khu nuôi cá với số lượng, diện tích cực lớn.

Sự ô nhiễm nguồn nước, việc xả nguồn nước nhiễm bẩn vào dòng sông hàng ngày với số lượng lớn là những “sát thủ âm thầm” giết chết vẻ đẹp thơ mộng, sinh thái của những dòng sông, bến bãi khả dĩ có thể khai thác du lịch, nhất là dạng nghỉ dưỡng cao cấp.

Chúng tôi nhận thấy, đối với những dự án lớn kêu gọi đầu tư về du lịch, hình như chưa có sự khảo sát, đánh giá nghiêm túc, khoa học về những tác động dạng này, nên còn khá mập mờ và khó thu hút được nhà đầu tư.

Điển hình, tình trạng sạt lở nghiêm trọng dọc bờ sông Hậu ở khu vực xã Phú Thành; đặc biệt những điểm nóng như ở cồn Công người dân rất lo sợ ngoài những công trình kiến trúc, còn là sự an toàn của hàng ngàn hecta đất vườn phía bên trong, nhưng những công trình đê bao vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Trong đó, có công trình do cấp bộ ngành quản lý.

Đối với những nhà đầu tư vừa và nhỏ, họ sẽ gặp thêm những “điểm nghẽn” khác, như vấn đề hạ tầng, vấn đề quỹ đất. Ngoài việc không được thụ hưởng những chính sách ưu đãi về đầu tư du lịch, thì chuyện thói quen người dân hay “hét giá” bất hợp lý gây nhiều khó khăn cho tiến độ triển khai dự án.

Đó mới chỉ là những khó khăn cụ thể, ngoài ra còn có nhiều trở ngại khác làm nên lý do vì sao những tiềm năng to lớn của du lịch vẫn là ở dạng tiềm năng. Để có được những sản phẩm du lịch thực sự, hoặc có thể thu hút những nhà đầu tư mạnh dạn bỏ nguồn vốn lớn cho những dự án khả thi, quả là câu chuyện… rất dài và rất xa.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG