Du học, thực tập sinh xứ Hoa anh đào- lưu ý gì?

Cập nhật, 13:46, Thứ Tư, 25/07/2018 (GMT+7)

Du học Nhật Bản không giới hạn độ tuổi đối với người đi học, tối thiểu phải tốt nghiệp cấp III. Thực tập sinh là người tham gia chương trình học tập và trải nghiệm công việc ở một ngành nghề trong khoảng thời gian nhất định, thông thường là 3 năm.

Thực tập, du học Nhật Bản bạn đã chuẩn bị gì cho mình chưa?
Thực tập, du học Nhật Bản bạn đã chuẩn bị gì cho mình chưa?

Rào cản ngôn ngữ

Người đủ 18 tuổi, đã tốt nghiệp THPT tại Việt Nam hoặc trình độ tương đương PTTH 12 năm ở nước ngoài được tham gia du học Nhật Bản.

Đối với các bạn tốt nghiệp CĐ, ĐH là một lợi thế. Những người từ 30 tuổi trở lên, nếu chứng minh được quá trình học tập và làm việc của bản thân là xuyên suốt và không bị gián đoạn trong khoảng thời gian từ 6 tháng đến 1 năm thì hoàn toàn có thể tiến hành làm hồ sơ du học Nhật Bản.

Kinh nghiệm du học Nhật Bản của bạn Huỳnh Minh Ngân (Vũng Liêm) là ngoài thời gian học tại trường Nhật Bản, các bạn còn phải tự sinh hoạt do đó cần có trình độ tiếng Nhật sơ cấp để không gặp khó khăn ngoài giờ học ở trường.

Minh Ngân cho biết: “Khi bạn có vốn tiếng Nhật kha khá- tức từ N3 trở đi có thể tìm được nhiều việc làm thêm lương cao hơn ở Nhật”.

Hiểu rõ tầm quan trọng của ngôn ngữ, nhiều trường ĐH đã có sự đầu tư từ ban đầu cho sinh viên. Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long vừa có hơn 60 thực tập sinh đi Nhật Bản hồi cuối tháng 6/2018.

Chia sẻ về kinh nghiệm khuyến khích sinh viên học tiếng Nhật, PGS.TS. Cao Hùng Phi cho biết: “Thay vì cho các em học Tiếng Anh đủ chuẩn để ra trường, chúng tôi chấp nhận cả tiếng Nhật để các em dễ lựa chọn, có sự đầu tư ngoại ngữ từ ban đầu”.

Theo Trung tâm Nhật ngữ Cải tiến (TP Hồ Chí Minh): Không ít các bạn du học và thực tập sinh gặp khó khăn khi sinh sống và làm việc tại các nước sở tại bởi vốn ngôn ngữ ít, khác biệt về văn hóa và phong cách sống mới khiến các bạn khó hòa nhập.

Để có thể làm việc tốt, các bạn thực tập sinh nên giữ tính chất sáng tạo của người Việt nhưng phải cụ thể hóa được mục tiêu và hành động như người Nhật, sống có trách nhiệm với bản thân và tôn trọng pháp luật cũng như phong tục tập quán của cộng đồng nơi đây.

Nhiệm vụ của trung tâm này không chỉ là dạy Nhật ngữ mà còn giáo dục ý thức và nâng cao kỹ năng làm việc cho các đối tượng tham gia, chủ yếu là học sinh, sinh viên.

“N” chuyện cần lưu ý

Học tập và làm việc ở nước ngoài đồng nghĩa với việc các bạn phải sống độc lập, tự lo sinh hoạt, tự đi chợ, tự nấu ăn, tự chăm sóc sức khỏe. Mặc dù có một số bạn thực tập sinh được nhà máy cung cấp chỗ ở và bữa ăn, tuy nhiên hầu hết đều tự túc bữa ăn hàng ngày.

Bạn Võ Thị Kim Xuyến- đang học tập và làm tại Yokkaichi- Nhật Bản cho rằng: “Làm việc khá vất vả nên các bạn phải tự biết chăm sóc bản thân để có thể cân bằng, làm chủ tốt cuộc sống tự lập”. Là thực tập sinh Nhật Bản, mỗi ngày bạn cần lên kế hoạch và sắp xếp các công việc một cách chặt chẽ, xác định rõ mục tiêu đi xuất khẩu lao động không chỉ là kiếm tiền mà nên có thời gian ưu tiên cho học tập Nhật ngữ.

Kim Xuyến ngoài làm thêm còn sinh hoạt các câu lạc bộ âm nhạc để giao lưu với các bạn người Việt, người Nhật và trao đổi kinh nghiệm sống.

“Đối với một bạn thực tập sinh thời gian càng trở nên quý giá hơn bao giờ hết bởi các bạn có quá nhiều việc phải làm trong khi quỹ thời gian có hạn”- ngoài làm việc, học tập, giao lưu bạn bè Xuyến còn cùng các bạn đi du lịch Nhật Bản.

2 năm sống ở nước bạn, Xuyến hiểu rằng người thân ở xa không thể xuất hiện ngay bên cạnh nên những người bạn tốt, những mối quan hệ tốt chính là gia đình thứ hai của mình nơi bản xứ.

Kim Xuyến (thứ 2 từ phải sang) cùng các bạn trong một ngày hội âm nhạc Việt Nam ở Nhật Bản (ảnh nhân vật cung cấp).
Kim Xuyến (thứ 2 từ phải sang) cùng các bạn trong một ngày hội âm nhạc Việt Nam ở Nhật Bản (ảnh nhân vật cung cấp).

Một lưu ý khác khi du học hay tham gia chương trình thực tập sinh là những cạm bẫy của các nhà “môi giới ma”, người lao động cần phải có một cái đầu hết sức tỉnh táo và tìm hiểu kỹ trước khi đưa ra lựa chọn tham gia ở công ty nào.

Đối với bạn Ngô Minh Triều (xã Trung An- Vũng Liêm)- sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long đang chuẩn bị bay sang Nhật theo chương trình thực tập sinh, thì “việc học tiếng và văn hóa Nhật đáp ứng đủ yêu cầu nhà tuyển dụng thật không dễ dàng”.

Với trình độ CĐ, “3 năm học cơ khí không hề uổng phí mà nó là cái vốn cho bản thân”, Triều nói thêm: “Bây giờ thì học thêm được nhiều thứ trong cuộc sống, từ chào hỏi, nói năng…”.

Đối mặt với những khó khăn ở một đất nước xa lạ là một việc không hề dễ dàng, vì vậy hãy trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết nhất

Ông Nguyễn Xuân Lanh- Trợ lý giám đốc Công ty TNHH Esuhai- cho rằng: Các bạn thực tập sinh cần nhớ rằng sang Nhật Bản làm việc không chỉ để kiếm tiền, không chỉ để thoát nghèo. 500, 700 triệu rồi sẽ hết. Nghề nghiệp bạn học được mới là cái quan trọng. Hãy chú ý học tất cả những gì tốt đẹp từ nước bạn để về ứng dụng trên quê hương mình, đó mới là cách giảm nghèo bền vững, vươn lên khá giàu.

Bài, ảnh: VĨNH PHÚC