Những "con bò cho mượn" không tính lãi

Cập nhật, 06:07, Thứ Sáu, 07/12/2018 (GMT+7)

Dự án “Hỗ trợ hộ nghèo chăn nuôi bò giống, nâng cao đời sống” giai đoạn 2017- 2020, được Sở Lao động-Thương binh và Xã hội triển khai thực hiện sau hơn 1 năm đạt được hiệu quả. Những hộ nghèo được hỗ trợ tiếp tục nuôi bò giống để đẻ nhiều bê con, giúp gia đình có thêm thu nhập, vươn lên thoát nghèo.   

Không chỉ được hỗ trợ bò giống, ông Lâm Văn Út (xã Tân Phú- Tam Bình) và các hộ khác còn được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản.
Không chỉ được hỗ trợ bò giống, ông Lâm Văn Út (xã Tân Phú- Tam Bình) và các hộ khác còn được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản.

Con bò gầy vốn

Là một trong những hộ được nhận bò, ông Lâm Văn Út (xã Tân Phú- Tam Bình) cho biết, trước đây gia đình ông muốn nuôi bò nhưng không có vốn. “Một con bò trị giá mười mấy triệu lận, thêm xây chuồng nữa hơn hai chục triệu rồi, hộ nghèo tui làm gì có.

Tui biết ơn dự án với chính quyền địa phương giúp đỡ, tui cố gắng nuôi bò để mình thoát nghèo cho nó khỏe một chút”.

Được tỉnh hỗ trợ ١ con bò giống để chăn nuôi, anh Thạch Sô Phe (xã Tân Mỹ- Trà Ôn) mừng lắm. Bê con do chính tay anh chăm sóc hơn 1 tháng tuổi.

Anh phấn khởi: “Tui cố gắng chăm sóc bê con khỏe mạnh, lớn nhanh hoàn lại dự án trao hộ khác và có được bò mẹ ban đầu để gầy đàn. Tui có lòng tin sẽ sớm thoát nghèo”. 

Cũng chung chí hướng, anh Thạch Giào (xã Trà Côn- Trà Ôn) cho biết, trước đây gia đình anh muốn nuôi bò nhưng không có vốn.

Đến nay được hỗ trợ rồi, anh rất mừng và quyết nuôi bò giống thật tốt để sớm có bê con giao lại hộ khác, bò mẹ sẽ được chăm sóc cẩn thận cho sinh sản, giúp gia đình có thu nhập, vươn lên thoát nghèo. 

Chị Nguyễn Thị Bé Hai (xã Hòa Hiệp- Tam Bình) thuộc diện hộ cận nghèo, không có vốn sản xuất. Khi được dự án hỗ trợ bò giống, vợ chồng chị đã vay tiền từ dự án mua thêm một con bò nữa để tiện chăm sóc và có thêm thu nhập.

Chị Bé Hai chia sẻ: “Trước đây gia đình tui thuộc diện hộ nghèo, xã có hỗ trợ tui con bò và khi có bê con tui trả cho hộ khác rồi.

Bây giờ tui nhân rộng con giống thêm ra nữa và tui nuôi rất là hiệu quả. Nhờ đó mà gia đình tui thoát được nghèo, tui mừng và biết ơn lắm”.

Trong năm 2018, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long tiếp tục chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật và lao động thuộc hộ bị thu hồi đất canh tác.

Qua đó, đảm bảo nâng cao hiệu quả đào tạo gắn với giải quyết việc làm, tạo việc làm cho lao động nông thôn sau đào tạo.

Trong đó, tỉnh rất chú trọng thực hiện đào tạo nghề chăn nuôi (Đề án 1956) theo dự án hỗ trợ bò giống cho 400 hộ gia đình nghèo để có điều kiện tiếp nhận và chăn nuôi bò giống theo dự án.

Dạy nghề, chuyển giao kỹ thuật cho các hộ tham gia

Để dự án thật sự mang lại hiệu quả, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Vĩnh Long (Sở Nông nghiệp- PTNT) còn chuyển giao kỹ thuật cho các hộ tham gia. 

Ban Quản lý dự án phối hợp với chính quyền địa phương tiếp cận các nguồn vốn vay lãi suất thấp để giúp các hộ dân mở rộng quy mô sản xuất.

Đồng thời, phối hợp với các trung tâm dạy nghề cấp huyện và Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò cho các hộ tham gia dự án. Qua đó, giúp các hộ dân nắm vững kỹ thuật, chăm sóc đàn bò, phòng chống dịch bệnh tốt.

Dù mới nuôi bò sinh sản lần đầu, nhưng chị Nguyễn Thị Minh Liễu (xã Tân Mỹ- Trà Ôn) chăm sóc bò khá thành thục vì được Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng bò từ khi mới nhận con giống.

Cán bộ thú y cùng chính quyền địa phương còn định kỳ hỗ trợ tiêm phòng, thường xuyên giám sát, can thiệp kịp thời những tình huống phát sinh để đàn bò khỏe mạnh.

Anh Thạch Bình (xã Trà Côn- Trà Ôn) cất chuồng trại, trồng thêm cỏ để nuôi bò, cho biết: “Ngoài được hỗ trợ bò giống, tui và các hộ khác còn được cán bộ dạy về kỹ thuật chăn nuôi, biết cách xử lý khi bò bệnh”. 

Theo ông Võ Văn Tấn Hùng- Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội thuộc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh, từ khi các hộ nghèo nhận được những con bò do dự án cấp thì họ rất là phấn khởi và rất là tích cực chăm sóc đàn bò.

Ngoài được hỗ trợ con giống, hộ nghèo còn được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi bò và các nghề khác để có thu nhập. Bên cạnh đó, các hộ còn được tham gia vào nhóm tương trợ cộng đồng giúp nhau kiến thức, nguồn vốn, nhằm gắn kết lâu dài với nhau.

Mỗi con bò trị giá 17 triệu đồng, tổng kinh phí 6,8 tỷ đồng trích từ quỹ Vì người nghèo của tỉnh. Dự án được triển khai tại 18 xã thuộc 7 huyện- thị trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, với tổng số 400 con bò giống được hỗ trợ. Đến thời điểm này đã có 143 con sinh sản. Đây là tiền đề để dự án phát triển, mở rộng quy mô. Với hình thức hỗ trợ không tính lãi, khi bò sinh sản, các hộ dân sẽ chăm sóc bò con đạt yêu cầu, rồi tiếp tục chuyển giao cho các hộ khác nuôi và được giữ lại bò mẹ ban đầu.

Bài, ảnh: MAI ANH